Búng Bình Thiên cách trung tâm thành phố Châu Đốc 35 km. Để đến đây, bạn đi theo con đường đi đến trung tâm thị xã Châu Đốc, qua cầu Cồn Tiên, theo tỉnh lộ 956 đến thị trấn An Phú, từ đây đi tiếp về cửa khẩu Khánh Bình. Đến ngã tư Quốc Thái, bạn rẽ tiếp độ 2 km.
Hồ nước trời ban
Theo tiếng địa phương, búng có nghĩa hồ và đầm. Bình là do mặt nước trong búng lúc nào cũng êm ả. Còn Thiên có nghĩa là trời, xuất phát từ truyền thuyết dân gian về sự ra đời của hồ này, hồ nước yên bình do trời ban.
Búng Bình Thiên trở mình vào mùa nước nổi, tạo nên một làn gió mới trong bức tranh miền Tây quyến rũ. Du khách đến đây sẽ cảm nhận được một cảm giác yên bình, dịu mát giữa không gian xanh ngắt của dòng sông và cả bầu trời.
Búng Bình Thiên làm nao lòng lữ khách phương xa, và là nơi đem lại tiềm năng kinh tế cho người dân địa phương. Ảnh: Nam Chấy.
Hồ nước trong vắt, chỉ dâng lên và hạ xuống chứ không chảy. Miệng búng thông với nhánh sông Bình Di. Nhưng dòng nước đỏ ngầu phù sa chỉ cần chạm đến miệng hồ kỳ lạ này thì trở thành chiếc gương xanh biếc và trong lành. Hồ nước ngọt cứ mênh mông xanh ngắt, khác xa nước màu đục của những kênh, rạch, sông, hồ quanh vùng, ngay cả vào mùa lũ khi dòng nước đục ngầu phù sa tràn vào. Điều này làm cho búng Bình Thiên trở thành một trong những hồ nước có hiện tượng thiên nhiên kỳ thú trên thế giới.
Nếu đi đúng dịp, du khách còn được tham gia lễ hội Búng Bình Thiên. Từ các hoạt động văn hóa như đua thuyền, bơi lội… đến những trò chơi dân gian mùa nước nổi như chống xuồng đua, nơm cá, … Về đêm, du khách lại được thưởng thức văn nghệ tại một sân khấu nổi mang đậm chất dân gian được dựng ngay trên mặt hồ, giản dị, không quá rực rỡ nhưng gần gũi với thiên nhiên.
Nếu thích thong dong trên dòng sông yên bình, bạn có thể thuê thuyền của người dân ven bờ, với giá từ 150.000-300.000 đồng một người, mỗi lượt thuyền chở được 4-10 người.
Tìm hiểu về văn hoá người Chăm
Đến với bùng Bình Thiên, du khách còn được biết đến làng văn hoá người Chăm riêng biệt, độc đáo trong tín ngưỡng và đời sống hàng ngày của người Chăm. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh cụ già đi lễ ở thánh đường Mas Jid Khoi Ri Yah, hay những cô gái Chăm xinh đẹp trong trang phục truyền thống, trẻ em vui chơi bên bờ hồ.
Bọn trẻ ở làng người Chăm vui đùa bên hồ nước trời ban. Ảnh: Nam Chấy.
Làng Chăm đã hình thành hơn 100 năm, với những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau và thánh đường Mas Jid Khoi Ri Yah rộng lớn. Bạn sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người nông dân thực thụ khi xin ngủ nhờ nhà người dân địa phương.
Thưởng thức đặc sản
Vốn là hồ nước trời ban, các loài động thực vật nơi đây cũng rất phong phú. Cá đồng ở Búng Bình Thiên được xem là đặc sản. Còn với làng văn hoá người Chăm, món cà ri và lạp xưởng bò rất đặc biệt. Vào mùa nước nổi, món ăn càng đa dạng, như chuột đồng chiên xả ớt, bông súng bóp gỏi, cá linh non kho tiêu ăn với cơm nguội… và lẩu cá linh bông điên điển.
Lẩu cá linh bông điên điển – đặc sản mùa nước nổi. Ảnh: Nam Chấy.