Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội
Vị trí:78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
Bệnh viện Bạch Mai ngày nay
Lịch sử của bệnh viện
Những năm đầu thế kỷ 20, bệnh truyền nhiễm đặc biệt là bệnh tả phát triển và lây lan rất nhanh. Ngày 8/12/1910, nhà chức trách Pháp ra chỉ thị cho xây dựng một cơ sở điều trị dành cho những bệnh nhân bị bệnh lây ở Cống Vọng thuộc tỉnh Hà Đông lúc bấy giờ (nay là Hà Nội). Năm 1911 được khởi công xây dựng, ngày ấy bệnh viện được gọi là bệnh viện Lây Cống Vọng (Hôpital des contagieux à Cống Vọng).
Năm 1929, bệnh viện mở rộng thành một bệnh viện đa khoa với tên bệnh viện Robin, đây là nơi khám chữa bệnh cho người Việt, cũng là cơ sở thực hành của Trường Y Dược, Khoa Đông Dương. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, bệnh viện chính thức mang tên là bệnh viện Bạch Mai.
Cách mạng tháng 8 thành công. Ngày 2-9-1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Bệnh viện Bạch Mai là một đơn vị của nền y tế cách mạng, các thày thuốc và nhân viên Bệnh viện đã hăng hái làm việc trong điều kiện tài chính thiếu thốn, thày thuốc ít, bệnh nhân đông, thuốc men hạn hẹp, để duy trì hoạt động của bệnh viện, khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Chưa được bao lâu thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Trước ngày giải phóng thủ đô, nhân viên bệnh viện đã đấu tranh không cho thực dân Pháp di chuyển máy mócthuốc men vào Nam, bảo vệ người và tài sản. Đến ngày 10/10/1954 , Bệnh viện Bạch Mai hầu như vẫn còn nguyên vẹn, các hoạt động chuyên môn vẫn tiếp tục.
Năm 1965 khi Mỹ xâm lược miền Nam, bệnh viện đã tổ chức các đoàn phẫu thuật lưu động, cấp cứu phòng không về những nơi bị oanh tạc ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong chiến tranh chống Mỹ, bệnh viện Bạch Mai 4 lần bị máy bay ném bom. Ngày 22-12-1972 là trận ném bom ác liệt nhất, lúc ấy bệnh viện có hơn 300 bệnh nhân nằm điều trị dưới hầm. Nhiều khi nhà làm việc bị sập đã lấp kín một số hầm trong đó có nhiều bác sỹ, y tá, kỹ thuật viên, hộ lý, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Y khoa đang làm việc dưới hầm. Sau đó, mặc dù được cấp cứu ngay nhưng đã có 28 người hi sinh.
Bệnh viện Bạch Mai bị bom B52 tàn phá
Lễ tưởng niệm cán bộ bệnh viện hi sinh năm 1972
Từ năm 1974, Bệnh viện Bạch Mai được sửa chữa và xây dựng lại như cũ. Sau đó, bệnh viện đã lập thêm nhiều khoa mới, một số khoa sau này được nâng cấp thành viện: Viện Da liễu, Viện Huyết học truyền máu, Viễn Lão khoa, Viện Tim mạch, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Viện Sức khỏe tâm thần.
Bệnh viện Bạch Mai ngày nay
Bệnh viện hiện nay có hơn 1400 giường bệnh với tổng số cán bộ là 2000 người (bao gồm 1800 thuộc biên chế và hợp đồng của Bệnh viện và 200 cán bộ Trường Đại học Y Hà Nội thường xuyên công tác tại Bệnh viện).
Với đội ngũ GS, PGS, TS, ThS, BS, DS, KS, Y tá điều dưỡng, KTV có trình độ cao, với máy móc, trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, bệnh viện Bạch Mai luôn là nơi khám chữa bệnh có chất lượng hàng đầu và tin cậy của người bệnh và nhân dân cả nước. Hàng năm số lượng bệnh nhân đến khám là 350.000 đến 450.000 người. Số bệnh nhân điều trị nội trú trung bình từ 50.000 đến 60.000 người. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh lúc nào cũng quá tải (trên 100%). Ngày điều trị trung bình đạt từ 10 – 12 ngày. Số xét nghiệm và các kỹ thuật thăm dò chức năng tăng cao (2.000.000 – 2.500.000 lượt XN). Tỷ lệ tử vong hạ thấp so với những năm trước đây 2- 3% (trước 1995), nay chỉ còn 0 ,82 %.
Bệnh viện Bạch Mai luôn luôn đông đúc
Bệnh viện là cơ sở đào tạo cán bộ Trung học, Đại học và sau Đại học cho ngành. Hàng năm Trường Trung học y tế Bạch Mai chiêu sinh 120 học sinh hệ chính quy, đến nay nhà trường đã đào tạo được 35 khóa với chất lượng cao, cung cấp y tá điều dưỡng cho các bệnh viện Trung ương và Hà Nội. Trường còn có nhiệm vụ đào tạo lại cho nhiều đối tượng y tá, y tá trưởng, y sĩ chuyển đổi… theo chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Bộ y tế giao cho bổ túc theo chuyên đề do các tỉnh, các địa phương yêu cầu.
Một số viện thuộc bệnh viện Bạch Mai ngày nay:
– Viện Da liễu
– Viện Huyết học truyền máu
– Viễn Lão khoa
– Viện Tim mạch
– Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới
– Viện Sức khỏe tâm thần.
– Khoa khám bệnh
– ….