Về kiến trúc: đền Voi Phục hiện nay nằm tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Trước đây, đền nằm trong hệ Tứ Trấn, “giữ” phía Tây kinh thành. Nơi đây vốn là đất lắm hồ ao, lầy lội, là một trong Thập tam trại có từ thời Lý. Đương thời, thuộc tổng nội, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (trước đó là øng Thiên). Từ thời Gia Long trở đi, lúc nhập về Hà Đông lúc thuộc Hà Nội. Tới năm 1942 thì ổn định nằm trong đất đô thành. Đền Voi Phục nằm trên gò long thủ (đầu rồng) quay hướng Nam, ngả chút ít sang đông, đó là các hướng của nguồn sinh lực vũ trụ vô biên, của thánh thần, cũng là hướng của đế vương. Ý nghĩa này càng được khẳng định với những đầm hồ nối tiếp làm nền cho gò Lớn, gò Đất, gò Nhót, gò Đầm Tràng, Núi Trúc, Núi Rùa, Núi Bò…người xưa thường cho rằng đó là hình thức tượng trưng khắp nơi chầu về điện Thánh. Mặt khác, thời gian gần đây (đầu thế kỷ XX về trước) khu vực này còn mang bóng dáng của một làng Việt cổ truyền, phía Đông của đền là nơi cư trú, còn phía Tây gắn với các kiếp đời đã qua, có cây cối như một khu rừng nhỏ. Địa bàn quanh đền Voi Phục (trước đây) rất ít ruộng đất, dân sống chủ yếu bằng đánh bắt thuỷ sản…Nhưng, có lẽ từ rất sớm, đền thờ thánh Linh Lang này đã là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long, nên được các đời nối nhau tôn tạo thay mới, vì thế khó có thể tìm được ở đây những dấu vết cổ truyền. Tuy nhiên, có thể nghĩ, không gian của đền được bảo trợ của tín ngưỡng dân gian và tư tưởng thiền lão mà đường dẫn vào cửa thánh với cây cối la đà như con đường dẫn khách hành hương hoà nhập vào cõi tâm linh. Mở đầu cho đền, hiện nay là cổng tứ trụ, như những trục vũ trụ đem sinh khí từ tầng trên truyền xuống trần gian (đây là sản phẩm của thế kỷ XIX – XX), hai bên cổng có bia hạ mã và đôi voi chầu phục (hiện mới được xây thêm nghi môn tứ trụ nữa, ở sát với đường lớn). Con đường gần trăm mét dẫn vào một kiến trúc ba gian tường hồi bít đốc, đó là nghi môn nội, được gọi là “Thượng đẳng môn” có hoành phi “Cao minh thánh”…, dấu vết xưa còn lại của kiến trúc này gồm đôi rồng mây hoá bằng đá có niên đại khoảng thế kỷ XVIII, kèm theo là mấy mảng chạm đầu rồng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Theo các cụ truyền lại thì ngày thường, nghi môn nội chỉ mở hai cửa phụ. Qua cửa này một hệ bậc đá dẫn xuống đường chính vào cửa điện. Hiện nay tường bó sân điện (phía trước) được xây bằng gạch hòm sớ, sản phẩm của thế kỷ XV – XVI. Đường lên sân có ba lối, chính giữa có 12 bậc đá rộng, nơi chỉ để rước kiệu trong ngày lễ, bình thường đi hai lối bên. Trước mặt lối giữa là một giếng vuông mang ý nghĩa tụ thuỷ tụ phúc, nơi xưa kia lấy nước cúng (có lẽ giếng đã được sửa thành vuông trong thời gian gần đây). Ý nghĩa cầu nước và cầu no đủ còn được thể hiện ở đôi rồng mây “chạm tròn” bằng đá, một sản phẩm khoảng giữa thế kỷ XIX và đôi hổ phù gắn hai bên tường cửa chính được chạm nổi, mang nét chuẩn mực. Đền chính được kết cấu chữ công, có tiền bái 5 gian tường hồi bít đốc, sát hai bên có am nhỏ là nơi đặt ngựa đỏ và trắng, như vừa biểu hiện quyền uy nhà thánh, vừa như mang ý nghĩa “mã đáo thành công”.Nóc điện đắp đôi rồng chầu, hoành phi đề “Linh Lang từ”.Ngoài ra còn có các hình rồng, phượng, lân, rùa…vẫn như những biểu hiện của siêu lực tầng trên và ước vọng truyền đời thuộc tư duy nông nghiệp, đồng thời chúng đã như chứa đựng cả những ý niệm cổ truyền nhắc nhở chúng sinh dọn mình trong sạch trước khi bước vào cõi thánh thiện. Vượt qua toà tiền bái, nền điện được đắp cao dần, đó là dấu vết còn sót lại của một kiến trúc khá cổ. Toà “ống muống” (kết cấu nối tiền bái và hậu cung) được dựng đơn giản, hai bên bao ván bức bàn – ngăn cách với hậu cung là bộ cửa thờ, phần trên chạm thủng, phần dưới đóng ván…Toà hậu cung kết cấu một gian hai trái với bốn góc mái cong duyên dáng, mỗi góc đều có đầu đao kiểu hồi long và một con lân khá chuẩn mực, về tạo hình trong thế chầu vào trung tâm. Kiến trúc này, được bưng kín nhằm tạo nên sự thâm u, vì thế chủ yếu bên trong chỉ bào trơn đóng bén. Theo dòng trôi chảy của lịch sử, dù là một kiến trúc tứ trấn, nhưng để tồn tại trong xã hội trọng nông thì hiện tượng dân gian hoá đã hội vào đền nhiều vị thần liên quan đến nông nghiệp, như bệ thờ Thần Nông ở bên phải cửa điện, nhà phe giáp, nhà quản tiền hậu ở bên trái, đặc biệt là hệ thống điện Mẫu ở phía trước (gồm mẫu thoải / thuỷ và mẫu thượng ngàn). Trong dân chúng còn tồn tại một câu chuyện, dù cho mẫu là mẹ tối linh, nhưng trong không gian của đền thì vía của thần Linh Lang quá mạnh, nên không thể đặt điện mẫu cùng một độ cao che mặt thần ở phía trước, vì thế buộc phải đặt thấp xuống. Suy cho cùng hiện tượng đó đã nói lên vai trò chính phụ của các đơn nguyên kiến trúc trong di tích này. Đền voi phục Về đồ thờ: Bước từ ngoài vào, như trên đã nói, hai bên đầu toà tiền bái có hai am thờ ngựa đỏ (trái đền) và ngựa bạch (phải đền) to bằng ngựa thực. Ngoài ý nghĩa mang tính biểu tượng của âm dương đối đãi, mã đáo thành công, tụ hội ước vọng cầu no đủ, thì chúng còn tượng cho lửa và nước, cho sinh lực của vũ trụ và là vật cưỡi của thần hay vật cõng bầu trời chuyển động, vì thế yên của ngựa thường là chim phượng (con chim thiêng có đầu đội công lý và đức hạnh, mắt là mặt trời mặt trăng, lưng cõng bầu trời, đuôi công tượng trưng cho tinh tú, cánh là gió, lông là cây cỏ, chân là đất.. hội lại là tượng cho vũ trụ, thánh nhân và nguồn sinh khí tầng trên). Trong toà tiền bái, như nhiều đền, đặt chuông và trống. Chuông lớn vốn không có ở đền, song nó được xuất hiện ở đây là kết quả của một phật tử công đức vào năm 1994. Đối xứng là một trống đại, cũng gọi trống sấm. Các lão làng cho biết tang trống màu đỏ tượng trưng cho sinh khí của trời, rồng trên tang là biểu hiện của mây. Mặt trống có hàng diềm vân soắn chữ S là hình tượng của chớp.Mỗi lần gõ trống được coi như sấm chớp nổi nên, gọi mây về, tạo mưa ngọt cho mùa sinh sôi. Trong gian giữa toà tiền bái còn đặt bàn thờ, hạc chầu, tán lọng, bát bửu, lỗ bộ và nhiều hoành phi, câu đối ca tụng công đức nhà thánh. Sau ban thờ này là hệ thống cửa ngăn phân định nơi thờ “công đồng nhị vị Đức ông”, được coi là con của thánh, cũng là hai tướng hành khiển theo thánh đánh giặc. Tượng bằng đồng lớn gần bằng người thực, thân mỏng, dạng quan văn, thể nghiêm trang. Qua dáng dấp, nhiều người dễ liên hệ tới tượng ở Lăng Tự Đức (Huế). Đây là hai pho tượng còn lại của thời trước (niên đại không quá thế kỷ XIX). Trong toà hậu cung có sập thờ, nhang án và khám thờ trong đặt tượng Linh Lang. Hai bên có hạc chầu. Hai bên gian chính là ban thờ quan văn quan võ và bát bửu, lỗ bộ, hội lại tư thế của hậu cung thoáng như lấy gốc từ tổ chức của triều đình – Phải chăng đó là một hình thức tôn vinh truyền thống. Một hiện vật đáng chú ý ở đây là hòn đá thiêng có vết lõm, theo sự thêu dệt của người đời mà hõm đá được coi là vết gối đầu của Thánh. Song, thực ra đây là một hòn chân tảng đá mài, có thể là chứng tích kiến trúc còn lại của thời Lý, một xác nhận về vị trí của trấn Tây thành Thăng Long. Tượng voi phục bên trái cổng đền Sự tích vị thần và lễ hội: Theo ngọc phả Linh Lang đại vương thì Linh Lang là hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông. Sự tích kể rằng: Ở làng Đông Đoàn, xã Bồng Lai, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây có gia đình họ Nguyễn hiền lành chất phác, nhưng muộn con. Một buổi bà mơ thấy rắn mây đuổi theo mặt trăng, sau đó có mang sinh được một gái, nhằm ngày 15 tháng 3 Đinh Sửu. Cha mẹ đặt tên là Hạo, cha mất sớm , mẹ phải ôm con về sống với bà dì ở thị trại thành Thăng Long (Thủ Lệ ngày nay). Lớn lên, nàng Hạo vô cùng xinh đẹp, đoan trang nết na. Một hôm, Lý Thánh Tông ngự giá qua đây, đã gặp nàng Hạo. Nhà vua cảm mến cho đón nàng vào cung. Được vài năm, mẹ mất, nàng Hạo xin vua về làm lễ mai táng và ở lại chăm sóc phần mộ. Một hôm nàng ra bờ hồ Tây tắm rửa, thì một con giao long lao tới quấn chặt lấy bà, phun dãi đầy người, hương thơm sực nức, bà hoảng sợ phát ốm, khiến nhà vua phải đón về cung từ đó bà có thai tới mười bốn tháng. Một hôm mơ thấy con Long Vương tên là Hoàng Lang tới trước mặt thưa rằng sẽ thác sinh làm con bà. Hôm ấy ngày 13 tháng chạp Giáp Thìn, trời nổi cuồng phong, hương thơm ngào ngạt, Nàng Hạo sinh được một nam tử, thể mạo khôi kỳ – ngày 20 tháng chạp, vua mở tiệc mừng rồi cho hai mẹ con về ở cung sở tại thuộc thị trại. Một tháng sau khi về thị trại, thì giặc Trịnh Vĩnh xâm lược, theo tiếng gọi cầu của nhà vua, Hoàng Lang vụt lớn xin đi đánh dẹp. Bằng lá cờ thần lớn, một voi lớn và nghĩa binh thị trại, Hoàng Lang đại thắng. Đất nước yên ổn, Hoàng Lang hoá rắn bò về hồ Tây. Từ đó dân quê mẹ ở Bồng Lai và thị trại (Thủ Lệ) cùng nhiều nơi, nhất là ven sông Tô Lịch, đã lập đền thờ ngài. Từ đây có mấy vấn đề được đặt ra: – Câu chuyện về Linh Lang có nét tương đồng với tích truyện Thánh Gióng và phần nào chịu ảnh hưởng của phật giáo (tích truyện bóng áo cà sa đuổi quỷ). – Thoáng có nét con sông Tô Lịch mang tư cách là dòng tiêu nước chống lầy lụt, được thiêng hoá mà thành rắn thần và nhân cách hoá để Linh Lang ra đời. Cũng có thể hiện tượng này còn là hình thức sử dụng những con sông nhỏ thay cho mương phai…Như vậy Linh Lang vừa mang tư cách là thần chống lụt, vừa là thần chống hạn, là thần nông nghiệp kiêm chức năng hộ quốc. Vì thế, vai trò của ngài rất lớn nên ngài đã được cầu viện tới ở các thời sau. Rất tiếc là nhà Mạc đã không giải quyết được yêu cầu truyền đời của nông dân, mà để cho nhà Lê, Trịnh lợi dụng được vai trò của ngài, góp phần khôi phục nhà Lê. Đức thánh Linh Lang, mang tư cách là thần linh của cả một vùng rộng lớn, lấy đền Voi Phục làm trung tâm. Vì vậy lễ hội của đền có thể nghĩ như một cuộc sinh hoạt văn hoá thường niên, mang tính chất mở, với sự tham gia của thập phương, vượt ra ngoài không gian đất Thủ Lệ, ít nhất là vùng Thuỵ Khuê, Thủ Lệ, Vạn Phúc rồi vùng Thập tam trại và cả Bồng Lai (Đan Phượng – Hà Tây) – lễ hội chính của đền Voi Phục diễn ra vào ngày 9 và 10 tháng hai âm lịch., từng năm có thể kéo dài từ 3 tới 10 ngày tuỳ theo sự đóng góp của dân, đáng kể nhất là việc rước kiệu và một vài tục lệ khác. Rước kiệu: Cũng như nhiều nơi, việc này được chuẩn bị hết sức chu đáo, phân công cụ thể cho từng nhóm người, người được phân công đều coi là một vinh dự, nhưng nếu bỏ không tham gia thì làng sẽ phạt. Ngày mồng 10 tháng 2, mở đầu là đoàn rước của đền Voi Phục, Thuỵ Khuê (anh cả, đầu nguồn sông Tô Lịch) vào lễ thánh, tiếp theo là đoàn Thủ Lệ và các nơi chung thờ thánh. Vào những năm mưa thuận gió hoà, các làng mở đại hội, đám rước thật linh đình, đi từ Voi Phục tới đình Vạn Phúc (đình hàng tổng), đám rước theo lối mòn vượt những đồi gò, qua Miếu Trắng, gò Nhót, gò Đất, núi Rùa tới núi Bò (cũng gọi là núi Trúc) dừng lại (khoảng giữa ngọ) vì ở đây bằng phẳng có thể dừng kiệu. Khi kiệu lên xuống gò, quân kiệu phải lúc rướn, lúc khom cúi, lúc bò, lúc đi, lúc chạy, phải giữ thăng bằng cho kiệu và đồ thờ không bị đổ. Cả đoàn rước như một con rồng uốn khúc với nghi trượng nghiêm trang lên lên xuống xuống lúc ẩn lúc hiện, như tạo sự vần vũ của đất trời. Đền Voi Phục mang đi rước tất cả đồ thờ cúng liên quan, để tới đêm tế thánh ở đền Vạn Phúc (theo các già làng, phải tế đêm thì dễ được thần chứng giám). Hôm sau rước giá hồi cung, sau đó mới mở hội vui chơi. Một vài tục lệ: Thông thường các phe giáp đều có lễ riêng khi có đại hội ở đình làng tổng (Vạn Phúc) thì lễ của làng nào, làng ấy phải gánh theo. Trước đó, có cuộc thi gà lễ. Mỗi giáp chuẩn bị một gà trống thật tốt, nuôi cho to béo, làm thịt, luộc chín, những con gà trúng giải là gà to béo nhất, khi luộc không bị nứt da, thịt mềm, đôi cánh dang ra như đang bay lên. Ngày hội đêm ngày 12, các nhà đều thắp đèn ở cổng để chúc mừng ngày sinh của thánh, nhiều nhà còn xây lồng đèn trên trụ cổng (nay vẫn còn). Một tục lệ khác rất đáng quan tâm là “cất áng đình”. Vào ngày cuối hội, một cụ già mặc áo đỏ (đã được chọn) vào lễ “mật khấn” ở đình Vạn Phúc, sau đó cụ làm thủ tục đóng cửa đình, gọi là “cất áng đình” rồi ra ngoài. Cùng lúc, mọi người xô đến giằng xé áo đỏ của cụ. Tục này có từ xưa, nên đường kim mũi chỉ cũng “hờ hững” và cụ già không bị xô đẩy quá mạnh mẽ. Cuộc tranh chấp cứ thế, ồn ào, náo nhiệt rất mất trật tự, nhưng không có hiện tượng dùng vũ lực đánh nhau. Cuối cùng chiếc áo chỉ còn là những mảnh vụn thiêng liêng. Sự lộn xộn như trở về ” thời gian chiêm bao” (thời kỳ con người còn trong hoang dã, vũ trụ chưa phân) là một nhu cầu của lễ hội cổ truyền. Theo lời giải thích tản mạn của các cụ, chúng ta tạm hiểu như sau: Người Việt đồng nhất chu trình một năm với tiến trình phát triển của loài người. Giai đoạn đầu, hỗn mang không trật tự , dần dần trời đất phân chia, mọi người đi vào quy củ, cuộc “hỗn chiến” xé áo như được đồng nhất với thời hỗn mang, đồng thời là sự tranh cướp sinh lực (màu đỏ là màu sinh khí, gắn với bầu trời, hạnh phúc…). Bằng hiện tượng này, con người như muốn nhắc lại cội nguồn, và sau khi tranh giành xong, trật tự lại được lập lại mọi người vào lễ thần với một ý thức tin tưởng ngầm trong tâm, đồng thời cũng như muốn nhắc nhở trời đất thần linh rằng: Từ đây vũ trụ đã qua thời hoang sơ, cầu mong các thần hỗ trợ cho mưa thuận gió hoà để mùa màng và vạn sự hanh thông. Trên thác ghềnh của lịch sử, đền Voi Phục coi như một trấn thiêng ở phía Tây của thành Thăng Long, đền không chỉ liên quan trực tiếp với Kinh đô mà nó đã hội vào bản thân rất nhiều dòng chảy của tín ngưỡng dân gian để tồn tại với thời gian, hiện nay khó ai có thể nắm bắt được hết những ý nghĩa thiêng liêng của kiến trúc mang vẻ đẹp thánh thiện này, chỉ biết rằng, đền Voi Phục, từ nay sẽ luôn được tôn tạo xứng đáng, vì đó là một điểm sáng trong tinh thần bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc. |