10 món ăn Sài Gòn cứ đi xa lại nhớ

Tác giả: Đi Đâu Chơi Gì
Đăng ngày: 02/11/2018
Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Người Sài Gòn dù có đi xa thì lòng lúc nào cũng khắc khoải nhớ thương thành phố nhộn nhịp nhưng
tình người ấm áp. Ngoài khung cảnh, mùi hương và con người, những món ăn gắn liền với năm tháng
cũng góp phần khiến người xa xứ cảm thấy nao lòng.

Cơm tấm

Đĩa cơm tấm Sài Gòn đã đi vào ký ức của nhiều người từ rất lâu. Một buổi sáng
trời se lạnh, người bán đem ra đĩa cơm được nấu bằng gạo nhuyễn, khói bốc nghi ngút, phía trên là
miếng sườn mềm kết hợp với bì chả. Chan chút nước mắm vào, họ múc một muỗng thổi cho bớt nóng rồi
ăn một cách ngon lành.

com-tam-danthao_1421834130.jpg

Bún mắm

Đâu phải chỉ miền tây sông nước mới
tìm thấy món bún mắm thơm ngon, Sài Gòn cũng có nhiều chỗ bán ngon và lúc nào cũng đông khách. Bún
mắm ngon kì lạ, vị mặn mặn ngọt ngọt, có nhiều tôm, mực, thịt heo quay… ăn kèm với rau đắng thì
không có chỗ nào chê.

Thịt bò tái hột

Bất kỳ tiệm phở nào cũng đều phục vụ
riêng món thịt bò tái hột gà. Tô thịt bò đem ra nóng hổi, thơm lừng, nêm nếm đậm đà. Chủ quán sẽ
đập thêm một cái trứng cho vào tô khi nước dùng còn sôi. Lòng trắng trứng khi đó sẽ chuyển sang màu
trắng đục, phía trên rắc chút tiêu đen và thêm vài miếng hành ngò xắt nhỏ. Thịt bò mềm ngon, thường
được người Sài Gòn ăn vào buổi sáng sớm.

Hủ tiếu Nam Vang

Có nguồn gốc từ Campuchia và được
người Hoa du nhập rồi chế biến, hủ tiếu Nam Vang ngày nay ở Sài Gòn đã phần nào biến hóa về nguyên
liệu lẫn hương vị. Nước dùng của hủ tiếu gồm thịt bằm, lòng heo nấu ra. Thành phần tô hủ tiếu Nam
Vang gồm tôm, lòng, tim, gan, trứng cút… thêm hỗn hợp hấp dẫn như hành phi, tôm khô, hành lá…

Cháo lòng

Món ăn này đã trở nên phổ biến với
những người lao động hay công nhân viên chức. Chiều chiều khi đói bụng có thể chạy ra đầu ngõ gọi
một tô cháo gồm huyết, dồi chiên, tim… rồi cho thêm những miếng giò cháo quẩy vào tô. Đảo đều lên
rồi múc một muỗng thổi cho bớt nóng và thưởng thức. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng người Sài Gòn ai
cũng xuýt xoa khi nhớ lại hương vị tô cháo.

Bánh cuốn

Nhắc đến bánh cuốn, dân Sài Gòn
thường nhớ ngay đến hình ảnh người bán cặm cụi ngồi bên nồi bánh cuốn bốc khói, tay thoăn thoắt cậy
bánh, cho nhân vào rồi đem ra ngay để khách vừa thổi vừa ăn.

Bánh xèo

Sài Gòn có hai mùa mưa nắng và ăn
bánh xèo trời mưa đã trở thành luật “bất thành văn”. Bánh xèo vàng giòn, cuộn cùng lá cải xanh, cho
thêm rau và giá, chấm nước mắm và nhai rộp rộp. Cảm giác nhớ vị bánh xèo càng tăng hơn nữa khi có
hình ảnh gia đình, bạn bè quây quần bên nhau.

Bánh mì chả cá

Đối với ai từng trải qua thời
học sinh chắc hẳn không thể quên khoảng thời gian “gặm” bánh mì cho bữa sáng, bữa trưa hay bữa tối.
Chả cá được chiên vàng, tỏa mùi thơm phức, cho vào bánh mì và thêm tương ớt phía
trên.

Bún riêu

Không phải ai cũng ăn được bún riêu,
nhưng một khi đã thích thì có đi đâu cũng mãi nhớ hương vị. Tô bún riêu gồm đậu hũ, riêu cua, huyết
và cà chua… Phần nhiều bún riêu ngon được bán trong chợ hoặc các quán bình dân lề đường, những
quán sang người Sài Gòn ít khi lui tới để thưởng thức món này.

Ốc

Nhắc đến ẩm thực Sài Gòn mà bỏ qua món ốc sẽ là thiếu sót rất lớn. Chỉ duy nhất ở Việt Nam mới
có những quán ốc vỉa hè, đầu hẻm cuối hẻm mọc lên san sát nhau, phục vụ vô số những món ngon như ốc
bươu, ốc cà na, nghêu, ghẹ…

Thảo Nghi

Ảnh: Đan Thảo

Exit mobile version