Địa chỉ:
Số 5, đường Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận I, Tp. Hồ Chí Minh
Nhân kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/1988), Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định số 86/QĐ-UB thành lập “Nhà Trưng bày Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng” đặt tại số 5, đường Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, quận I, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, ngày 13/8/1990, Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch ban hành quyết định số 894/QĐ đổi tên thành “Bảo tàng Tôn Đức Thắng”. Đây là một trong hai bảo tàng lưu niệm danh nhân ở nước ta. Điều này được khẳng định trong văn bản số 128-CV/TƯ ngày 16/9/1998 của Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ: “Ngoài hai bảo tàng là Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã và đang hoạt động, không đặt vấn đề xây dựng bảo tàng riêng đối với các danh nhân cách mạng khác nữa”.
Bảo tàng Tôn Đức Thắng ra đời nhằm đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu học tập về Bác Tôn của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân miền Nam nói riêng và đặc biệt là nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, Bác Tôn – Người con ưu tú của nhân dân Nam bộ, người công nhân ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn – Chợ Lớn, là tấm gương, là niềm tự hào của nhân dân Nam bộ thành đồng. Hơn nữa, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng mang ý nghĩa đặc biệt vì phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động Sài Gòn vào những năm đầu thế kỷ XX khi mà Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời luôn gắn liền với tên tuổi Tôn Đức Thắng – Người tham gia sáng lập tổ chức Công hội bí mật.
Là cơ quan nghiên cứu khoa học, Bảo tàng Tôn Đức Thắng có nhiệm vụ: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày nhằm giới thiệu đến công chúng về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn, tình cảm của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đối với Người. Hiện nay, Bảo tàng là nơi duy nhất trong cả nước giới thiệu khá đầy đủ và có hệ thống về Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trên cơ sở đó, thông qua hệ thống 7 phòng trưng bày thường trực và 1 phòng trưng bày chuyên đề ngắn hạn tại Bảo tàng, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã và đang góp tiếng nói của mình trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cho giai cấp công nhân, nâng cao lòng tự hào dân tộc trong quần chúng nhân dân và thế hệ trẻ Việt Nam với niềm ngưỡng mộ, tôn vinh một con người vĩ đại mà bình dị.
Hơn 20 năm qua, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã cố gắng thực hiện chức năng nhiệm vụ của một bảo tàng lưu niệm danh nhân, với kết quả đạt được là năm 2001 bảo tàng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng III và năm 2011 Bảo tàng đang đề xuất danh hiệu Huân chương Lao động hạng II. Đó là một quá trình nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, viên chức đơn vị, dưới sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ Trung ương, thành phố, trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là các đồng chí lão thành cách mạng và các cộng tác viên thân thiết của Bảo tàng. Phần thưởng cao quý trên là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với đơn vị, tạo niềm tin vững chắc để ra sức phấn đấu hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới của bảo tàng cũng như của thành phố, của đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển bằng việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa thông qua cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Địa chỉ: Số 5, đường Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận I, Tp. Hồ Chí Minh