Cô Tô là huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh, giữ vị trí đảo tiền tiêu hết sức quan trọng trước vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng.
Chùa Trúc Lâm Cô Tô được xây dựng tại khu đồi truyền hình, bên cạnh di tích lịch sử đền thờ Đại Đội Ký Con có tổng diện tích hơn 2.5ha chia thành các phân khu như: cổng tam quan, lầu chuông, lầu khánh, tòa Tam Bảo, nhà thờ tổ, nhà tăng, nhà thờ mẫu, nhà khách, khuôn viên cảnh quan.
Riêng giai đoạn 1 triển khai xây dựng tòa Tam Bảo làm bằng chất liệu gỗ lim, với diện tích mặt sàn 270 m2. Kiến trúc theo lối chùa cổ truyền thống, mái cong và lợp ngói hài, tường bao xây gạch đặc, miết mạch không trát với hoa văn hoạ tiết thời Trần mang đậm chất kiến trúc đặc trưng của dân tộc.
Đại đức Thích Khai Từ, Trụ trì chùa Trúc Lâm Cô Tô cho biết, với hơn 80% dân số theo đạo Phật. Từ lâu nguyện vọng được xây dựng một ngôi chùa thờ Phật ở trên đảo làm nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cho các tín đồ Phật tử đã là niềm mong mỏi lớn lao của đông đảo nhân dân, Phật tử trên huyện đảo Cô Tô.
Mặt khác, việc đầu tư xây dựng một ngôi chùa thờ Phật thuộc hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên đảo Cô Tô là xây dựng cột mốc văn hóa, khẳng định chủ quyền góp phần củng cố an ninh, chính trị tôn giáo vùng biên giới, hải đảo.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Huyện đảo Cô Tô chia sẻ, Cô Tô có lợi thế về phát triển du lịch biển đảo bởi có những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp. Chính vì thế, lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển du lịch.
“Nếu như tính thời điểm có điện lưới quốc gia về với Cô Tô từ tháng 10/2013 thì mỗi năm, lượng khách du lịch đổ về huyện đảo này tăng gấp đôi năm trước. Vì vậy, đời sống của người dân nơi đảo xa này được nâng cao, kinh tế phát triển bền vững.
Chùa Trúc Lâm Cô Tô hoàn thành giai đoạn một đi vào hoạt động đã tạo thêm một điểm đến du lịch ấn tượng cho huyện đảo, góp phần cải thiện đời sống về tinh thần của người dân nơi đây”, ông Nguyễn Viết Hùng chia sẻ.
Hà Tùng Long