Chia sẻ kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng

Tác giả: Đi Đâu Chơi GìĐăng ngày: 05/11/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Những năm gần đây, Đà Nẵng được rất nhiều bạn chọn làm điểm du lịch, không chỉ bởi vì cảnh ở đây đẹp, mà còn vì cách người Đà Nẵng làm du lịch. Kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng sẽ giúp bạn có những thông tin hữu ích cho chuyến du lịch của mình.

Một chút về Đà Nẵng: Tên gọi Đà Nẵng là biến dạng của từ Chăm cổ “DAKNAN”, tức là vùng nước rộng lớn (trước kia Đà Nẵng cũng có thời điểm được gọi bằng tên DAKNAN). Tuy nhiên, cũng có lý giải cho rằng do Đà Nẵng trước kia

Đi đến Đà Nẵng bằng phương tiện gì?

Bạn có thể đến Đà Nẵng bằng nhiều phương tiện: máy bay, tàu hỏa, xe khách,…Sau đây mình sẽ giới thiệu với các bạn đường đi đến Đà Nẵng từ thành phố Hồ Chí Minh, và Hà Nội.

Máy bay

  • Từ Hà Nội đi Đà Nẵng hiện có 3 hãng hàng không chuyên chở là Jestar Pacific, Vietjetair, Vietnam Airlines, với tần suất trung bình 17 chuyến bay một ngày, giá vé thấp nhất vào ngày thường là 900.000đ/1 vé/1 chiều (chưa bao gồm thuế và phí), với thời gian bay trung bình mất khoảng 1h15.
  • Chiều từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Nắng cũng có 3 hãng hàng không là Jestar Pacific, Vietjetair, Vietnam Airlines. Giá vé thấp nhất vào ngày thường là 810.000đ/1 vé/1 chiều (chưa bao gồm thuế và phí). Thời gian bay mất trung bình 1h15.

Xe khách

Bảng: Giá vé xe khách giường nằm chiều Hà Nội – Đà Nẵng

Bảng giá vé xe khách Hà Nội Đà NẵngBảng: Giá vé xe khách chiều thành phố Hồ Chí Minh – Đà Nẵng

Bảng giá vé xe khách chiều Sài Gòn Đà NẵngTàu hỏa

  • Từ Hà Nội vào Đà Nẵng, một ngày sẽ có 5 chuyến tàu SE1, SE3, SE5, SE7 và TN1, giá vé rẻ nhất là 296.000đ (tàu TN1), đắt nhất là 1.002.000đ (tàu SE3).
  • Từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng một ngày cũng có 5 chuyến là các tàu SE2, SE4, SE6, SE8, và TN2. Giá vé tàu đắt nhất cho chuyến này là 1.195.000đ (tàu SE4, giờ xuất phát 22h), rẻ nhất là 350.000đ (tàu TN2, giờ xuất phát 13h10).

Ngoài ra, với các bạn muốn đi phượt bạn có thể tự đi xe đến Đà Nẵng, đây sẽ là một hành trình rất thú vị.

Nên đến Đà Nẵng vào mùa nào?

  • Các tháng từ tháng 2 – 8 hàng năm, Đà Nẵng do chịu ảnh hưởng của gió Phơn nên hơi nóng nhưng ít mưa và trời rất đẹp. Từ tháng 9 – 1 là mùa mưa, trong đó từ các tháng 10, 11, 12 hay có bão. Nếu muốn du lịch tiết kiệm thì bạn có thể đi từ tháng 1 – tháng 4, thời tiết mùa này khá đẹp mà dịch vụ rẻ hơn so với tháng 6 – 8.
  • Đặc biệt ở thành phố Đà Nẵng, dịp 30/4 – 1/5 hàng năm sẽ có cuộc thi bắn pháo hoa nghệ thuật từ các nước trên thế giới.

Địa điểm du lịch ở Đà Nẵng?

Đà Nẵng có vị trí khá đặc trưng, thành phố Đà Nẵng gần như nằm giữa thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đà Nẵng còn được coi như là trung tâm của ba di sản thế giới là cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn.

Tỉnh có đặc trưng là bờ biển hay các địa điểm du lịch ở đây thì khá gần nhau và ở ngay sát thành phố nên để tiện cho di chuyển, bạn có thể thuê một chiếc xe máy, giá từ 60.000đ – 150.000đ/ 1 xe / 1 ngày.. Để tiện cho tìm hiểu thông tin, mình sẽ giới thiệu qua về các nhóm địa điểm du lịch ở đây.

Khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng

– Cầu sông Hàn

Cầu sông Hàn là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công. Cầu bắc bắc qua sông Hàn, nối hai trục đường phố chính là Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng. Cầu được xây dựng từ tháng 9/1998 đến tháng 3/2000 thì hoàn thành.

Cầu sông Hàn về đêmCầu sông Hàn về đêm

Cầu sông Hàn được gọi là cầu quay bởi vì, ban ngày cầu phục vụ giao thông của thành phố, về đêm lại phục vụ giao thông đường thủy. Cứ 1h đêm hàng ngày, phần giữa của cầu sẽ quay 90 độ quanh trục, nằm dọc theo dòng nước chảy, mở đường cho tàu lớn đi qua, và đến 4h sáng thì cầu lại quay lại như cũ. Tuy nhiên, hiện nay cầu xoay ít hơn vì tàu thuyền lớn qua lại đây không còn nhiều.

Hiện nay, cây cầu này vẫn là cây cầu quay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, nếu có điều kiện, bạn nên chiêm ngưỡng cảnh cầu xoay 90 độ.

Cầu Sông Hàn khi quayCầu Sông Hàn khi quay

– Cầu Rồng

Cầu Rồng nằm giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng, giao lộ với 6 con đường đẹp nhất ở Đà Nẵng là Bạch Đằng, Trần Phú, Lê Đình Dương, Nguyễn Văn Linnh, Trưng Nữ Vương và đường 2/9. Cầu không chỉ nổi tiếng với hình dáng giống con rồng mà còn vì con rồng của cầu có khả năng phun lửa và nước như thật.

Cầu Rồng Cầu Rồng Cầu Rồng

Mỗi lần tổ chức, rồng sẽ phun lửa nước và nước sau. Lửa sẽ phun 2 lượt, mỗi lượt 9 lần; phun nước 3 lượt, mỗi lượt 1 lần. Mỗi quả cầu lửa sẽ cao từ 3-4 mét, quầng lửa đi xa từ 10-15m; còn mỗi lần rồng phun nước, nó sẽ phun nước thành luồng hơi mạnh và đẹp, thể hiện khát vọng không ngừng vươn xa của nhân dân Đà Nẵng. Thời gian phun lửa và phun nước vào 21h các ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.

Cầu Rồng Đà Nẵng được bình chọn là 1 trong 30 cây cầu ấn tượng nhất hành tinh.

– Chợ Cồn Đà Nẵng

Chợ Cồn là một trong những chợ lớn ở Đà Nẵng, chợ nổi tiếng với những món ăn vặt rất ngon và giá cả rất mềm.

Ẩm thực chợ CồnẨm thực chợ CồnẨm thực chợ Cồn

Trong chợ, từng quầy hàng, từng quầy hàng bày bá những món ăn vặt nhìn rất hấp dẫn, thơm ngon, nức mũi, khó ai mà kìm lòng được. Càng vào trong, đồ ăn lại càng được bán càng phong phú nhưng giá thì lại rất “chợ”. Chỉ từ 15.000đ là bạn đã có thể chọn cho mình những món đặc sản nơi đây như: mực rim, ốc hút, ốc xào, bún mắm, mỳ quảng,…Một đĩa trộn tai heo, gan heo với rau sống là 15.000đ, bánh bột lọc, nem chua, chả giò một đĩa chỉ có 5.000đ, gỏi đu đủ bò khô 10.000 vnđ/đĩa, thức uống đủ loại tha hồ chọn đồng giá 5.000đ/chai,…Ngoài ra, Đà Nẵng có món bánh tráng quấn thịt heo chấm mắm nêm rất nổi tiếng, bạn cũng nên thưởng thức.

Các tầng phía trên của chợ bán quần áo, quà lưu niệm.

– Đình làng Hải Châu

Đình làng Hải Châu là cũng là một địa điểm được rất nhiều khách du lịch ghé thăm, khuôn viên rộng 3.500m2, được xây dựng từ năm Gia Long thứ 5 (1806). Ngôi đình cổ này còn lưu giữ nhiều hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng, 3 tấm bia đá bằng đá cẩm thạch. Trong chùa còn một chiếc chuông đồng cổ cao 1,3m.

Đình làng Hải ChâuĐình làng Hải Châu

Khu bán đảo Sơn Trà, núi Khỉ

Bán đảo Sơn Trà thuộc quận Sơn Trà, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 8km về phía Đông Bắc. Đỉnh núi cao nhất ở đây cao 696m so với mực nước biển, chiều dài từ đông sang tây là 15km, chỗ rộng nhất là 6km, chỗ hẹp nhất là 2 km. Để tiện cho quá trình di chuyển, bạn nên thuê một chiếc xe máy riêng để đến đây.

Bán đảo Sơn Trà là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên, là khu đa dạng về sinh học và lịch sử văn hóa. Không khí ở đây rất mát mẻ, trong lành, tới đây bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp hòa quyện của núi, biển.

Sơ đồ bán đảo Sơn TràSơ đồ bán đảo Sơn Trà

Bạn có nhiều lựa chọn khi đi thăm quan Sơn Trà, trước khi đi bạn nên xem trước bản đồ để chọn cung đường đi cho phù hợp nhất. Dưới đây là những địa danh không nên bỏ qua khi tới Sơn Trà.

– Chùa Linh Ứng

Nếu bạn đi thăm quan Sơn Trà bằng đường Hoàng Sa thì chùa Linh Ứng là điểm đầu tiên trong hành trình của bạn. Đây là ngôi chùa lớn nhất của Đà Nẵng, chùa tọa lạc ở lưng chừng núi, mặt hướng ra biển, lưng tựa vào rừng. Ở Đà Nẵng có 3 ngôi chùa Linh Ứng nên người ta gọi chùa Linh Ứng ở đây là chùa Linh Ứng Bãi Bụt để phân biệt với các chùa còn lại. Trong chùa có tượng Quan Thế Âm lớn nhất Đông Nam Á, tượng phật bà cao 67m, tòa sen có đường kính lên tới 35m, hướng nhìn về Tổ Đình Linh Ứng Ngũ Hành Sơn. Phía trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng có 21 bức tượng Phật với hình dán khác nhau, và bạn có thể di chuyển lên 17 tầng tháp này. Trong sân chùa có 18 vị La Hán, được khắc hoạt tinh sảo.

Chùa Linh Ứng nhìn từ xaChùa Linh Ứng nhìn từ xa

Chùa Linh Ứng nhìn từ trên caoChùa Linh Ứng nhìn từ trên cao

– Cây đa cổ thụ

Nếu bạn đi từ chùa Linh Ứng Bãi Bụt thì bạn chỉ cần đi về phía bắc là sẽ tới cây đa cổ thụ này. Cây cao khoảng 26m với 26 rễ phụ đâm xuống đất, rất vững chắc và tạo lên khung cảnh rất uy nghi. Người dân nơi đây cho biết, cây đa đã có tuổi đời trên 1000 năm.

– Sân bay trực thăng, đài radar

Tiếp theo con đường quanh co, bạn đi về phía nam sẽ gặp sân bay trực thăng trên núi. Sân bay này được Mỹ xây dựng từ những năm 1956, hiện nay đây chỉ còn lại là bãi đất trống. Đài radar ở đây được mệnh danh là con mắt của Đông Dương, được quân đội Mỹ xây dựng phục vụ cho chiến tranh. Hiện nay, đài radar được quân đội Việt Nam tiếp quản, và bạn không thể lên thăm trực tiếp đài radar này.

– Đỉnh bàn cờ

Cứ đi theo con đường phía Nam bạn sẽ trải qua những con dốc cao dựng, sau đó leo qua những bậc thang trước khi lên với Đỉnh bàn cờ. Gọi là đỉnh bàn cờ vì ở trên đỉnh có hình ông tiên đang ngồi chơi cờ. Nếu bạn đến đây vào ngày nắng, từ trên đỉnh bàn cờ bạn sẽ nhìn thấy toàn cảnh thành phố, còn nếu thời tiết sương mù thì bạn sẽ thấy những đám mây trôi lơ lửng, bồng bềnh ngay trước mặt.

Đỉnh bàn cờĐỉnh bàn cờ

– Ngắm Vooc chà vá chân nâu

Vooc chà vá chân nâu là một trong những loài vật rất quý hiếm, chúng thường đi ăn vào sáng sớm và đầu giờ chiều, và thường đi theo bầy. Để quan sát rõ hơn, bạn có thể mang theo ống nhòm.

Trên đây là cung đường đi thăm quan Sơn Trà bằng xe máy, ngoài ra nếu thích bạn có thể chọn các cách khám phá bằng phương tiện khác như:

Đi bằng đường sông, bạn sẽ xuất phát từ bến tàu sông Hàn hướng vế cảng Tiên Sa, sau đó bạn có thể khám phá Bãi đá đen, khu du lịch Bãi cát vàng, hay tham gia tour lặn bắt cá ở Hoàn Chảo.

Đi tham quan biển tuyệt đẹp ở Sơn Trà: Bãi Bụt, Bãi Trem, Bãi Con, Bãi U, Bãi Tranh,…

Hoặc bạn có thêt tham gia các hoạt động như câu cá, lặn bắt san hô ở đây,…

Bãi biển ở bờ Đông

Ở bờ Đông thành phố Đà Nẵng có khá nhiều bãi biển đẹp, nước biển trong xanh, bờ cát trắng.

Bãi biển Mỹ Khê: bãi này dài khoảng 900m là và bãi biển nhộn nhịp nhất ở đây. Bãi này nổi tiếng với những bãi cát trắng mịn, sóng biển hiền hòa, nước ấm quanh năm. Biển ở đây không sâu nên bạn có thể yên tâm tắm biển, và thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây. Bãi biển Mỹ Khê được bình chọn là 1 trong 10 bãi biển ở châu Á được yêu thích nhất trên thế giới.

– Bãi biển Phạm Văn Đồng

Bãi tắm Phạm Văn Đòng là bãi tắm công cộng, có diện tích 7.726 m2, với nhiều công trình phụ trợ đi kèm: 6 hồ nước ngọt, 26 dãy vòi sen, 24 phòng thay quần áo. Bãi tắm này cũng không sâu, bờ cát trắng mịn trải dài.

Bãi biển Phạm Văn ĐồngBãi biển Phạm Văn Đồng

Bãi tắm Phạm Văn Đồng với diện tích rộng, được trang bị nhiều tiện ích đi kèm, quang cảnh tuyệt đẹp nên bãi tắm này luôn đông đúc, tấp nập.

– Bãi biển Bắc Mỹ An

Bãi biển Bắc Mỹ An thuộc phường Bắc Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Tổng chiều dài bãi biển vào khoảng 4 km, với nhiều bãi tắm đẹp như bãi tắm T18, Mỹ Đa Đông 2, Mỹ Đa Đong 3,…Bãi biển ở đây cũng có đặc điểm là có bãi cát trắng mịn, nước trong xanh.

Bãi biển Bắc Mỹ AnBãi biển Bắc Mỹ An

Khu Ngũ Hành Sơn

Khu Ngũ Hành Sơn này là một quần thể bao gồm: làng nghề truyền thống, núi, bãi biển trong xanh.

– Chùa Tam Thai

Chùa Tam Thai nằm trên ngọn núi Thủy Sơn (là 1 trong năm ngọn Ngũ Hành Sơn: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), thuộc quần thể danh thắng Non Nước – Ngũ Hành Sơn.

Chùa Tam ThaiChùa Tam Thai

Chùa Tam Thai được xây dựng cách nay hơn 300 năm, năm 1901 chùa bị bão lớn phá hủy hoàn toàn, đến năm 1907 chùa mới được xây dựng và bảo tồn cho đến nay. Ở phía tây của núi Thủy Sơn, có 156 bậc cấp lát đá dẫn đến chùa Tam Thai. Các ngôi chùa ở đây rất đặc biệt có đường đi xuyên núi, từ chùa Tam Thai ngang qua hang Vân Nguyệt đến chùa Linh Ứng và các hang động khác,…do đó bạn có thể lên chùa Linh Ứng bằng cổng phía Đông (mất 108 bậc) sau đó đi xuyên núi để sang chùa Tam Thai,…Ở dưới chân núi là làng nghề điêu khắc đá.

Non Nước: ở đây bao gồm 2 địa điểm:

  • Làng nghề điêu khắc đá Non Nước: Làng nghề này dã có truyền thống 300-400 tuổi, hàng năm cứ vào ngày mùng 6 Tết âm nơi đây lại tổ chức giỗ tổ làng nghề. Ngày xưa người dân nơi đây lấy đá sẵn từ núi sau đó đục đẽo tạo thành các vận dụng thô sơ phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Ngày nay các tác phẩm bằng đá ở đây đã chế tác thành nhiều mặt hàng khác nhau như: gạt tàn thuốc, ống đựng tăm, cối đá, cối giã tiêu, vòng tay, nhẫn, dây đeo cổ,.., các tác phẩm ở đây thể hiện rõ nét tài hoa, điêu luyện và rất tinh tế. Làng nghề này ở ngay chân núi Ngũ Hàng Sơn, rất tiện cho bạn tham quan.
  • Bãi tắm Non nước: Bãi tắm Non Nước thuộc phường Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn. Bãi tắm này trải dài khoảng 5km, như một hình vòng cung nằm dọc chân núi Ngũ Hành Sơn. Bãi biển ở đây có bờ cát trắng mịn, khí hậu hiền hòa, sóng nhỏ,…rất thích hợp cho tắm biển và thường ngoạn cảnh quan nơi đây. Đây cũng là nơi thích hợp cho các loại hình thể thao dưới biển, đặc biệt là trượt sóng.

Khu xa trung tâm thành phố Đà Nẵng

– Bà Nà – Núi Chúa

Khu du lịch Bà Nà nằm trên đỉnh núi Chúa (xã Hòa Ninh, Hòa Vang, Đà Nẵng). Ở Bà Nà một ngày sẽ có 4 mùa, rất trong lành, nhiệt độ cao nhất ở đây chỉ khoảng 22-25 độ, về đêm nhiệt độ vào khoảng 15-17 độ. Nơi đây đã được thực dân Pháp phát hiện và cho xây dựng rất nhiều khu biệt thự ở đây và trở thành khu nghỉ mát nổi tiếng và lớn nhất ở Đông Dương. Tuy nhiên do ảnh hưởng của chiến tranh nên đã có thời gian, Bà Nà bị lãng quên. Bà Nà có hệ thực vật, động vật đa dạng, phong phú, và đây cũng là khu dự trữ thiên nhiên lớn.

Bà Nà HillBà Nà HillBà Nà HillBà Nà HillBà Nà HillBà Nà Hill

Từ thành phố Đà Nẵng bạn có nhiều cách lựa chọn để đi Bà Nà:

  • Đi xe máy
  • Đi taxi
  • Xe tuyến tour của khu du lịch Bà Nà Hills: Hàng ngày, 8h sáng tại 72 Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu) xe sẽ bắt đầu xuất phát, chuyện cuối cùng trở về là 18h, giá vé cả đi cả về là 70.000đ/1 người, nếu chỉ đi 1 chiều thì giá vé là 50.000đ/1 người. (Sđt: 0511.3749 888).
  • Xe bus: Từ nội thành Đà Nẵng bạn có thể bắt xe bus đi Bà Nà, sẽ có nhiều chuyến trong ngày với mức giá khoảng 120.000 đ – 150.000đ / 1 người/ 2 lượt.

Đường lên đỉnh Bà Nà khoảng 15km khá quanh co, nếu muốn bạn có thể đi cáp treo lên đỉnh Bà Nà. Đi cáp treo thời gian sẽ được rút ngắn xuống còn 17 phút, và bạn có thể chọn cabin thường, cabin hở, và cabin mặt kính để đi.

Các dịch vụ giải trí ở Bà Nà:

  • Tàu hỏa leo núi
  • Hầm rượu cổ từ năm 1923
  • Vườn hòa tình yêu
  • Công viên Fantasy
  • Xe trượt ống
  • Khu trưng bày tượng sáp
  • Các điểm đến tâm linh
  • Chùa Linh Ứng (bản sao của chùa Linh Ứng Bãi Bụt)
  • Đền Lĩnh Chúa Linh Từ
  • Pháp Linh Phong Tự
  • Lầu Chuông
  • Nhà Bia
  • Miếu Bà

Các khách sạn ở đây: Debay, Morin, làng Pháp

Các nhà hàng: Hội An, Morin, Kavkaz, Buffet Club, khu ẩm thực tại quảng trường du Dôme

Giá vé cáp treo đi Bà NàGiá vé cáp treo đi Bà Nà

– Đèo Hải Vân

Đèo Hải Vân nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Nếu đi từ Đà Nẵng, bạn cứ đi theo quốc lộ số 1, qua sông Nam Ô, và cứ thế đi theo con dường dốc dần. Đường đi lên chỉnh đường rất dốc, ở trên đỉnh ta sẽ thấy cảnh vịnh, thành phố bên dưới hiện lên tuyệt đẹp. Hiện nay, tuy đã có đèo Hải Vân nhưng nhiều người vẫn muốn lên con đèo này để tưởng ngoạn khung cảnh.

Đèo Hải VânĐèo Hải Vân

Nhà nghỉ giá rẻ ở Đà Nẵng?

Do xung quanh thành phố Đà Nẵng có rất nhiều điểm du lịch, nên bạn có thể tùy chọn nhà nghỉ cho mình ở nơi mà bạn tham quan nhiều nhất. Theo kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng của mình, thì bạn có thể chọn một vài nhà nghỉ sau:

  • Khách sạn Sion (121/7 Hoàng Văn Thụ)
  • Khách sạn Hoàng Lan (189 Nguyễn Văn Thoại, sdt: 0511.3836777), gần biển Mỹ Khê.
  • Zenta Hotel (54 An Thượng 1, Bãi biển Bắc Mỹ An), giá khoảng 300.000đ – 400.000đ
  • Danang Port Hotel (20 Hà Bổng, Phước Mỹ, Sơn Trà), giá khoảng 400.000đ – 500.000đ
  • Khách sạn Mango (Lô 25, An Thượng 1, Ngũ Hành Sơn), giá trong khoảng 400.000đ – 500.000đ
  • Khách sạn SunSea (60 Lâm Hoành, Bãi biển Mỹ Khê, Phước Mỹ, Sơn Trà), giá trong khoảng 200.000đ – 500.000đ
  • Khách sạn Sunrise Đà Nẵng (Lô 19-B1.3, Dương Đình Nghệ, Sơn Trà), giá trong khoảng 400.000đ – 800.000đ
  • Khách sạn Mayana Đà Nẵng (40 Nguyễn Thái Học, Hải Châu), giá trong khoảng 300.000đ – 600.000đ
  • Khách sạn Atlantic (151 Hồ Nghinh, Sơn Trà), giá trong khoảng 250.000đ – 500.000đ
  • Khách sạn Champa Đà Nẵng (Lô 134 Lê Quang Đạo, Ngũ Hành Sơn), giá trong khoảng 400.000đ – 1.000.000đ
  • Khách sạn Nemo Đà Nẵng (100/2 Nguyễn Văn Thoại, Ngũ Hành Sơn), giá trong khoảng 300.000đ – 900.000đ

Ăn gì ở Đà Nẵng?

Tới Đà Nẵng bạn nên thưởng thức những đặc sản sau:

  • Bánh tráng cuốn thịt heo: Quán Bà Mậu (35 Đỗ Thúc Thịnh), quán bà Hường, quán Trần (số 2 đường Hải Phòng),..giá từ 30.000đ – 80.000đ/ 1 suất.
  • Mỳ Quảng bà Vị (ở ngã tư đường Triệu Nữ Vương và Lê Đình Dương), mỳ quảng bà Ngân (đường Đống Đa),…các quán trên tường Hoàng Diệu, Phan Thanh, Trưng Nữ Vương, Hoàng Hoa Thám sẽ bán từ buổi sáng đến tầm 9h – 10h, một số nơi bán cả ngày như các quán ở đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Công Trứ, …Giá cả giao động từ 13.000đ – 30.000đ.
  • Bún bò: bún bà Đào (Nguyễn Chí Thanh), bà Hương (Đống Đa),..
  • Bánh bèo lọc nậm gói ít ram: bà Bé (Hoàng Văn Thụ), hoặc bạn có thể đến đường Nguyễn Chí Thanh (có 2 quán ở đầu đường và cuối đường, đều ngon cả), quán ở đừng Trần Cao Vân (bán từ 6h-9h sáng),…
  • Bún thịt nướng: các quán bán bún thịt nướng thường bán cùng với bánh xèo nem lụi, có một số quán: bà Dưỡng (đường Hoàng Diệu, quán có nước tương rất ngon, và nằm trong hẻm), bà Ngọc (quán này có nhiều chi nhánh ở các đường Yên Báy, Pasteur, Đống Đa), bà Trai (Đống Đa),…
  • Ốc hút: đường Lê Duẩn, các quán ốc ở đây rất ngon mà giá thì khá rẻ, chỉ khoảng 20.000đ/1 đĩa.
  • Chè xoa xoa hạt lựu: bạn có thể ăn ngay ở chợ Cồn, hoặc ở một số quán trên đường Phan Thanh, Trần Bình Trọng,…giá khoảng 5.000đ/1 ly.

Ngoài ra, bạn có thể đến chợ Cồn Đà Nẵng, chợ bán rất nhiều đồ ăn vặt, rất ngon mà rẻ.

Trên đây là kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng của mình, hi vọng sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình du lịch thành phố năng động, và tuyệt đẹp này.

Bà Nà bãi biển Bãi Bụt bãi tắm du lịch Đà Nẵng đèo hải vân kinh nghiệm du lịch Ngũ Hành Sơn Sơn Trà
Bài viết liên quan