Cuộc thi gồm 4 nội dung chính: Pha trà – Nghệ nhân phải thể hiện được kỹ năng pha chế và trình bày 2 loại trà, một do ban tổ chức lựa chọn và một do thí sinh tự lựa chọn. Trà và đồ ăn kèm – Nghệ nhân phải thể hiện được kỹ năng kết hợp đồ uống trà và một loại đồ ăn nhẹ đi kèm, trong đó, nghệ nhân sẽ phải chuẩn bị hai set kết hợp trà và đồ ăn kèm. Tea Mixology (Trà kết hợp với đồ uống khác) – Nghệ nhân thi đấu ở nội dung này phải thể hiện được tài năng trong việc chuẩn bị 2 loại đồ uống có nền tảng là trà. Thử nếm Trà – nghệ nhân tham gia nội dung này phải thể hiện được kỹ năng phân biệt được các loại trà mẫu trong set trà đã cho sẵn từ trước.
Theo thể thức của cuộc thi, Hiệp hội Chè của mỗi quốc gia thành viên sẽ tổ chức cuộc thi pha chế chè trong nước và chọn ra nhà vô địch để tham gia cuộc thi mang tầm quốc tế này.
Được biết, cuộc thi do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức; với sự tham dự của đông đảo các Hiệp hội Chè trên thế giới, cụ thể là 15 quốc gia, đặc biệt có những quốc gia sản xuất và tiêu thụ chè lớn như Trung Quốc, Nga, Ba Lan, Ukraina, Hàn Quốc, Úc, Singapore, CH Séc, Pháp…
Cuộc thi nhằm tôn vinh những nghệ nhân trẻ có tâm huyết, có lòng đam mê và đầy sáng tạo nghệ thật trong pha chế và bày trí tiệc trà, đem đến cho người thưởng trà đầy đủ các hương vị tinh túy của trà và các thức đi kèm, tạo ra tâm trạng thư thái, sang trọng.
Theo dự kiến, cuộc thi sẽ được diễn ra trong 3 ngày từ 23 đến 25/11.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay trong số các mặt hàng nông sản chủ lực, Chè được xem là mặt hàng có lợi thế xuất khẩu và có tiềm năng mang lại giá trị gia tăng cao cho Việt Nam. Hiện nay, diện tích chè cả nước năm 2018 đạt khoảng 125 nghìn ha, năng suất đạt 8,5 tấn/ha và sản lượng đạt 935 nghìn tấn. Năng suất trong giai đoạn này tăng mạnh nên sản lượng chè có xu hướng tăng cao cùng với việc áp dụng trồng các giống chè mới có năng suất và chất lượng cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Cơ cấu sản phẩm đã được điều chỉnh phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng đa dạng của khách hàng trên thế giới với sản lượng chè xanh của Việt Nam hiện nay đứng thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.
Hiện các Tiêu chuẩn Việt Nam về chè và sản phẩm chè có hiệu lực hiện nay, đã cơ bản đảm bảo hài hòa với các yêu cầu chung của thế giới và được các quốc gia sản xuất chè thống nhất áp dụng Mạng lưới chứng nhận chất lượng chè an toàn bước đầu hình thành; Giá cả chè Việt Nam khá cạnh tranh – là một lợi thế tốt khi mà nền kinh tế thế giới có quá nhiều biến động, có cơ hội tăng năng suất, sản lượng và chất lượng.
Bạch Châu – Đại Dương