Nỗ lực tìm giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam
Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam “chững lại”
Vài năm trở lại đây, khách du lịch đến Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, nếu năm 2015 khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,9 triệu lượt thì năm 2018 con số này là 15,5 triệu lượng, tăng 1,95 lần, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/ năm.
Đây là tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới theo đánh giá hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), cao hơn hẳn so với mức tăng trung bình 5,8%/ năm trên phạm vi toàn cầu và 6,1% đối với khu vực châu Á và Thái Bình Dương trong cùng giai đoạn 2015- 2018. Đây cũng là giai đoạn tăng trưởng cao kỷ lục trong lịch sử phát triển du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã có dấu hiệu chậm lại.
Tại hội nghị tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch Hà Văn Siêu lý giải, tốc độ tăng trưởng chung bị chậm lại có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một phần là do thị trường Trung Quốc giảm theo xu thế chung. Trong 7 tháng đầu năm 2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Không chỉ Việt Nam, khách Trung Quốc đến các nước như Thái Lan, Mỹ, Úc, Niu Di-lan và nhiều điểm đến khác cũng đang theo xu hướng giảm, do ảnh hưởng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Nền kinh tế khó khăn khiến các hoạt động du lịch của người dân nước này cũng bị chững lại.
Mở rộng các thị trường tiềm năng để “hút” khách
Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều tham luận tập trung nêu rõ các giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến quảng bá, hướng đến các thị trường khách du lịch trọng điểm của Việt Nam; xây dựng các gói sản phẩm kích cầu để giới thiệu đến các thị trường trên cơ sở sự hưởng ứng tích cực của các hãng hàng không có đường bay kết nối trực tiếp với các thị trường và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Có thể tham khảo những mô hình hợp tác công tư, như mô hình văn phòng du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu của các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị cũng đề cập đến một số vấn đề mang tính chất lâu dài như: tổ chức hội chợ du lịch quốc tế mang tầm Quốc gia, có thể tổ chức luân phiên tại các địa phương. Các địa phương có thể chủ động đăng cai tổ chức các hội chợ Du lịch Quốc tế để cùng quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa.
Về lâu dài, muốn phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế cần phải tháo bỏ các nút thắt như: visa, hộ chiếu thông hành, đáp ứng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao…
Theo các đại biểu, các giải pháp cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương, địa phương, các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư, cơ quan truyền thông; và huy động tổng thể các nguồn lực trong nước và quốc tế.
Cũng tại hội nghị tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Bộ trưởng Văn hóa – thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, để đạt được mục tiêu đón 17,5-18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019, trong 5 tháng cuối năm, ngành du lịch phải tăng tốc, mỗi tháng phải đón 1,5 triệu lượt khách mới có khả năng đạt kế hoạch năm.
Theo ông Thiện, phân tích thị trường 7 tháng đầu năm thấy nổi lên các vấn đề quanh 3 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhật Bản vẫn tăng tốt nhất. Với thị trường Hàn Quốc, tăng 22%, khách Hàn Quốc đã gần đuổi kịp khách Trung Quốc. Vì vậy, ít nhất phải duy trì mức tăng trưởng như hiện nay của thị trường Hàn Quốc.
Thị trường Trung Quốc những năm trước năm nào cũng tăng 30%, nay giảm 2,8%. Thị trường này giảm thì rất khó để lấy thị trường nào đó bù lại. “Chúng ta chấn chỉnh các hoạt động du lịch, tour 0 đồng vẫn phải làm nhưng vẫn phải tăng lượng khách”, Bộ trưởng Văn hóa – thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Dù vẫn còn khó khăn nhưng với kết quả như hiện tại, nhiều chuyên gia nhận định, đến năm 2020 ngành du lịch sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu mà Bộ chính trị đề ra trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 10% vào GDP cả nước.