10 Món Ngon ở Huế – Bạn đã ăn chưa?

Tác giả: Đi Đâu Chơi Gì
Đăng ngày: 05/11/2018
Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Đi du lịch, ngoài việc ghé thăm các danh lam thắng cảnh đẹp thì thưởng thức ẩm thực cũng là một thú vui không thể không nói tới. Nhiều người cho rằng món ăn cũng chính là văn hóa, thưởng thức món ăn chính là đang trải nghiệm văn hóa của vùng đất mà mình đến. Chính vì vậy, đừng bỏ lỡ cơ hội này khi các bạn đến một nơi nào đó.

Huế là vùng đất cố đô nhưng cũng là vùng đất nằm ở miền Trung đầy nắng gió, có nhiều bất lợi về vị trí cũng như điều kiện tự nhiên. Chính vì vậy mà ẩm thực nơi đây có những nét đặc trưng riêng, rất nhiều món ăn thể hiện sự khéo léo, cầu kỳ trong chế biến, nhưng lại sử dụng nhiều loại nguyên vật liệu sẵn có, đơn giản mà tạo ra hương vị hấp dẫn khó cưỡng. Toidi.net sẽ gợi ý cho các bạn những món ngon ở Huế món ngon ở Huếmà chắc chắn các bạn phải thử khi tới Huế.

Món Ngon ở Huế

1.Cơm Hến

Nhắc tới Huế chắc hẳn ai cũng nghĩ tới món Cơm hến đầu tiên, bởi món ăn này dân dã, có mặt ở khắp nơi từ những quán ăn nhỏ trong chợ, các ngõ phố tới những nhà hàng sang trọng trong thành phố Huế.

Cơm hến với nguyên liệu chính là hến nhưng phụ gia thì khá nhiều như tóp mỡ chiên giòn, mắm ruốc, rau sống, hoa chuối, giá đỗ, thân khoai môn trắng thái nhỏ, lạc rang… Tất cả trộn lẫn đem lại một hương vị đậm đà và cay nồng rất đặc trưng của xứ Huế.

Món ăn này có thể tìm thấy ở khắp nơi và có giá rất rẻ. Thường các quán bán cơm hến có phục vụ cả bún hến, cháo hến, nếu có nhiều thời gian các bạn nên ăn thử cả những món này nữa. Một vài gợi ý địa điểm ăn cơm hến:

– Quán ở Cồn Hến, Vĩ Dạ

– Quán chị Nhỏ trong ngõ ngã tư Phạm Hồng Thái – Trương Định

– Quán ở số 2 Trương Định

– Quán Cháo – Bún – Cơm hến ở 98 Nguyễn Huệ

– Khu vực đường Hàn Mạc Tử

– Vỉa hè đường Trần Nhân Tông, gần chợ Tây Lộc.

2.Bún bò Huế

Có thể nói đây là món ăn không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn nổi tiếng toàn thế giới. Hầu hết khách du lịch nước ngoài đều biết đến món ăn này bởi rất nhiều bài viết trên báo, tạp chí nước ngoài hay từ những blogger du lịch nổi tiếng đều đề cập tới món Bún bò như một món ăn ở Huếkhông thể cưỡng nổi.

Sáng sáng, ở Huế các bạn có thể thấy quán bún bò ở khắp nơi, giá chỉ từ 20-30k/bát tùy quán nhưng chất lượng có thể nói là miễn chê. Món ăn này có hương vị và màu sắc rất đặc trưng mà không món ăn nào có được từ các loại gia vị như sả, ớt màu, ớt bột, tiêu, tỏi, hành, mắm ruốc… Một bát bún bò đúng điệu phải có một miếng chân giò, giò nắm, tiết lợn, và vài lát thịt bò… và quan trọng nhất là rau ăn kèm phải thật tươi ngon.

Gợi ý một vài địa điểm thưởng thức món ăn này:

– 13 Lý Thường Kiệt, cạnh nhà khách Công Đoàn

– Quán “Mụn Rớt” gần chùa Diệu Đế

– Bún Lệ đường Điện Biên Phủ

– Quán bún Bà Phụng trên đường Nguyễn Du

– Bún Bà Mỹ ở 71 Nguyễn Công Trứ

3.Bánh canh

Có thể nói bánh canh là món ăn nổi tiếng ở khu vực miền Trung, nhưng không phải chỗ nào cũng giống nhau. Ở mỗi tỉnh, món ăn này lại được thay đổi chút ít cho phù hợp với khẩu vị người dân hoặc thay đổi nguyên liệu sẵn có của vùng đất đó. Bánh canh ở Huế cũng vậy, mang hương vị đặc trưng của nước lèo màu đỏ từ gạch cua và tôm, khi nấu trộn lẫn với hạt điều để có màu sắc đẹp hơn. Sợi bánh canh cũng rất đặc biệt, trong suốt, dai mềm mà không nát. Nhắc đến bánh canh ở Huế thì người ta hay nhắc đến bánh canh Nam Phổ và bánh canh Bà Đợi.

Tại sao được gọi là bánh canh Nam Phổ chính bởi vì đây là món ăn đặc trưng của người Nam Phổ, huyện Phú Vang, được bán ở những gánh hàng rong các buổi sáng hoặc xế chiều.

Còn bánh canh Bà Đợi chính là nhắc tới quán bánh canh rất nổi tiếng ở cuối một con hẻm nhỏ trên đường Đào Duy Anh. Quán của gia đình nên ít người phục vụ, khách thường phải đợi lâu hơn nên gọi luôn là quán bà Đợi.

Ngoài bánh canh cua thì ở Huế còn có cả bánh canh cá lóc, cũng rất đáng để thử. Cá lóc được luộc chín, tách lấy thịt rồi nêm gia vị ướp cho ngấm. Xương cá được giã nhuyễn, lọc lấy nước nấu cùng nước luộc cá để làm nước dùng. Đây chính là cách tạo ra thứ nước dùng có vị ngon ngọt, tự nhiên.

Một vài địa điểm thưởng thứcmón ngon này ở Huế

– Quán bánh canh trên đường Phạm Hồng Thái

– Dốc Phan Bội Châu, Trường An

– Quán bánh canh cá lóc Thủy Dương ở Hương Thủy

4.Chè Hẻm

Những hàng chè ở Huế thường nằm trong những con hẻm nhỏ nên tự dưng “Chè Hẻm” trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Và nói tới chè thì chắc không đâu lại có nhiều loại chè như ở Huế. Chỉ tính chè cung đình đã có hơn 36 loại, cầu kỳ từ cách chế biến tới cách bày biện. Từ chè đậu xanh, hạt sen, xanh dứa… tới những món nghe lạ tai hơn như chè môn sáp vàng, chè bông cau, chè bột lọc thịt quay… Rồi tới hàng chục loại chè bình dân như chè bắp, chè kê, chè khoai, đậu ván… Vào quán chè ở Huế các bạn có thể ăn tới hàng chục loại mà không thấy ngán nhưng cũng không thể nào một lần mà có thể thưởng thức hết tất cả các loại chè ở đây.

Quán chè nổi tiếng nhất ở thành Huế là quán nằm sâu trong hẻm 27 trên đường Hùng Vương của bà Linh Lan. Quán chè mở từ năm 1985 và tới nay bà đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn tận tay lựa từng loại nguyên liệu để nấu chè.

Một số quán chè ở Huế:

– Các hàng chè di động ở gần công viên Tuổi Trẻ

– Chè Cung Đình 31 Nguyễn Huệ

– Chè Sao ở đường Phan Bội Châu

– Quán chè ở Trương Định

5. Bánh Huế

Chè Huế đa dạng thế nào thì các loại bánh ở Huế cũng đa dạng không kém. Nếu đến Huế, ghé chợ Đông Ba các bạn nên thử thưởng thức một đĩa bánh ở đây, các bạn sẽ ngạc nhiên cho coi. Mỗi dĩa bánh sẽ có đủ các loại bánh đặc sản của Huế như bánh bèo, bánh ướt, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh ram ít… Loại bánh nào cũng ngon, cũng thú vị.

Bánh bèo có thể coi là món ăn gắn bó với người dân ở đây một cách mật thiết, có màu trắng, mỏng như chiếc lá, đổ khuôn trong những chén nhỏ, hình tròn. Nhiều gánh hàng rong hoặc chỉ là một chiếc thúng nhỏ, người bán hàng đem bánh bèo đến bán từng nhà. Hay ở Huế có những khu phố gọi là “Khu phố bánh bèo” như An Định, đường Ngự Bình, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Bánh bột lọc thì được làm từ củ sắn, nhân bánh có tôm, thịt mỡ, gói bằng lá chuối và hấp chín. Bánh bột lọc được người vùng khác yêu thích đến nỗi mỗi khi đến Huế đều mua tới cả trăm cái mang về làm quà cho những người ở nhà.

Tất cả những loại bánh này thường đều có bán ở những quán bán bánh.

Ngoài ra, còn một loại bánh nữa là bánh khoái, thường được phục vụ riêng cứ không có trong đĩa bánh các loại. Vỏ bánh khoái đổ bằng bột gạo xay trộn với lòng đỏ trứng, nhân là tôm bóc vỏ, thịt bò hay thịt chim nướng thái lát, mỡ phần thái nhỏ, giá sống… Nhưng thứ tạo ra hương vị tuyệt hảo cho món bánh này chính là nước chấm. Quán bánh khoái ngon nhất, nổi tiếng nhất có lẽ là quán bánh khoái Thượng Tứ với 3 chi nhánh là Lạc Thiện, Lạc Thạnh và Bạch Yến.

Các địa điểm thưởng thức bánh huế ngon:

– Quán bánh trên đường Chi Lăng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Huệ

– Quán Bà Đỏ, 71 Nguyễn Bỉnh Khiêm

– Quán Bà Cư, 47 Nguyễn Huệ

– Quán Hàng Me ở Võ Thị Sáu

6.Nem lụi

Nhiều người thường nói “Nem lụi là một trong những món ăn đặc sệt Huế”’. Ngoài nguyên liệu chính là nem lụi được xiên que nướng trên bếp than hồng thì cái ngon của món ăn này chính là ở các loại rau ăn kèm và thứ nước chấm được pha chế từ hàng chục nguyên liệu khác nhau.

Rau ăn kèm phải bao gồm các loại rau thơm, khế, giá, chuối xanh thái mỏng, vả sống… Nước chấm cũng hết sức cầu kỳ, được pha chế từ gan lợn, dầu, bột đao, đường, tương, nước mắm, quế chi, hoa hổi, cốt dừa…

Nem lụi ăn một lần rồi bạn sẽ muốn ăn lần 2, lần 3… rồi lần nào đến Huế cũng muốn thưởng thức món này, thậm chí đến về nhà rồi vẫn muốn tìm kiếm quán nem lụi nào đó cho thật giống hương vị ở Huế.

Những quán nem lụi ngon ở Huế:

– Quán trước cửa chợ Đông Ba

– Quán trên đường Phú Quý – Nguyễn Huệ

– Quán Hạnh ở 11 Phó Đức Chính

7.Cơm Âm Phủ

Một món ăn ngon ở Huế mà có cái tên khá lạ, gây nhiều tò mò cho khách du lịch với câu nói “Muốn ăn cơm dĩa trữ tình, có quán Âm phủ ma rình phía sau” là món Cơm Âm phủ. Nhưng có thể nói món ăn này hấp dẫn từ hình thức cho tới hương vị. Nguồn gốc của món ăn này bắt nguồn từ quán cơm có tên Âm phủ trên đường Nguyễn Thái Học, gần sân vận động Huế. Quán đã mở cửa gần trăm năm nay và trước chỉ mở vào đêm khuya, dùng đèn dầu leo lét nên mới thành tên như vậy.

Một đĩa cơm Âm Phủ bưng ra bạn sẽ được thưởng thức bằng mắt trước tiên bởi đĩa cơm có đủ cả 7 màu, được bày biện hết sức nghệ thuật, hết sức rực rỡ. Cơm trắng được nấu bằng gạo An Cựu ở giữa, xung quanh có thịt ba chỉ, chả lụa Huế, tôm, nem nướng, trứng tráng, rau thơm, dưa leo… Khi ăn, các bạn nhớ rưới một ít nước mắm lên trên, trộn đều và thưởng thức thôi. Cơm Âm Phủ hiện nay được phục vụ từ ở những quán cơm bình dân tới những nhà hàng sang trọng.

Quán cơm Âm Phủ ở Huế:

– Quán 35 Nguyễn Thái Học

– Quán 51 Nguyễn Thái Học

8.Cơm chay Huế

Không gian Huế thanh tịnh, yên bình, quả thật rất phù hợp với việc thưởng thức một bữa cơm chay. Và cơm chay ở Huế có thể nói đã được nâng lên thành một nghệ thuật. Nguyên vật liệu cũng chỉ từ rau, củ, nấm, đậu phụ, đậu xanh… nhưng mâm cơm chay được dọn lên thể hiện được tất cả tấm lòng cũng như công sức của người làm ra nó.

Ăn cơm chay trong chùa có lẽ là ngon nhất, các bạn có thể xin cơm chay ở chùa nào cũng được nhưng trong nội thành Huế có chùa Từ Đàm các sư nữ, ni cô nấu cơm chay rất ngon. Thường ngày rằm và mùng Một ở các chùa đều có cỗ chay mời các phật tử tới chùa hành hương.
Nếu không các bạn có thể đến:

– Quán Liên Hoa: số 3 đường Lê Quý Đôn

– Quán Bồ Đề trên đường Bà Triệu

– Quán Tịnh Bình ở phường Thuận Thành

– Quán Tịnh Tâm trên đường Phạm Ngũ Lão

9.Bún thịt nướng và bánh ướt thịt nướng

Bún thịt nướng và bánh ướt thịt nướng đều có chung nguyên liệu chính là thịt nướng. Món này khá nổi tiếng ở khu vực miền Trung và miền Nam. Thịt nướng được tẩm ướp nguyên liệu khá cẩn thận và tỉ mỉ, khi nướng lên mềm, không bị khô, hơi có vị ngọt đặc trưng. Dù trộn với bún hay cuốn với bánh ướt thì 2 thứ không thể thiếu tạo nên nét đặc biệt của món ăn này là rau sống và nước chấm.

Các quán bún thịt nướng ngon nằm ở khu vực:

– Đường Kim Long, đường đi chùa Thiên Mụ

– Cổng chợ Đông Ba

– Quán bún thịt nướng trên đường Bà Triệu

10.Các món ngon ở Huế có thể mang về làm quà

– Bánh chưng Nhật Lệ: là món ăn rất nổi tiếng ở Huế, xuất phát từ con phố Nhật Lệ trong thành nội. Bánh chưng ở đây rất đặc biệt, chỉ nhỏ bằng bàn tay và luôn bán theo cặp.

– Tôm chua: một món ăn mang sự tinh tế của người Huế, được làm từ tôm đồng, không quá to cũng không quá nhỏ để có hình thức đẹp. Phải qua tới cả chục công đoạn thì mới có được thành phẩm là hũ tôm chua có màu sắc bắt mắt và hương vị cay nồng đặc trưng.

– Tré Huế: một món ăn nhìn qua có vẻ giống nem chua, nhưng lại rất khác biệt. Nguyên liệu làm tré đều phải được làm chín và bao gồm rất nhiều loại gia vị. Và tré ngon phải là loại được làm bằng tay chứ không phải làm bằng máy vì khi làm tay các nguyên liệu sẽ không bị nát và giữ được hương vị ban đầu.

Toidi.net tin rằng những món ăn mang đặc trưng vùng miền này luôn làm hài lòng những vị khách du lịch khó tính nhất. Vì vậy các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức một phần văn hóa Huế qua những món ăn này.

Exit mobile version