Nhà sàn Bác Hồ

Tác giả: Đi Đâu Chơi GìĐăng ngày: 02/11/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020
Năm 2000, tôi được mời dự cuộc hội thảo với đoàn kiến trúc sư (KTS) quốc tế ở thủ đô Hà Nội.
Bản thân tôi và giới KTS Việt tham dự đều thực sự kinh ngạc khi nghe Chủ tịch Hội Liên hiệp Kiến
trúc sư Quốc tế (UIA) Vassilis Sgoutas nói rằng: “Xu thế toàn cầu
hóa là điều không thể đảo ngược được, nhưng mỗi quốc gia phải tìm cách gìn giữ bản sắc văn hóa của
mình, trong đó có kiến trúc… Tôi thực sự thấm thía với câu nói ghi trong Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Không có gì quý hơn độc lập tự do! Với tôi, nó không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị mà còn về mặt
văn hóa nữa. Kiến trúc mỗi nước cũng cần phát triển trong độc lập tự do”.

Trong những năm gần đây, giới KTS mình cứ mãi bàn cãi, tìm hiểu: nào là trào lưu kiến trúc hậu-hiện
đại quốc tế, xu thế kiến trúc xanh thế giới, phát triển bền vững… mong tìm ra con đường phát triển
kiến trúc Việt có bản sắc trong thời đại toàn cầu hóa.

Đây là ngôi nhà Bác ở và làm việc từ năm 1958 đến khi qua đời.

Đây là ngôi nhà Bác ở và làm việc từ năm 1958 đến khi qua đời.

Phải chăng, cảm nghĩ khác sau đây của một KTS Ý về một công trình ở nước ta lại gây ngỡ ngàng. KTS
tên tuổi người Ý Amedeo Cilento thuộc Viện Thiết kế Academia nói rằng, người Việt Nam từ trên 50
năm qua đã có một bản “tuyên ngôn kiến trúc” rất sống động mà chính mình không hề nhận ra. Ông nói
rằng, nếu vào tòa nhà La Rotonda do KTS Palladio thiết kế là biểu tượng cho bản tuyên ngôn của kiến
trúc thời kỳ Phục hưng Ý, thì đối với ông và bạn bè quốc tế, nhà sàn Bác Hồ chính là biểu tượng
kiến trúc của Việt Nam bước vào thời đại mới.

Ông viết: “Khi chúng tôi tới thăm nhà sàn Bác Hồ ở Ba Đình, Hà Nội, do KTS Nguyễn Văn Ninh thiết kế
năm 1958, chúng tôi cũng có những ấn tượng tương tự. Đối với tôi đó chính là biểu tượng cho bản
tuyên ngôn của kiến trúc Việt Nam.

Ngôi nhà ẩn mình dưới một công viên tuyệt mỹ, ở một vị trí riêng biệt, nhẹ nhàng, giản dị nhưng vô
cùng tinh tế, hoàn toàn khác xa với biểu tượng mạnh mẽ của Phủ Chủ tịch.

Khi đến gần ngôi nhà, men theo lối vào quanh co, bạn bắt đầu bị cuốn hút mạnh mẽ bởi sự đơn giản và
tinh tế của nó. Sự trong sáng của ngôi nhà quả là tuyệt diệu, cảm xúc về không gian tinh khiết, với
khu vườn rộng phía sau. Một hiệu ứng tạo nên cảm xúc mạnh mẽ là hệ thống rèm toát lên một cái gì đó
mang đậm tính truyền thống của Việt Nam: rèm hành lang và rèm phía ngoài, rèm tre hoặc rèm vải để
che chắn và thông gió.

Tầng một không có tường, cũng không có ranh giới giữa trong nhà và ngoài nhà. Đó là một khoảng
không giữa mặt đất và sân trong nhà, được bao quanh bởi một cái ao nhỏ bổ sung cho cảnh quan.

Ngôi nhà được dựng ngay bên bờ ao, bởi vì nước chính là nguyên tố cốt lõi của đời sống và văn hóa
Việt Nam. Đúng là tuyệt vời khi người Việt Nam thường nói về Tổ quốc là ‘đất và nước’ (đất nước)!
Hầu hết các dân tộc khác trên thế giới chỉ nói về ‘đất’ mà không bao giờ nhắc đến ‘nước’. Giá trị
gia tăng của văn hóa Việt Nam thực sự là nhân tố nước.

Ngôi nhà mang tính truyền thống chứ không hiện đại, và có thể so sánh với ví dụ điển hình nhất về
kiến trúc sinh học. Điều này nhắc tôi nhớ lại câu nói nổi tiếng của KTS Mies Van Der Rohe: ‘Đơn
giản là đỉnh cao’ (Less is more) – xu hướng hiện đại hào nhoáng ngày nay với chất liệu kính hoàn
toàn không phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Mỗi lần đặt chân đến Hà Nội, tôi đều đến thăm ngôi nhà này. Tôi đi bộ xung quanh ao cá, tôi ngửi
mùi hoa nhài, hoa cam và tôi cảm thấy trẻ lại. Tôi cảm thấy ngôi nhà này gợi lại ký ức tuổi thơ của
người Việt Nam, với những người an cư hiền hòa dọc theo các triền đồi và sống một cuộc sống yên
tĩnh và thanh tịnh. Đó chính là tinh thần thực sự của người Việt”.

Bản thân tôi mỗi lần đến Hà Nội, dẫu có bận cách mấy cũng sắp xếp thời gian đến thăm ngôi nhà gỗ
của Bác. Có tận mắt nhìn ngôi nhà sàn Bác từng sống và làm việc mới thấu được lòng Người, mới thấy
được nếp sống thanh bạch và giản dị của Người, càng thấm sâu gợi ý của Người về ngôi nhà sàn.

Ngay từ tháng 1.1946, khi trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài, Người nói: “… Riêng phần tôi
thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với
các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì đến vòng danh lợi”.

Mường tượng lại những ngôi nhà sàn Bác từng sống trong núi rừng Việt Bắc như ở Bản Vèn, Đầm Hồng,
Bản Thi, Đèo Dát, Hang Bòng, Vai Cày… thì mới thấy ý tưởng này đã xuyên suốt cuộc đời hoạt động của
Bác.

Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của ngôi nhà rất cao, bởi kiến trúc trong sáng, giản dị, chân thực,
khiêm tốn, sinh động thể hiện được như cuộc sống thanh bạch và tao nhã của Người. Thủ tướng Phạm
Văn Đồng đã viết: “Cái nhà sàn của Bác chỉ vẻn vẹn có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng
gió thời đại thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa
vườn, một lối sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”.

Riêng tôi và không ít anh em thuộc giới kiến trúc ngày càng phát hiện những đặc điểm của ngôi nhà
có trên 50 tuổi này và vẫn nghĩ rằng đây chính là biểu tượng “bản tuyên ngôn kiến trúc Việt Nam”
trong thời đại mới vậy.

nhà sàn
Bài viết liên quan