Địa chỉ:
65 Lý Tự Trọng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh; bảo tàng được giới hạn bởi bốn con đường Lý Tự Trọng, Pasteur, Lê Thánh Tôn và Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Lịch sử hình thành
Bảo tàng được xây dựng từ 1890 theo kiểu cổ điển – phục hưng của một nhà thiết kế người Pháp. Mặt tiền của bảo tàng mang đường nét Tây phương, nhưng phần mái lại mang dáng dấp Á Đông. Khi ấy, bảo tàng này là bảo tàng thương mại, trưng bày những sản vật trong nước. Hai bên cửa chính có hai tượng nữ thần Thương nghiệp và Công nghiệp.
Tuy nhiên, khi xây xong nó lại trở thành tư dinh Thống đốc Nam kỳ Henri Eloi Danel.
Chỉ trong năm 1945, tòa nhà đã năm lần thay đổi chủ nhân. Sau hiệp định Genève năm 1954, Ngô Đình Diệm dùng tòa nhà này làm dinh Quốc khách. Ngày 27-2-1962, dinh Độc Lập bị ném bom nên Ngô Đình Diệm tạm dời phủ tổng thống sang đây.
Năm 1966, dinh Độc Lập xây lại xong, tòa nhà này được làm trụ sở của Tối cao Pháp viện. Sau khi thống nhất hai miền (năm 1975) Ủy ban Nhân dân Thành phố đã quyết định sử dụng toà nhà này làm Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 12/08/1978).
Ngày 13/12/1999 Bảo tàng được đổi tên thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay.
Phòng trưng bày nghệ thuật cải lương ở Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Nội dung trưng bày gồm 10 phân cố định
– Phòng Thiên nhiên – khảo cổ: Giới thiệu vị trí địa lý, địa chất, khoáng sản, địa hình, khí hậu, động, thực vật, hệ thống sông ngòi, đời sống của cư dân cổ cách đây 3000 – 2000 năm với những công cụ lao động: rìu đá, cuốc đá, trang sức, đồ minh khí, hình thức mai táng tìm được ở các di tích khảo cổ Bến Đò, di tích Gò Sao, Rỏng Bàng, Gò Cát, Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Am, các di tích trong nội thành của thành phố Hồ Chí Minh.
– Phòng Địa lý – hành chính Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh: Với sưu tập bản đồ, biểu đồ, hình ảnh, hiện vật phòng trưng bày khái quát quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh về mặt địa lý, hành chính. Các bản đồ cổ lập nên từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVII, cho thấy mạng sông rạch là yếu tố cơ bản của cấu trúc thành phố. Hiện nay, hệ thống sông rạch ấy được thay thế bằng những đại lộ (đường Hàm Nghi, Nguyễn Huệ…)
– Phòng Thương cảng, Thương mại – dịch vụ: Với hơn 527 hiện vật, 36 ảnh và 10 bản đồ, bảng trích phòng trưng bày Thương cảng – thương mại dịch vụ Sài gòn – thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu khái quát về vai trò trung tâm kinh tế của Sài Gòn đối với khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung qua các vấn đề: Hệ thống cảng Sài Gòn,chợ Bến Thành và những chợ xưa, cửa hàng chạp phô của người Hoa xưa, các hiện vật đo lường xưa nay, hệ thống giao thông: với các bến xe, ga tàu hỏa, sân bay…
– Phòng Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giới thiệu các nghề thủ công truyền thống và công nghiệp tại Sài Gòn từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. .
– Phòng Văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, giới thiệu phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật và giáo dục của Sài Gòn xưa. Phòng trưng bày mô tả đám cưới truyền thống của bốn nhóm dân tộc Việt, Chăm, Hoa và Khmer, tục ăn trầu, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thành hoàng, thờ Thổ Địa – thần Tài, sưu tập nhạc cụ , trang phục, đạo cụ và hình ảnh của một số vở cải lương nổi tiếng của sân khấu cải lương , nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc Khmer, đặc biệt phòng trưng bày còn giới thiệu các tư liệu về nền giáo dục ở Sài Gòn – nơi truyền bá chữ quốc ngữ và báo chí được xuất bản đầu tiên tại Việt Nam.
– Phòng Đấu tranh cách mạng 1930 – 1954
– Phòng Đấu tranh cách mạng 1954 – 1975
– Phòng Kỷ vật kháng chiến
– Phòng Tiền Việt Nam
Thông tin cần biết khi tới Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh
– Vé vào cửa:
+ Học sinh: Miễn vé.
+ Sinh viên: 5.000 đồng/lượt.
+ Đối tượng khác: 15.000 đồng/lượt.
– Dịch vụ khác
+ Chụp ảnh đám cuới 400.000 đồng/đôi cô dâu chú rể (miễn vé 5 người đầu kể cả thợ chụp ảnh và trang điểm từ người thứ 6 trở lên sẽ mua vé) .
+ Nhà triển lãm ( 92 Lê Thánh Tôn ): Diện tích 250m2 phục vụ các hoạt động chính trị, triển lãm giao lưu văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước .
– Giờ mở cửa: từ 8h-17h, từ thứ 2 đến chủ nhật, cả các ngày Lễ, Tết.