8 món ngon từ đuông dừa miền Tây

Tác giả: Đi Đâu Chơi Gì
Đăng ngày: 02/11/2018
Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Đuông dừa sống trong thân cây dừa nên rất sạch và có nhiều protein có lợi cho sức
khỏe. Tuy nhiên, nó chỉ to bằng ngón tay trỏ hoặc ngón chân cái người lớn, dài chừng 3 – 5 cm, toàn
thân màu vàng nhạt. Con nào cũng ứ sữa, mập tròn và mềm nhũn khiến nhiều người nhìn bên ngoài đều
thấy có chút ghê sợ. Trong các nhà hàng sang trọng, quán nhậu hay các quán côn trùng vỉa hè ở Hà
Nội hay Sài Gòn đều có bán.

anh-nha-hang-phuong-nam-5364-1421395277.

Các chủ quán thường nhập con đuông vừa mới bắt, chuyển bằng đường máy bay ra để
giữ độ tươi ngon. Ảnh: Nhà hàng Phương Nam.

1. Rang mặn

Đuông sơ chế cho vào chảo rang mặn và hơi khô với muối, đường, bột ngọt, gần
tương tự như cách làm món nhộng tằm, thường dùng như một món ăn mặn với cơm. Món ăn này được nhiều
gia đình lựa chọn.

2. Tẩm bột chiên

Sau khi sơ chế sạch, cho một vài hạt lạc vào trong thân đuông, lăn qua hỗn hợp
bột mì, bột năng, trứng gà, chút hồ tiêu tán nhuyễn, muối, đem chiên vừa độ vàng trong chảo mỡ sau
đó đảo qua bơ cho thơm vàng. Sau khi chiên, để cho ráo mỡ, kẹp cùng với rau sống để ăn cho đỡ
ngấy.

3. Nướng muối ớt

Đuông dừa được xiên đầu vào tre, nướng liu riu trên than hoa đến khi chín vàng
rồi cuốn cùng các loại rau như xà lách, cải trời, càng cua, cải xanh, húng quế, tía tô, ớt… chấm
vào chén mắm me chua để thưởng thức.

Vị béo ngậy, thơm nức của đuông nướng quyện cùng vị chua chát mặn ngọt của nước
chấm và rau tươi ăn rất “đã” miệng. Ảnh: Nhà hàng Phương Nam.

4. Hấp xôi

Trong khi đồ xôi, cho vài ba con đuông dừa lên trên bề mặt gạo nếp, xôi chín thì
đuông cũng chín. Người ta có thể ăn kèm xôi, cũng có thể chọc cho sữa trên mình đuông chảy ra, trộn
đều nồi xôi. Món này thường ăn cùng mắm ngon hoặc thịt gà rang.

5. Nấu cháo

Cháo đuông đơn giản chỉ gồm đuông, thịt lợn, gạo, gừng, hành lá và gia vị, nước
cốt dừa. Riêng với con đuông dừa người ta rửa sạch bằng nước lạnh, sau đó cho chúng vào một chén
rượu trắng trong 2 phút rồi cho vào một chén nước mắm ớt vài phút rồi vớt chúng ra để vào trong tủ
lạnh. Quá trình này giúp làm sạch đuông dừa, ngấm gia vị và giúp cho đuông dừa khi nấu sẽ không bị
bể ra. Món ăn dinh dưỡng này thường được dùng để bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực.

6. Tắm mắm

Đây cũng là món ăn sống, người ta còn gọi vui là món “đuông lội sông” do những
con đuông béo mẫm, mình tròn trịa bơi lội trong bát nước mắm ớt cay. Do ăn sống nên nhiều vị khách
không đủ can đảm để thử, tuy nhiên món ăn lại mang hàm lượng dinh dưỡng cao. Gắp lấy một con đuông
đang bò luậy nguậy cho vào miệng, nhai vỡ một cách từ từ để các dinh dưỡng trong mình đuông lan tỏa
trong miệng bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi, vừa giống lòng đỏ trứng vừa giống pho mát rất thú
vị.

Tại các nhà hàng, giá một con đuông dừa dao động từ 15.000 – 20.000 đồng. Ảnh:
Tiêu Phong.

7. Luộc nước dừa

Đuông sau khi luộc với nước dừa tươi rất thơm và béo được thưởng thức bằng cách
cuốn với một số loại rau thơm, kẹp trong bánh tráng, chấm nước mắm cơm mẻ trộn sả, ớt bằm
nhuyễn.

8. Làm gỏi

Món gỏi được làm từ cổ hũ dừa (phần búp non nhất nằm giữa ngọn cây dừa) thái con
chì, ớt chuông thái mỏng, hành lá cắt khúc kết hợp với thịt tôm hùm, bánh phồng tôm chiên giòn. Tất
cả các nguyên liệu đã sơ chế nói trên được trộn đều trong các gia vị như mù tạt, dấm, dầu olive,
xếp ra đĩa và bày khoảng mươi con đuông dừa chiên vàng lên trên.

Địa chỉ tham khảo:

Nếu ở Hà Nội, bạn có thể ăn tại: Nhà hàng Phương Nam, số 1, lô 1 khu giãn dân đô
thị Mộ Lao; vỉa hè 129 Đại La; một số quán bia ở Cầu Giấy, Lê Văn Lương…

Còn ở Sài Gòn, bạn có thể ghé đến: Nhà Hàng côn trùng Bọ cạp Lửa, quận Gò Vấp, 20
Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, một số quán ăn bình dân trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình
Tân….

Kiều Như

Exit mobile version