Bảo tàng Hà Nội
Địa chỉ:Đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Lịch sử
Bảo tàng Hà Nội, trước đây nằm ở số 5B phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là nơi trưng bày giới thiệu về thủ đô Hà Nội từ khi dựng nước đến nay.
Thành lập từ năm 1982, số lượng hiện vật của bảo tàng lên tới hàng chục ngàn, trong đó riêng kho cổ vật quý hiếm đã chiếm tới hơn 7 ngàn. Bộ sưu tập của bảo tàng bao gồm đồ đá, đồ đồng, gốm sứ các thời nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn, gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản. Các khu vực trưng bày của bảo tàng được chia thành ba phần:
– Lịch sử thiên nhiên Hà Nội;
– Lịch sử Hà Nội từ khi dựng nước đến trước Cách mạng tháng Tám;
– Lịch sử Hà Nội từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay.
Để kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một dự án xây dựng mới bảo tàng Hà Nội đã được thực hiện với số tiền đầu tư rất lớn, Bảo tàng Hà Nội mới nằm trong khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm;
Bảo tàng Hà Nội mới
Bảo tàng Hà Nội mới có kết cấu hình kim tự tháp ngược, trong đó tầng 4 có diện tích lớn nhất, các tầng dưới nhỏ dần. Thiết kế của Liên doanh tư vấn GMP – ILAG (Đức); được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 54.000m², cao 30,7 mét. Công trình gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm; diện tích xây dựng xấp xỉ 12.000 m², diện tích sàn hơn 30.000m² (kể cả tầng hầm và tầng mái). Bảo tàng đã được khánh thành vào ngày 6 tháng 10 năm 2010. Ước tính có 50.000 hiện vật được trưng bày tại đây.
Bảo tàng Hà Nội
Tầng 1 trưng bày mô hình Cột chạm hình rồng thời Lý, các hiện vật thời Lý – Trần – Lê, tư liệu khoa học về nội dung Thăng Long thời Đại Việt và việc phát hiện cổ vật khu vực Hoàng thành Thăng Long.
Tầng 2 là khu trưng bày Tự nhiên và khu trưng bày Tiền Thăng Long với điểm nhấn là trống đồng Cổ Loa và hình ảnh về 3 vòng thành Cổ Loa thời An Dương Vương. Ở tầng này có nhiều hiện vật trực quan sinh động giúp cho người xem hiểu thêm về Hà Nội. Dù đó không phải là những cổ vật nhưng lại rất thu hút người xem. Như bộ xương rùa Hồ Gươm, tiêu bản tôm Hồ Tây (loại tôm thường để làm món bánh nổi tiếng Hà thành – bánh tôm), cá lăng (để làm chả cá Lã Vọng); những cành hoa sữa, bằng lăng – những loài hoa gắn bó với Hà Nội.
Tầng 3 trưng bày các hiện vật của Bảo tàng, bộ sưu tập của nhà sưu tầm cổ vật Bùi Đình Sử và Vũ Tấn, Hội Cổ vật Thăng Long.
Tầng 4 triển lãm ảnh về Hà Nội xưa và trưng bày các hiện vật của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam.
Một số hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng Hà Nội
Thăm quan bảo tàng sẽ cho bạn một cái nhìn xuyên xuốt chiều dài lịch sử của 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Là một người dân việt nam bạn nên một lần thăm quan và khám phá nó.