Chia sẻ kinh nghiệm hữu ích khi vượt đèo bằng xe máy

Tác giả: Đi Đâu Chơi GìĐăng ngày: 05/11/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

1/ Trước khi vào đèo.

Kiểm tra thắng xe

Xe bạn tốt? Nhưng chưa hẳn ‘tốt’ hoàn toàn sau khi đã qua một cung đường dài. Không mất bao thời gian: bạn hãy thử thắng xe cả bánh trước và sau trước khi vào đèo.

Lưu ý là có những đoạn dốc mà bạn thắng cả đôi nhưng con ngựa sắt vẫn trườn tới… hàng chục mét mới dừng hẳn – nhất là khi bạn chạy tốc độ cao, sử dụng thắng nhiều (bố thắng quá nóng sẽ giảm sự ma sát, còn cháy bố thắng thì… tiêu luôn).

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Một nhánh rẽ lên đỉnh radar trên đèo Cả. Khi đã nhất định lên nơi nàythì bạn không thể đổi ý nửa chừng được đâu nhé
– Kiểm tra đèn – còi

Đèn cần thiết phải bật khi trời chập choạng tối, ban đêm hay khi có sương mù.

Còi phải bấm trước khi vào các cua, ồn ào một tý nhưng xe đối diện phía góc khuất của cua quẹo có thể nhận ra có người đang chạy hướng đối nghịch, vậy là an toàn cho cả hai.

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Quanh co con dốc bên triền núi.

– Kiểm tra xăng

Mức xăng quá thấp, xăng đang reset có thể gây ‘đại họa’ đúng lúc bạn đang cần sức mạnh tối đa của con ngựa sắt đang vượt dốc cao.

Cứ cho là mức reset có thể giúp ta chạy thêm mươi cây số nữa, vậy nhưng ta lại quên bén đi là khi leo đèo, lại chở nặng thì xe sẽ ngốn rất nhiều xăng.

Phần khác: do độ dốc nhiều, xe cũng nghiêng nhiều nên miệng họng lấy xăng trong bình xăng lớn có thể nằm dưới mức chết. Kết quả là xe tắt máy giữa chừng: dốc quá cao, bánh xe không bám đường thì xế cùng ta có thể đổ ầm.

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Nhiều dốc lên các chùa trên núi cũng kinh khủng lắm.

Kiểm tra vỏ xe

Nếu vỏ quá mòn, bạn cần tránh đi đường đèo dốc nhất là lúc trời mưa trơn trượt. Tốt nhất: ta nên thay vỏ trước chuyến đi.

2/ Chạy vượt đèo dốc

Cần chú ý các biển báo, gương cầu. Có thể đường dốc đèo vắng thật nhưng chạy với tốc độ quá cao, khi gặp sự cố bất chợt (như xe ngược chiều lấn đường, lở đất đá, nổ bánh, gặp ổ gà…) thì bạn không thể xử lý tình huống kịp thời.

Cần chú ý trâu, bò, dê… của người dân nuôi thả có thể xuất hiện bất ngờ trên đèo.

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Lố đà là ta ‘tắm biển’ luôn. Tuy nhiên đây là ‘tắm đau’ vì từ trên này xuống biển cao hàng trăm mét với vách đá lởm chởm.

Thật cẩn thận với các khúc cua gắt vì đó luôn là cạm bẫy. Đây là lúc cần sử dụng còi để báo hiệu với xe chạy chiều ngược lại biết rằng phía đối diện có người. Tránh việc lấn làn hay vượt xe khác tại các cua mà ta không có đủ tầm nhìn vì rất nguy hiểm.

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Dốc xuống đèn biển Tiên Sa sâu tung hút…

Tránh chạy kề cận các xe tải, xe bồn, xe khách: họ mà thắng gấp hay tắt máy tuột thắng, lạc tay lái… thì ta cũng tiêu luôn.

Nên giữ khoảng cách nếu chạy sau các xe này, bạn chỉ vượt nó khi thấy thật an toàn: tức là thấy rõ phía trước trống đường, họ đáp ứng tốt với tiếng còi xin vượt của bạn, khoảng ngang định vượt đủ rộng và xe của bạn đủ sức mạnh để vượt. Bằng không thì cứ ngửi bụi khói xe đó một tý cũng chả sao đâu.

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Dừng chân trên đèo dốc: nên kiếm chỗ an toàn và có độ dốc tương đối.

Không đậu xe ngắm cảnh phía ngoài mép các cua gắt, khuất tầm nhìn các xe khác.

Nếu bạn muốn chụp ảnh hay ngắm cảnh, nên dựng xe cách đó vài mươi mét phía dưới rồi đi bộ lên.

Chụp hay ngắm cũng nên dè chừng để có phản xạ nhanh khi gặp tình huống nguy hiểm: tức là bạn phải giống như có mắt sau lưng.

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Ảnh mình không chụp nghiêng, chỉ tạicon dốc nó như thế.

Trả số ngay khi thấy xe có vẻ đuối sức, đừng chờ đến khi không còn sức rướm thì bạn sẽ phải trả về số thấp và rất khó lấy lại tốc độ cũ nếu dốc quá dài.

3/ Xuống đèo dốc

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Đổ dốc dựng: dốc rất trơn vì đầy đất đá vụn. Bạn thắng giảm tốc được nhưng muốn dừng lại thì xe vẫn cứ trôi theo đà chạy. Vậy nên trả số thấp hơn để xuống an toàn hơn.

Lên đèo, nếu được cho là nguy hiểm 1 thì xuống dốc sẽ nguy gấp đôi, hầu hết các vụ tai nạn thảm khốc là khi đang xuống đèo – vậy nên thật cẩn thận là chuyện không thừa.

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Bù lại sự hiểm nguy là những khung cảnh tuyệt vời.

Trên đèo không phải chỗ cho sự ganh đua. Bạn thấy một chiếc xe ‘dỏm’ hơn xe mình nhưng chạy vượt mặt với cái nhìn khiêu khích? Hãy mặc kệ nó: để xe ấy ‘biến đi’ càng xa càng tốt, không để bị lôi kéo vào cuộc chơi.

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Trên một số dốc cao, tầm nhìn của bạn thường bị giới hạn chỉ còn chưa đầy mươi mét, vậy nên phải nhấn còi liên tục.

Xe tay ga khi xuống dốc sẽ nguy hiểm hơn vì đa phần loại xe này dùng đai truyền động, bánh xe nhỏ nên giảm độ bám an toàn. Tránh ôm cua quá sát mép ngoài, dễ bị lực ly tâm làm té ngã hay vướng do dạt ra ngoài.

Tuy nhiên: đừng nghĩ là loại xe này không đi phượt được nhé.

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Đây là lúc mà mình dại dột nhất: thả trôi nhiều cây số xuống dốc và dùng… thắng! Cháy bố thắng thì… thôi rồi Điền ơi, vài ngày sau cũng không ai biết vì chốn này vắng cực kỳ… trong khi bên phải là vực sâu.

Lên đèo số nào thì xuống đèo cần để số ấy là quy tắc chuẩn với xe 4 bánh trở lên và cũng có thể áp dụng tốt cho xe gắn máy, đây là cách dùng lực cản của máy để giảm tốc độ của xe.

Ví dụ chiếc Win100 của tôi có 4 số: khi leo dốc tôi chạy số 3 thì khi xuống dốc tôi cũng sẽ về số 3 – không lên ga, không bóp côn – chỉ sử dụng côn và thắng khi cần thiết.

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Chỉ là lưng chừng đoạn dốc thôi, chưa phải cuối dốc. Mình đang đứng trên đỉnh.

Nếu xe vẫn còn xuống dốc khá nhanh, tôi sẽ trả về số 2 để lực trì của máy nhiều hơn. Ít dùng thắng khi đổ đèo dốc cũng là cách bảo vệ bố thắng không bị hỏng bất chợt do ma sát quá nhiều trong thời gian dài. Cháy bố thắng làm mất thắng: lúc đó liệu ta còn có cơ hội trả số và thắng dừng lại không ngoài cách đổ kềnh?

Người ta nói ‘xuống đèo cần cái đầu lạnh và bố thắng lạnh’: ‘đầu lạnh’ là không ganh đua, không liều lĩnh – ‘Bố thắng’ lạnh là ít phải sử dụng thắng*.

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Đang thả dốc cao, lại có cua ngoặc và có người: lúc này mình phải trả về số 2.

Tuy nhiên, nếu đèo có dốc ít hơn 10°, không có cua gắt, đường đèo tốt, vắng xe và không trơn trượt thì bạn cũng có thể thả trớn êm xuôi miễn là không vượt quá tốc độ mà ta còn có thể kiểm soát tay lái được.

Luôn nhớ là vào cua phải giảm tốc độ bằng cả 2 thắng, không rà thắng liên tục vì sẽ làm nóng bố thắng. Nếu tốc độ xuống đèo còn quá nhanh: ta bóp côn – nhả ga, nhá thắng một vài cái để giảm tốc rồi trả về số thấp hơn và từ từ nhả côn. Với xe không côn tay thì khi đạp cần số là bạn đang cắt côn rồi.

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Cuối dốc là cái cổng chùa đầu tiên (giữa). Không xa, do vậyđoạn dốc này không thểdưới 20°.

Trường hợp bạn đi xe 2 thì như Minks, Vespa cổ, Simson… thì việc lên đèo xuống đèo cần những kỹ thuật đặc thù riêng. Có tình huống xe bị hụt hơi khi lên dốc, bạn tăng ga mà xe ì lại không thể di chuyển được, điều này có thể là do bó máy hoặc bạn sử dụng côn số không hợp lý.

Với trường hợp bó máy bạn cần dừng xe lại nghỉ khoảng 15 – 30 phút cho máy nguội. Đối với dòng xe 2 thì, bạn cần kiểm tra lại tỷ lệ nhớt pha vào xăng, cần đảm bảo tỷ lệ phù hợp để có thể bôi trơn xi lanh tốt nhất (đối với Vespa cổ là khoảng 5-6%), nhớt pha quá ít sẽ khiến máy nóng hơn và dễ rúp bê (bó máy).

3-luu-y-khi-vuot-deo-bang-xe-may

Ảnh minh họa : Nghỉ chân đôi chút sau khi vượt nhiều dốc dựng:đây là chỗ tương đối bằng phẳng nhất.

Lượt phượt không phải là để đua tốc độ, vượt đèo dốc để người lái có thể nhẹ nhàng hòa trộn vào khung cảnh hoang sơ hùng vĩ, nhẩn nha ngắm nghía đất trời – Vì thế không cần quá vội vã, bạn cứ đi là sẽ tới.

Đèo dốc nhiều hiểm nguy hơn đường bình thường. Vậy nhưng khung cảnh trên những nơi cheo leo thường rất đẹp. Thậm chí, mình cho rằng trong một số rất nhiều cung đường: đèo dốc cũng là một trong những ‘đích đến chính’ của chuyến du phượt: hãy tận hưởng nó một cách an toàn.

*Có bạn dị ứng với việc thả dốc nhưng để số vì máy vẫn phải làm việc (đây là việc ngược vì không tạo ra sức kéo mà là sức trì), ồn ào, hao xăng. Tuy nhiên, nếu cần thì vẫn phải làm vậy vì nó giảm tốc hiệu quả – còn thắng sẽ là sự bổ xung khi muốn dừng lại hẳn.

Chúc bạn thượng lộ bình an trên mọi cung đường.

Theo hanhtrangphuot

phượt
Bài viết liên quan