Thêm nhiều hoạt động hấp dẫn ở Di sản Huế năm 2014

Tác giả: didauchoigiĐăng ngày: 30/12/2013Lần cập nhập cuối: 06/01/2021

Theo đó trong năm 2014 tới, ngoài các dịch vụ đang được triển khai và nâng cấp, Trung tâm dự định sẽ tổ chức thêm một số hoạt động văn hóa mới như: Biểu diễn Nhã nhạc Cung đình vào một số buổi tối hàng tuần; Tái hiện một số nghi thức cung đình tại Trường lang Tử Cấm thành; Biểu diễn nghệ thuật kết hợp trình diễn trang phục cung đình và áo dài Huế.

Thêm nhiều hoạt động hấp dẫn ở Di sản Huế năm 2014
Hoạt động Hoàng hậu hồi cung vừa đưa vào thử nghiệm tại Tử Cấm Thành (Đại Nội) cuối năm 2013 của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế được du khách rất thích thú

Đồng thời, trung tâm sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa để tổ chức một số dịch vụ ẩm thực, giải khát cao cấp tại khu vực phủ Nội Vụ và những vị trí đẹp, phù hợp trong khu Đại Nội. Trung tâm cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư phát triển dịch vụ tại Cung An Định; Đầu tư cơ sở hạ tầng bãi đỗ xe du lịch lăng Khải Định, lăng Minh Mạng nhằm tạo điểm đến khang trang, sạch đẹp đảm bảo cảnh quan, môi trường khu di tích.

Hiện có 6 loại dịch vụ di tích Huế gồm: Hướng dẫn – thuyết minh tiếng Việt, Anh, Pháp, Nhật, Nga, Trung cho khách với chất lượng cao; Biểu diễn nghệ thuật cung đình Huế tại nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội) gồm Nhã nhạc, Múa Cung đình và Tuồng Cung đình; Bán hàng lưu niệm đặc sản, đồ thủ công mỹ nghệ cố đô Huế và chụp ảnh lưu niệm, in ảnh trên một số đồ vật lưu niệm; Xe điện đưa đón khách ở Đại Nội và một số tuyến đường ở Kinh Thành Huế, sắp tới sẽ mở rộng sang một số tuyến đường ở bờ Nam sông Hương, nối kết giữa các khách sạn và điểm du lịch, dịch vụ trong thành phố và lên một số lăng tẩm;

Thêm nhiều hoạt động hấp dẫn ở Di sản Huế năm 2014

Xe điện hoạt động vào đầu năm 2013 đã đem lại sự tiện lợi khi du khách muốn đi tham quan khu di sản Huế rộng lớn

Đi xe ngựa tham quan Hoàng Cung; Giải khát ở 2 điểm chuyên phục vụ là Lầu Tứ Phương Vô Sự và Bình An Đường cùng các điểm bán hàng lưu niệm; Thuyền Ngự tham quan sông Hương và yến tiệc trên thuyền Ngự Long Quang trước bến Phu Văn Lâu; Ẩm thực cung đình Huế và thưởng thức biểu diễn nghệ thuật tại nhà hát Duyệt Thị Đường vào các buổi tối theo đơn đặt hàng của du khách và công ty lữ hành du lịch.

Ngự thuyền Long Quang khám phá sông Hương

Ngự thuyền Long Quang khám phá sông Hương

Theo TS. Phan Thanh Hải, tổng doanh thu dịch vụ từ khu di sản Huế 2003 – 2013 đạt khoảng 61,5 tỷ đồng. So sánh cùng giai đoạn (2003 – 2013) thì cơ cấu nguồn thu dịch vụ chỉ chiếm 7% so với nguồn thu vé tham quan. Đây là một tỷ lệ rất thấp so với tiềm năng, lợi thế của khu di sản văn hóa Cố đô Huế.

Một nguyên nhân chính có thể thấy rõ. Đó là, tại các điểm tham quan này có quá ít các loại hình dịch vụ du lịch được đầu tư phát triển và thiết kế một cách hợp lý và có chất lượng. Thậm chí loại hình dịch vụ đơn giản nhất là các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách cũng không đa dạng và mang tính độc đáo riêng biệt của vùng Huế. Đặc biệt là đang còn thiếu các hoạt động dịch vụ đặc trưng của xứ Huế vào buổi tối. Có lẽ điều đó đã tạo ra phần nào sự nhàm chán cho khách tham quan khi thăm khu di tích Huế và họ thực sự không biết phải tiêu tiền như thế nào để thưởng thức cho hết cái hay nét đẹp của di sản văn hóa Huế.

Du khách vào Đại Nội ban đêm rất đông tại chương trình
Du khách vào Đại Nội ban đêm rất đông tại chương trình Đêm phương Đông ở Festival Huế 2012. Những hoạt động văn hóa buổi đêm tại Huế quá ít ỏi, vài tháng hay vài năm mới có một lần trở ngại lớn để “níu chân” khách du lịch

Du khách vào Đại Nội ban đêm rất đông tại chương trình

Một thực tế là khách lưu trú ở Huế thời gian rất ngắn, do dịch vụ du lịch chưa thực sự hấp dẫn. Nâng cao chất lượng bằng các loại hình dịch vụ mới lạ, đặc trưng “chất” cố đô Huế sẽ khắc phục được điều này

Điều này có thể đã đưa đến một hiện tượng là lượng khách du lịch đến Huế tuy có tăng nhưng số ngày lưu trú trung bình của khách quốc tế và nội địa ở Huế lại giảm, chỉ xấp xỉ 2 ngày, khá ngắn so với các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam,… Con số này cho thấy mức độ khai thác dịch vụ du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và tại khu vực di tích Huế nói riêng chưa xứng đáng với tiềm năng của du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế” – TS. Hải trăn trở.

Thời gian qua, Trung tâm đã liên tục tìm thêm những hướng đi mới cho phát triển dịch vụ, đảm bảo sự phục vụ vượt chất lượng mong đợi của du khách. Điều quan trọng nhất là khai thác dịch vụ một cách hiệu quả từ những tiềm năng thế mạnh của từng di sản, chứ không thương mại hoá di sản.

Du khách vào Đại Nội ban đêm rất đông tại chương trình
 Hình ảnh các cô gái Huế duyên dáng xuất hiện trong Tuần lễ vàng cuối năm 2013 tại di tích Huế rất ấn tượng với du khách

Chương trình Tuần lễ vàng du lịch tại Di sản Huế do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức, theo số liệu thống kê mới nhất chiều 29/12/2013 cho thấy trong 6 ngày (từ ngày 24/12) đã có 27.770 lượt khách, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó có 21.300 lượt khách quốc tế và 6.470 lượt khách nội địa đến thăm các điểm di tích Huế. Tổng doanh thu đạt 2,2 tỷ đồng, tăng 11,95 % so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm nhấn đặc biệt của tuần sự kiện này là việc Trung tâm đã đón lượt du khách thứ 2 triệu đến thăm di tích Huế vào sáng 24/12.

Cũng trong năm qua, tổng thu vé tham quan từ ngày 1/1/2013 đến ngày 29/12/2013 của Trung tâm đạt 126,2 tỷ  đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2012 (vượt 21,2 tỷ đồng so với số ngân sách nhà nước giao).

 
Đại Dương

Biểu diễn nghệ thuật cung đình di sản Duyệt Thị Đường Đà Nẵng Đại Nội hướng dẫn lưu niệm phục vụ du khách Quảng Nam Thừa Thiên Huế tổ chức trung tâm tuần lễ vàng
Bài viết liên quan