1. Thịt lợn kẹp cây rừng nướng
Từ những chú lợn đen chăn thả tự do, thịt chắc, hương thơm đặc trưng quyến rũ. Món thịt lợn kẹp cây rừng nướng, là món ăn ngon cuốn hút mọi thực khách phương xa.
Nguyên liệu là những miếng thịt cả bì và mỡ, tẩm ướp với gia vị rừng đặc trưng của vùng thảo cỏMù Cang Chảinhư hạt mắc khén, hành tươi… cho vào lá rong tươi bọc vài lớp, kép tre nướng trên bếp than hoa.
Khi thưởng thức, món ăn ngon lạ kỳ với mùi thơm quyến rũ của những gia vị quyện với vị ngọt của thịt khiến những thực khách phương xa khó thể cưỡng lại.
Nhưng món nướng này cũng không thể nhanh chóng mà ăn được, vì nướng trên than hoa, buộc người nướng phải rất khéo léo để sao cho thịt chín đều, vàng ươm, lớp lá rong chỉ cháy khô bên ngoài. Có lẽ món ăn này ngon tuyệt hảo cũng bởi vì thịt lợn ở đây sạch và ngon chăng?
2. Xôi nếp nương chấm muối lạc Tú Lệ
Trời cuối thu, lành lạnh lênTú Lệ, Mù Cang Chải, được nắm trên tay một nắmxôi nếp Tú Lệdẻo thơm nóng hổi, vừa ăn vừa hít hà thì không còn gì tuyệt bằng.
Hạt gạo nếp Tú Lệ trứ danh đều, dài, căng mẩy, hạt nào hạt nấy nhìn trong veo rất ngon mắt. Cầm một nắm gạo nếp Tú Lệ trên tay, thấy nặng mà mát mượt như nhung. Thứ gạo ấy đồ lên, chẳng cần thêm nước dừa nước yến gì mà xôi vẫn cứ thơm, dẻo, ngọt từng hạt một. Dẻo mềm mà không bị ướt, bị dính. Ngọt mà càng nhai kỹ thì lại thấy bùi. Bùi mà không béo, không ngấy, ăn vào không thấy ngán, không thấy đầy đầy, ứ ứ như các loại xôi nếp thông thường khác.
Làm nên “danh tiếng” của xôi Tú Lệ còn phải kể đến các hương thơm của nó. Cái hương thơm cứ ngạt ngào như thể hương hoa ban, hoa trẩu, hoa sở… của núi rừng Tây Bắc đọng lại mà thành; dạt dào, khoáng đạt như thể hương của đồng nội, của núi rừng Tây Bắc kết tinh lại mà ra. Hương thơm ấy cứ nhẹ nhàng lan tỏa khắp không gian… ít loại xôi nếp nào có thể sánh kịp.
3. Táo mèo
Lên Mù Cang Chải, Yên Bái du khách sẽ bắt gặp nhiều nơi bày bán loại quả hình trứng, thích mắt, đó là quả táo mèo.
Yên Bái là vùng đất nổi tiếng với rất nhiều loại rượu ngon, đặc trưng của núi rừng. Đây là một loại rượu được ngâm ủ từ loại táo rừng, có màu nâu sóng sánh và vị ngọt thơm đặc trưng. Đến Yên Bái, du khách không những bị hấp dẫn bởi dư vị sơn hào phong phú và độc đáo của vùng đất sương mù này mà còn “say” trong men rượu nồng ấm của táo mèo.
Đây là loại rượu dân dã nhưng cũng rất độc đáo. Qủa táo mèo được kết từ hương của rừng, ngấm đẫm gió ngàn, hấp thụ khí đất, khí trời và nắng gió vùng cao nên nó có đủ vị chua ngọt và chát đắng. Táo mèo được ngâm ủ rất kỹ rồi cất thứ tinh chất ấy để chế ra rượu. Ban đầu, uống rượu táo mèo, ta tưởng như uống một loại nước giải khát có ga, thế nhưng càng uống càng ngất ngây.
4. Mật ong
Mật ong Mù Cang Chải là một trong những đặc sản của Yên Bái. Từ lâu nó đã được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng vì chất lượng mật tốt, màu vàng óng, sánh đặc, có tác dụng bồi bổ sức khoẻ và chữa bệnh rất tốt. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi có rừng núi hoang sơ, khí hậu trong lành, nhiều rừng và thảm thực vật phong phú, nhiều nguồn mật hoa quý như sơn tra, thảo quả, màng mủ, đào, mơ, mận, nếp nương…
5. Nhộng ong rừng
Món nhộng ong xào mùng thơm ngon, bắt mắt phải không quá nát, phải giữ được hình thù của nhộng ong, còn mùng phải có màu xanh nhạt, có vị thơm béo ngậy của ong, mùi thơm của gia vị, của lá chanh…
Nhộng ong xào mùng không phải mùa nào cũng có, nó chỉ được chế biến vào mùa ong rừng làm tổ và sinh sản (khoảng từ tháng 4 đến tháng 8). Vì vậy với người dân nơi đây, món ăn này còn được xem là đặc sản quý hiếm của núi rừng. Món ngon dễ làm, ai cũng có thể ăn được, có thể dùng để ăn với cơm nhưng vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt với cánh mày râu thích đưa cay.
6. Cốm Tú Lệ
Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) từ lâu đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong. Thứ nếp này khi được đồ thành xôi thì có vị dẻo thơm đặc biệt, còn khi chế biến thành cốm thì lại có thêm hương vị thật ngọt ngào, thanh mát.
Để làm ra những hạt cốm còn giữ nguyên được hương vị đậm đà, thơm dịu đầy sức quyến rũ mang nét đặc trưng của vùng cao Yên Bái, khi làm cốm, bà con người dân tộc Thái nơi đây đã phải rất công phu. Khi lúa khum ngọn, hãy còn nguyên sữa thì cũng là lúc gặt đem về làm cốm. Lúa để làm cốm không được vò hay đập mà phải tuốt, sàng bỏ rơm và những hạt thóc lép, đem đãi qua nước rồi cho vào chảo rang. Bếp lò để rang cốm thường phải đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi.
Chảo rang cốm thường bằng gang đúc, có như vậy từng hạt cốm khi rang xong sẽ không bị cháy mà mềm dẻo, thơm ngon. Cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều. Thóc rang xong, người làm cốm đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã. Thóc được giã đều và vừa tay khi thấy có trấu thì xúc ra xảy bỏ rồi lại giã tiếp.
Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng, trung bình khoảng 10 lần giã là hoàn tất. Cốm thường được ăn cùng với chuối chín, trái hồng đỏ chín cây hoặc cũng có thể dùng để nấu cháo vịt, xôi nếp, chè và nêm vào các món như: nem rám, tôm rán, thịt chiên…
7. Cá Hồi và Cá Tầm
Từ chân đèo Khau Phạ phía bên Tú Lệ đi lên khoảng 7km sẽ tới khu vực nhà hàng Khau Phạ, đây cũng là một trong những trang trại nuôi Cá Hồi lớn của Miền Bắc, số lượng cá nuôi ở đây lên tới 10.000 con, cá giống hoàn toàn được nhập và nuôi theo công nghệ từ Châu Âu. Nhiều món ngon từ Cá Hồi (hoặc Cá Tầm) được chế biến tại đây để phục vụ khách du lịch, nếu đi đoàn đông các bạn có thể vào làm nồi lẩu cho bữa trưa của mình.
8. Châu chấu rang
Châu chấu có quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa gặt, khoảng tháng 5 và tháng 9. Vào mùa, châu chấu bao giờ cũng thơm ngậy, là món ăn hấp dẫn khi đến Mù Cang Chải.
Ngoài ra tại Mù Cang Chải còn có món cua suối rang muối khá ngon, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có sẵn mà còn tùy thuộc vào thời gian bạn ở Mù Cang Chải. Bạn nên chủ động gọi điện đặt trước với các nhà hàng, quán ăn bởi thường các đoàn thường đi xung quanh chụp ảnh ở các điểm trước rồi mới về Thị trấn Mù Cang Chải để nghỉ ngơi, lúc đó thường đã muộn và hết đồ ăn.
9. Cua suối rang muối
Khác với các loại cua sống ở biển, ở ruộng, con cua suối thường sống trong các hốc đá trên suối ở vùng cao. Thịt cua suối thơm, chắc và có thể chế biến được nhiều món ngon trong đó có món Cua suối rang muối. Cua sau khi bắt về bóc mai, rửa sạch để cho ráo nước. Cho dầu vào chảo đun sôi, bỏ tỏi vào xào thơm sau đó cho cua vào đảo cho đều, rắc muối lên rang cho đến khi cua chín vàng.
10. Mận tam hoa
Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng với ruộng bậc thang, kỳ quan do bàn tay con người tạo nên, nổi tiếng với những phiên chợ vùng cao người Mông lung linh màu sắc mà còn làm say lòng du khách bởi hương vị đậm đà, giòn tan của mận tam hoa.
Thường vào đầu tháng 5 âm lịch, mận chín và bắt đầu mùa thu hái. Trên cao nguyên bảng lảng mây nắng, những vườn mận trĩu quả, nhiều chùm còn xanh, và nhiều chùm đã ngả màu tím. Thấp thoáng, những cô gái Mông thoăn thoắt bàn tay hái những chùm mận sai trĩu…chẳng mấy chốc đã đầy một gùi.
Mận tam hoa Mù Cang Chải quả to, màu đỏ, thịt bên trong hồng tươi, ngoài phủ một lớp phấn trắng mịn, sẽ làm cho du khách cảm nhận được sự tinh khiết, trong lành của thiên nhiên vùng du lịch sinh thái đầy hấp dẫn và hứa hẹn.
Có thể nói mận tam hoa Mù Cang Chải không chỉ là món ngon mà còn là đặc sản mà nhiều người đã yêu thích và dùng như một món quà biếu nhau mỗi khi đi xa về.
Theo Pystravel