Thanh Hóa cũng có một chùa Cầu
Y hệt như ở Hội An – Ảnh: Bùi Dũng
Chùa Cầu là một trong những Di sản văn hóa thế giới ở Hội An, nên không khó để biểu tượng này thu hút khách tham quan du lịch và trở thành ‘khúc ruột’ không thể thiếu ở phố cổ. Và mới đây, một chùa Cầu phiên bản nhỏ hơn đã xuất hiện tại Thanh Hóa làm du khách không khỏi ngạc nhiên vì sự giống nhau như đúc. Đây là quà tặng của Hội An dành cho Thanh Hóa để kỷ niệm 55 năm ngày hai thành phố kết nghĩa theo Phong trào kết nghĩa Bắc – Nam. Kinh phí để xây dựng công trình phiên bản nhỏ chiếm 75% so với phiên bản thật lên đến 3.5 tỷ đồng. Thể hiện tình cảm thắm thiết giữa Hội An và Thanh Hóa.
Chùa Cầu ở Thanh Hóa được xây dựng như phiên bản nhỏ so với Hội An – Ảnh: Trần Cường
Phiên bản chùa Cầu được xây dựng tại công viên Hội An thuộc thành phố Thanh Hóa, có chiều dài chừng 10 mét, rộng 1 mét và lòng cầu 2,2 mét. Các chuyên gia đã tìm hiểu nguyên vật liệu xây dựng chùa Cầu Hội An trước đây để mô phỏng như hệt với chùa Cầu ở Thanh Hóa. Không chỉ vậy, toàn bộ phần mộc và điêu khắc dều được thực hiện hoàn toàn tại Hội An sau đó mới chuyển ra cho người anh em xứ Thanh. Vậy nên người tham quan dù đang du lịch Thanh Hóa vẫn cứ như lạc bước ở phố cổ vậy.
Vật liệu xây dựng cũng tương đồng
Chùa được bắc qua hồ nước nhỏ, để người lữ khách đứng an nhiên ngắm nhìn khung cảnh tươi xinh xung quanh. Giờ đây, chẳng cần phải đến tận Hội An, người ta vẫn nắm bắt được chút hồn thơ của Di sản văn hóa lừng danh của miền Trung ngay tại xứ Thanh.
Hồ nước nhỏ nên thơ bên dưới – Ảnh: Hà Nam
Bên cạnh chiếc cầu nên thơ là khu nhà thờ Bế Đắc Trần Võ có diện tích chừng 3m x 3m y đúc phiên bản thật. Từ đường nét chạm trổ trên từng cột gỗ đến lồng đèn phía trước, từ hình dáng trang trí đến màu sơn đều không có sự cách biệt. Tất cả đều hài hòa và thống nhất với nhau để giúp tái hiện lại nguyên bản của ngôi chùa đầu tiên.
Một trong những điểm nhấn lớn của chùa Cầu đó chính là mái được lợp theo kiến trúc âm dương che kín hết cả cầu. Chính vì thế mà phiên bản thứ hai ở Thanh Hóa cũng không làm ‘mếch lòng’ người lữ khách khi nghệ thuật gốm sứ đã được hoàn thiện một cách trọn vẹn, không sai sót nào dù chỉ là nhỏ nhất.
Ở bốn góc chùa là bốn pho tượng hình khỉ (Thân) và chó (Tuất) đại diện cho năm khởi công và kết thúc. Theo quan niệm của người Nhật – người có công tạo ra chùa Cầu thì đây là những con vật thiêng và mang đến nhiều may mắn. Thế nên không quá khó hiểu tại sao những thương gia Nhật Bản khi xưa lại đem tín ngưỡng của mình đến cho chùa Cầu. Ngoài chùa Cầu, Hội An còn tặng cho Thanh Hóa 2 trụ gốm từ Thanh Hà – làng gốm nức tiếng của xứ Quảng. Từng nét chạm khắc trên trụ gốm đều tỉ mỉ và hết sức tinh tế do những bậc kỳ nhân trong vùng chế tác. Hình ảnh về vùng đất và con người ở hai vùng đất đều được thể hiện một cách vô cùng sống động và trực quan.
Nhiều nét đặc trưng của chùa Cầu Hội An cũng được mô phỏng lại ở phiên bản thứ hai tại Thanh Hóa. Để cho từng nét đẹp của di tích không bị mất đi, vừa giúp người tham quan hiểu rõ thêm về những giá trị của chùa Cầu.
Chùa Cầu ở lại xứ Thanh
Sắc son hẹn ước, miên man nghĩa tình
Ai về trẩy hội cùng mình
Cho tròn ấm áp, cho đầy yêu thương.
Đến chùa Cầu ở xứ Thanh, du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu nét văn hóa của di tích làm nên biểu tượng ở Hội An mà còn khám phá nhiều điều mới mẻ của công viên. Có không ít những điều mới mẻ đang chờ đón bước chân hành trình về với miền đất này đấy!
Giờ đây, khi nhắc đến Thanh Hóa, người ta không chỉ nhớ về Lam Kinh, thành nhà Hồ, Sầm Sơn hay trống đồng Đông Sơn mà còn có cả chùa Cầu – nét văn hóa của Hội An ngay giữa lòng thành phố. Trong tương lai, phiên bản chùa Cầu nhỏ ở xứ Thanh hứa hẹn là điểm nhấn du lịch quan trọng để phát triển. Nếu bạn muốn khám phá vùng đất Bắc Trung Bộ bình dị và nghĩa tình, lại mong mỏi lắng nghe hơi thở của miền phố cổ, hãy du hí ngay đến Thanh Hóa. Xuôi về xứ Thanh – nhanh chân đến chùa Cầu thưởng ngoạn.