“Bay lên Putaleng” – Một Tam Đường đang cất cánh
Xu hướng tổ chức sự kiện thể thao mạo hiểm gắn với sự kiện văn hóa địa phương
Từ sự thành công của sự kiện dù lượn “Bay trên mùa vàng” tại Mù Cang Chải, Yên Bái, những năm gần đây các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên… nở rộ mô hình tổ chức sự kiện dù lượn kết hợp với sự kiện bảo tồn văn hóa địa phương. Festival dù lượn “Bay lên Putaleng” cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Là một trong những hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp tự nhiên của huyện Tam Đường như: Thác Tác Tình, ruộng bậc thang, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, thông qua Festival dù lượn, Ban Tổ chức muốn gửi thông điệp về bảo vệ các giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển văn hoá, du lịch. Đồng thời, kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch gắn với bảo vệ môi trường và tạo việc làm, thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Ngoài festival dù lượn còn có các hoạt động du lịch khác như: tham quan bản văn hóa du lịch Sì Thâu Chải, trải nghiệm đời sống sinh hoạt, sản xuất, thưởng thức ẩm thực dân tộc, tham gia trò chơi dân gian…
Nếu bạn muốn du lịch vùng núi với khí hậu mát mẻ và đã quá quen với Sapa đông đúc? Vậy thì chỉ cách đó 40km, Tam Đường là một sự lựa chọn mới. Nơi đó, có ngôi làng Sì Thâu Chải nhỏ nằm tách biệt trên đỉnh núi, nơi người Dao sống trong yên bình bên cạnh dòng thác Tác Tình tuyệt đẹp.
Điểm bay tiềm năng những kỷ lục mới
Bay đường trường hàng chục, hàng trăm kilomet như những loài chim di cư thực thụ luôn là mục tiêu phấn đấu của các phi công chuyên nghiệp. Tại Việt Nam, còn thiếu những điểm bay có điều kiện địa hình điểm bay đủ tốt để phi công có thể thực hiện chuyến bay đường dài như vậy.
Tuy nhiên đó là câu chuyện trước đây. Tháng 3 năm 2018, tại điểm bay Tam Đường, từng có phi công bay lên tới trên 3400m – cao hơn cả đỉnh Fanxipan, cũng chỉ vài tháng trước đó, có phi công đã lập kỷ lục bay đường trường tại đây với quãng đường 67km.
So với các điểm bay dù lượn trong cả nước, nơi đây với những dãy núi đá cao, trải dài, hùng vĩ, mang những điểm hấp dẫn riêng, khơi gợi khao khát chinh phục.
Vào những ngày thời tiết tốt, tận dụng điều kiện tự nhiên, nương nhờ theo những dòng khí nóng hoặc những cơn gió vỗ vào vách núi, phi công có cơ hội thể hiện khả năng kỹ thuật cao, bay dọc trên sườn Tây dãy Hoàng Liên Sơn, thưởng ngoạn khung cảnh tự nhiên, ngắm đời sống của dân sinh từ trên cao, đồng thời có cơ hội phá vỡ những kỷ lục dù lượn cá nhân đường trường tại đây.
Phạm Duy Thanh