Bánh canh bột Cai Lậy ngon lạ xứ Tiền Giang
Hấp dẫn tô bánh canh bột thịt vịt – Ảnh: Mễ Thuận
Từ bến xe miền Tây, chỉ sau hơn một giờ ngồi xe khách, đi hết đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương rồi thêm chừng 15km nữa chúng tôi đã có mặt ở Cai Lậy.
Món ngon hàng quán bình dân
Thị xã Cai Lậy không có nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn như một số địa phương khác của Tiền Giang. Bởi vậy, gần như trọn ngày chủ nhật quẩn quanh ở Cai Lậy, tôi giao trọng trách cho người bạn là dân gốc Cai Lậy phải dẫn đi ăn đủ các món ngon ở thị xã này.
Có khá nhiều món thuộc diện đặc sản được bạn giới thiệu, nhưng món bánh canh bột nước lèo thịt vịt là món ăn để lại trong tôi nhiều dư vị nhất. Quán bạn dẫn tôi đến được cho có thâm niên và đắt khách nhất, dù chỉ là một quầy hàng di động bên lề đường nhỏ ngay chân cầu Cai Lậy.
Quán bình dân, chỉ bày hàng bán từ tầm 15g-17g hơn là hết hàng, nhưng khách ra vào nườm nượp, ai cũng hì hụp ăn uống, có người còn mua mang về.
Một quán bánh canh bột ở thị xã Cai Lậy – Ảnh: Mễ Thuận
Tô bánh canh bột đùi vịt của tôi cuối cùng cũng được bưng lên, nóng hổi và thơm phức. Không cầu kỳ về hình thức. Bánh canh bột được múc thẳng từ một cái nồi to đùng đặt trên cái bếp nhỏ. Đùi vịt và một vài lát huyết nếp được chặt thành miếng đặt trên mặt. Trên cùng là một ít rau thơm và tiêu.
Nước lèo có độ đằm, ngọt rất vừa miệng. Ai ăn mặn hơn thì có sẵn chén mắm gừng bên cạnh để bổ sung. Sợi bánh được xắt bằng tay nên vuông, không đều. Gắp thì vẫn dẻo, nhai thì lại nhanh chóng tan ra trong miệng. Vị bánh bùi bùi, beo béo chứ không sượng sật và vô vị như sợi bánh canh thông thường.
Ngon nhất vẫn là thịt vịt và nước lèo. Thịt vịt không dai mà vừa độ chín mềm. Thịt cũng không vương mùi hôi đặc trưng mà được chuyển hẳn sang mùi thơm nưng nức.
Kỳ công tạo nên món đặc sản
Để làm được thứ bánh canh bột không dai nhưng vẫn không mục nát khi được nấu chung nồi nước lèo liu riu lửa cả buổi như vậy, người ta phải ngâm gạo khoảng 10 giờ trước khi xay thành bột. Ở khâu này, cần nhất là phải chọn được loại gạo có độ dai và dẻo nhất định.
Sau khi xay gạo thành bột thì cho vào dụng cụ ép khô dằn khoảng ba giờ để bột đặc lại. Có bột gạo rồi thì trộn vào đó một ít bột mì tinh để sợi bánh có độ dai vừa phải, không bị tan trong nồi nước dùng. Việc cần là phải chọn loại bột phù hợp và chú ý tỉ lệ trộn cũng như tốc độ khuấy sao cho hợp lý.
Có bột bánh ưng ý, người ta cán bột lên thớt rồi dùng dao cắt sợi, đem luộc chín. Hiện nay tuy có nơi dùng máy cắt bột, nhưng ở Cai Lậy người nấu vẫn thích cán bột lên thớt để cắt bằng tay. Sợi bột nhờ đó trông thân thiện, ngon mắt hơn.
Sợi bánh canh bột đã luộc chín – Ảnh: Mễ Thuận
Tô bánh canh bột thịt vịt và chén nước mắm ngon đã sẵn sàng – Ảnh: Mễ Thuận
Sau khi đã được luộc chín đem sợi bột ngâm nước lạnh năm phút để bỏ bớt phần nước bột, giúp nồi bánh canh trong hơn.
Trong tô bánh canh của dân Cai Lậy luôn có những lát huyết nếp đi kèm thịt vịt. Cách làm huyết nếp khá đơn giản là cho nếp vào đĩa sau đó cắt tiết vịt vào. Tùy theo khẩu vị của từng người có thể thêm hành, tiêu và gia vị vào đĩa huyết giúp huyết thơm ngon hơn.
Với việc chuẩn bị thịt vịt và nồi nước lèo, chú ý không lấy nước quá sôi nhổ lông vịt. Thịt vịt phải ướp đủ thời gian để thịt thơm, không bị hôi mùi đặc trưng. Nước sôi mới bỏ vịt vào để vịt chín đều.
Sau khi thịt vịt chín mới nêm gia vị và cho sợi bột bánh canh vào nồi nước lèo, giảm lửa cho phù hợp. Mọi thứ đã xong, tô bánh canh thơm ngon bây giờ đã sẵn sàng khỏa lấp cơn đói của bạn!