1.Phương tiện đi lại:
Bằng phương tiện công cộng:
Từ TP. HCM, bạn có thể mua vé xe Mai Linh tuyến TP.HCM – Bạc Liêu, thời gian di chuyển khoảng 6 tiếng 45 phút. Ngoài ra, xe đi Bạc Liêu khởi hành thường xuyên từ bến xe miền Tây.
Từ Cần Thơ, giá vé 70.000 – 100.000 đồng, mất khoảng 3 tiếng di chuyển. Mua vé xe tại bến xe Cần Thơ hay tại điểm bán vé xe Mai Linh.
Xe máy hay xe ô tô cá nhân:
Từ TP.HCM đến Bạc Liêu theo hành trình: Sài Gòn – cầu Mỹ Thuận – phà Hậu Giang – nhà công tử Bạc Liêu (chạy thẳng).
Lưu ý nếu đi bằng xe máy hay ô tô cá nhân, bạn nên mang theo đầy đủ giấy tờ xe, bằng lái, bảo hiểm xe và tuân theo các quy định về giao thông đường bộ. Cần mang theo dụng cụ sửa xe để sửa chữa những hỏng hóc cơ bản nhất.
Chùa Xiêm Cán nghiêm trang và rực rỡ trong nắng.
2.Đến Bạc Liêu vào thời điểm nào?
Mỗi mùa, Bạc Liêu lại có vẻ đẹp riêng, song nếu được nên đến vào khoảng rằm tháng 10. Đây là thời điểm đẹp nhất và cũng là thời gian diễn ra lễ hội Ok Om Bok, một trong 3 lễ hội lớn của người Khmer tại đây.
3.Khách sạn, nhà nghỉ:
Bạn sẽ chỉ mất từ 80.000- 200.000 đồng với khách sạn ở đường Lý Tự Trọng (TP. Bạc Liêu) hay khách sạn Hoàng Cung. Nếu muốn thử làm “đại gia”, bạn có thể chọn khách sạn Bạc Liêu hay khách sạn công tử Bạc Liêu (nhà của công tử Bạc Liêu) với giá từ 16 – 30 USD/ đêm.
Bánh củ cải, đặc sản Bạc Liêu với đủ vị chua, cay, thanh nhẹ.
4.Ăn, mua sắm ở Bạc Liêu:
Ở Bạc Liêu có một số đặc sản nổi tiếng như bún bò cay, bún nước lèo, bún cá, bánh xèo ở khu vườn nhãn, đuông chà là, bánh tằm Ngan Dừa, gỏi bồn bồn, bánh củ cải, mỳ Mỹ Dung bên hông chợ Bạc Liêu, xá bấu… Ngoài ra, các bạn có thể thưởng thức các món từ chim ở sân chim Bạc Liêu hay vườn cò Tân Long, các món cá linh, cá bống, bông điên điển… vào mùa nước nổi
Bạn có thể mua khô cá lóc, mắm chua Vĩnh Hưng (làm bằng cá trắm) ở chợ Bạc Liêu hay mang bánh củ cải về làm quà (lưu ý bảo quản cẩn thận khi vận chuyển cũng như thời gian sử dụng).
5.Các điểm tham quan:
Một điểm tham quan bạn không nên bỏ qua khi đến đây là nhà công tử Bạc Liêu (hiện là khách sạn Bạc Liêu). Kiến trúc, nội thất, vật dụng của ngôi nhà sẽ giải đáp được mức độ giàu đến “đốt tiền nấu trứng” của vị công tử nổi tiếng này. Một điểm lưu ý là nên đặt phòng trước khi đến (theo thông tin nên đặt từ nửa tháng mới có phòng). Tuy khá nổi danh nhưng phòng của công tử không có máy lạnh hay quạt, bạn phải dùng quạt tay hay vợt điện để đập muỗi.
Ngoài nhà vị công tử huyền thoại, một số điểm tham quan khác bạn không nên bỏ qua là vườn nhãn trăm tuổi, xum xuê lá hay ngát hương thơm của hoa, của trái. Ghé thăm Vĩnh Hưng, tháp Chăm với số tuổi được xếp vào hạng hiếm của đồng bằng sông Cửu Long, tạt vào chùa Xiêm Cán ngắm ngôi chùa vàng rực trong nắng hay ghé Phước Đức cổ miếu lâu đời.
Bên cạnh đó, bạn có thể thả mình trong những ngôi nhà trên biển, vừa nhấm nháp hải sản, vừa hít căng lồng ngực những làn gió biển mát rượi ở nhà Mát; ngắm bức tranh thanh bình của từng đàn chim bay về tổ trong ánh nắng cuối ngày tại sân chim Bạc Liêu hay vườn cò Tân Long; tham quan rừng đước, rừng tràm, nhà thờ Tắc sậy (trên đường xuống Cà Mau), đồng hồ cổ, sân chim Bạc Liêu.
6.Lịch trình tham quan gợi ý như sau:
Buổi sáng đến thăm nhà Công tử Bạc Liêu và Phước Đức Cổ Miếu nằm ở ngay trung tâm. Nếu có thời gian tiếp tục đến tháp Vĩnh Hưng (cách thị xã khoảng hơn 20km)
Buổi chiều thăm chùa Xiêm Cán, sân chim Bạc Liêu và biển Bạc Liêu nằm trên cùng đường đi
Buổi tối ghé nhà hàng khách sạn công tử Bạc Liêu, ăn tối, uống cà phê và ngủ tại đây (nếu đặt phòng).
7.Nên mang gì khi đến Bạc Liêu?
– Ăn vận quần áo đơn giản.
– Mang đồ bơi nếu có ý định tắm biển.
– Áo khoác, mũ, kem chống nắng, kem chống muỗi và thuốc trị côn trùng nếu có ý định tham quan rừng.
– Mang theo băng dán y tế, dầu gió, thuốc đau bụng phòng trường hợp say nắng nếu di chuyển quá nhiều.
– Mang theo kim, chỉ, nút áo, kinh băng phòng những trường hợp bất ngờ.
8.Các cung đường du lịch thường đi:
Mỹ Tho – Long An – Bến Tre – Cần Thơ – Bạc Liêu – Cà Mau
Sài Gòn – Mỹ Tho – Cần Thơ – Bạc Liêu