5 cung phượt hiểm trở bậc nhất Việt Nam dành cho các biker
Vừa sở hữu nét đẹp hoang sơ kì vĩ của tự nhiên, vừa ẩn chứa nhiều nguy hiểm chết người, 5 con đường đèo mà chúng tôi giới thiệu dưới đây được đánh giá là những cung phượt tuyệt đẹp nhưng vô cùng hiểm trở mà bất cứ phượt thủ nào cũng khao khát chinh phục.
1. Đèo Mã Pí Lèng – Hà Giang
Được mệnh danh là vua của tất cả những con đường đèo ở Việt Nam, đèo Mã Pí Lèng cũng được xem là cung phượt đẹp bậc nhất vùng núi phía Bắc. Nhiều người còn ví von Mã Pí Lèng là Kim Tự Tháp của người Mèo hay Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam.
Mã Pí Lèng có chiều dài 20km uốn lượn qua cao nguyên đá Đồng Văn – vùng núi được hình thành từ kỷ Devon đến kỷ Permi. Mã Pí Lèng nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và huyện Mèo Vạc. Dưới chân đèo là dòng Nho Quế uốn lượn tuyệt đẹp.
Con đèo giống như một sợi chỉ vắt ngang lưng chừng đồi tạo khung cảnh hùng vĩ tuyệt đẹp cho cao nguyên núi đá. Chính vì thế mà mặc dù được biết đến là địa hình hiểm trở bậc nhất Việt Nam, nhưng khách du lịch, đặc biệt là dân phượt đều khao khát một lần đặt chân tới đây.
2. Đèo Ngoạn Mục – Ninh Thuận
Đèo Ngoạn Mục chạy men theo sườn núi dựng đứng nối giữa cao nguyên Lang Biang và thung lũng Ninh Sơn.
Giống như tên gọi của mình, đèo Ngoạn Mục với độ dốc lớn hơn 9 độ, chiều dài 18.5km trở thành một thách thức đối với bất cứ biker nào trên chặng hành trình Đà Lạt – Phan Rang. Đèo Ngoạn Mục có bốn khúc cua khuỷu tay rất gấp, uốn lượn qua đồi núi tạo nên phong cảnh vô cùng thơ mộng. Liền kề bên đèo Ngoạn Mục chính là hồ Đa Nhim – một công trình độc đáo do người Nhật thiết kế.
Đèo Ngoạn Mục
Liền kề với đó là hồ Đa Nhim tuyệt đẹp
3. Đèo Ô Quy Hồ – Lào Cai
Đèo Ô Quy Hồ, còn có tên là đèo Hoàng Liên Sơn, hay đèo Mây, nối liền hai tình Lai Châu và Lào Cai, được xem là con đèo hùng vĩ bậc nhất miền Bắc với chiều dài gần 50km. Đèo nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển, uốn lượn quanh những vách núi và bờ vực sâu thẳm.
Được biết, tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã xác lập kỷ lục đèo Ô Quy Hồ là đèo dài nhất Việt Nam. Con đèo đầy hiểm trở do nằm sát vực thẳm, cộng thêm nguy cơ sạt lở khá cao là một thử thách kinh khủng đối với bất cứ biker nào.
Nếu vượt qua được sợ hãi và lên tới đỉnh đèo, bạn sẽ có cảm giác như mọi nguy hiểm vừa trải qua là hoàn toàn xứng đáng vì trước mắt là cả biển mây trời bồng bềnh như lạc vào cõi thần tiên. Nơi đây quanh năm mây mù che phủ ngay cả trong mùa hè.
4. Đèo Khau Phạ – Yên Bái
Đèo Khau Phạ với độ dài trên 30km nằm ở khu vực giáp ranh giữa hai huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn của tỉnh Yên Bái. Đèo chạy qua nhiều địa danh nổi tiếng như Mù Cang Chải, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha hay Tú Lệ. Đây được xem là cung đèo hiểm trở và dài nhất tuyến quốc lộ 32.
Theo tiếng Thái, Khau Phạ có nghĩa là Sừng Trời do có nhiều sương phủ và đỉnh đèo nhô lên từ biển mây giống như chiếc sừng nhô lên tận trời. Vì thế mà đèo cùng có một tên gọi khác là Cổng Trời.
Đèo chạy quanh co qua những cánh rừng ra hoang sơ và những ruộng bậc thang đầy trữ tình của đồng bào dân tộc.
Nhìn từ trên đèo xuống
Trên suốt cung đèo có vô vàn khúc cua khuỷu tay cực kỳ nguy hiểm nhưng lại không có bất cứ biển báo hay rào chắn nào. Khau Phạ đẹp nhất là vào tầm tháng 9, tháng 10 – là thời điểm khi lúa chín vàng nương. Chính vì thế, nhiều khách du lịch không quản nguy hiểm đến đây để ngoạn cảnh.
5. Đèo Pha Đin – Sơn La, Lai Châu
Được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, đèo Pha Đin nối liền biên giới hai tỉnh Điện Biên và Sơn La. Theo tiếng Thái thì Pha (Phạ) có nghĩa là trời, Đin có nghĩa là đất, ám chỉ đây là nơi giao thoa của đất trời.
Pha Đin có điểm cao nhất là 1648m so với mức nước biển, tổng chiều dài 32km, đây là một con đèo vô cùng hiểm trở, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi dựng đứng. Địa thế vô cùng hiểm trở với 8 khúc cua cực hiểm, bán kính đường cong chưa tới 15m, trong đó có nhiều đoạn đường chỉ đủ cho một xe ô tô đi qua.
Trên lưng chừng đèo là mây phủ mịt mờ, dưới chân đèo là bản làng thấp thoáng. Từ trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên ta sẽ thấy thung lũng ngút ngàn màu xanh của đồi núi, khi gần lên đỉnh đèo là trời xanh thẳm và núi rừng đại ngàn hùng vĩ tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp.
Ngoài vẽ đẹp hùng vĩ, nơi đây cũng là biểu tượng lịch sử của tinh thần chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1954, nhằm chặn đứng tuyến đường tiếp vận của ta, thực dân Pháp đã cho máy bay oanh tạc đường số 6 suốt 48 ngày đêm, trong đó có đèo Pha Đin nhưng vẫn không ngăn nổi ý trí và lòng dũng cảm của ta. Đến nay, vẫn còn tấm biển ghi lại sự kiện lịch sử này.
Tượng đài ghi lại dấu tích lịch sử trên đèo Pha Đin
Theo Van