Du lịch bụi philippines
Philippines là một đất nước nhiều đảo, với thế mạnh về du lịch biển đảo, nắng đẹp quanh năm, chi phí du lịch lại thấp, do vậy Philippin khá hấp dẫn du khách Việt Nam. Chi phí vé máy bay Cebu Pacific hầu như lúc nào cũng có vé rẻ, giá khoảng dưới 3 triệu đồng các bạn đã có thể mua được một vé khứ hồi tới đất nước vạn đảo này. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý hành trình Du lịch bụi Philippines với 6 ngày tiết kiệm và cơ bản với Manila, Boracay và thăm núi lửa Taal Vocalno.
Ngày 1: Hà Nội – Manila
Ngày 2: Manila
Ngày 3: Manila – Taal Vocalno – Manila
Ngày 4-5: đảo Boracay
Ngày 6: Boracay – Manila – Hà Nội
Để có đầy đủ thông tin nhất về Du lịch Philippines, bạn nên đọc các bài viết hay khác:
Kinh nghiệm Du lịch Philippines
Du lịch Boracay (chi tiết)
Giới thiệu về Philippines
Philippines là một đảo quốc thuộc khu vực Đông Nam Á, có thời tiết nhiệt đới điển hình. Toàn bộ đất nước là hơn 7000 hòn đảo, được chia thành 3 khu vực: các hòn đảo khu vực phía Bắc là Luzon, miền Trung là Visayas và miền Nam là Mindanao.
Dựa vào bản đồ này các bạn có thể sắp xếp kế hoạch đi lại của mình cho phù hợp. Ví dụ như một vài điểm du lịch trong vùng thì có thể sử dụng phương tiện di chuyển là ô tô nhưng 1 vài điểm du lịch khác vùng bắt buộc phải di chuyển bằng máy bay. Từ Manila (Luzon) đi Boracay, Cebu, El Nido… đều phải đi máy bay.
Thời tiết ở Philippines giống thời tiết Sài Gòn, chỉ có mùa mưa và mùa khô, thời tiết rất đẹp từ tháng 11 đến hết tháng 3, tháng 4 tới tháng 6 thì thời tiết có mưa, hơi thất thường, tháng 7 đến hết tháng 10 là mùa mưa bão, có nhiều trận bão lớn, có thể gây ra ách tắc giao thường, đường xá ngập lụt, trì hoãn máy bay… Nhưng trước khi viết bài này mình đặt vé đi Phil vào tháng 9 và thậm chí chỉ có một cơn mưa rất nhỏ vào buổi trưa ngày thứ 4 của chuyến hành trình. Còn lại thì thời tiết vẫn đẹp một cách miễn chê.
Dân Philippines phần đông có thể nói tiếng Anh, đặc biệt những vùng du lịch thì đều tốt, những vùng ít du lịch vẫn có thể sử dụng tiếng Anh theo cách đơn giản nhất. Nhưng tiếng Anh hơi khó nghe so với các nước khác trong khu vực. Ví dụ như mình đi đâu cũng được chào là Hello Mum, ha ha, mình nghĩ “Trời ơi, họ yêu quý khách du lịch như mẹ thế á???” nhưng thực ra đó là Hello Madam nhưng phát âm của họ nó vậy.
Đơn vị tiền tệ ở Phil là Peso (viết tắt là PHP), quy đổi cứ 1k tiền Việt thì được hơn 2PHP một tý. Đi du lịch Phil thì các bạn mua USD mang theo, đến sân bay thì đổi peso, cứ đi 1 vòng quanh các quầy đổi thấy quầy nào hời hơn thì đổi. Kinh nghiệm của hội mình là đổi ở sân bay được giá hơn đổi ở trong thành phố. Các khu du lịch thì vào chợ đổi được giá hơn tý nữa. Đợt tháng 9 vừa rồi, trung bình tỷ giá mình đổi là 1USD=46,5 PHP.
Giao thông ở Philippines
Ở Philippines có khi nhiều loại hình phương tiện công cộng hơn cả Việt Nam: taxi, bus, jeepney, tricycle, UV Express… và tình hình giao thông thì hỗn loạn, có vài thời điểm mình còn thấy Việt Nam quả là hạnh phúc.
Mình đã thử tất cả các loại này chỉ trừ có Jeepney là chưa vì hội mình đi nhóm đông, đi xe riêng có lợi hơn.
Taxi ở Philippines
Đi taxi ở Manila các bạn cần hết sức cảnh giác và cảm giác cá nhân mình là hết sức căng thẳng. Đầu tiên đứng vẫy là phải đúng chỗ, ở các khu vực TTTM, có hẳn khu xếp hàng để gọi taxi, các điểm này lại còn chia ra là đi về phía Bắc hay đi về phía Nam…, đứng nhầm điểm thì mất công xếp hàng mấy chục phút. Nếu ở những chỗ không phải TTTM thì đứng lề đường vẫy cũng được nhưng chú ý có phải đường 1 chiều không, phía đó có được dừng đỗ không… Tiếp theo là vẫy được cái taxi rồi phải trình bày là “tôi muốn đi chỗ nọ chỗ kia…” tài xế okie đi thì mới lên còn không thì… mình bị từ chối nhiều lần quá rồi. Đọc trong các loại cẩm nang đi du lịch Phil thì các bạn đều khuyên là nên “meter, pls” nhưng thực là ban ngày, vào giờ thấp điểm thì tài xế họ đồng ý nhưng vào giờ cao điểm hoặc đến các khu vui chơi, mua sắm, điểm du lịch thì họ cũng chả đồng ý đâu. Không đi thì lại mời các bạn xuống, vẫy 1 cái taxi khác. Nên kinh nghiệm của mình là, trả giá trọn gói cũng được, xem trước bản đồ, áng chừng khoảng cách quãng đường mình cần đi, quy ra tiền Việt thấy hời hơn là mình đồng ý đi liền. Nhưng cũng có 1 vài trường hợp đắt gấp mấy lần Việt Nam đấy ạ. Ah, lại còn có cả đồng ý meter rồi nhưng lúc đi đến quãng đường vắng thì tài xế quay ra bảo “chỗ này xa lắm, tao không đi meter đâu, giá là…, có đồng ý thì đi tiếp, không thì thôi, mời các bạn xuống xe”. Taxi cũng có loại 7 chỗ nhưng hơi hiếm, đa phần là 4 chỗ. Ngoài ra, đi chơi tối về mà bắt taxi thì giá gấp mấy lần ban ngày, ban ngày đi ra Mall of Asia chơi chỉ có 150peso từ Makati nhưng lúc về hội mình đã phải trả tới 500peso. Hoặc hôm ra sân bay vào buổi tối, mình bắt taxi mà có xe đòi tới 1000peso và có cả tài xế hỏi mình là “trả được bao nhiêu tiền?”
Jeepney
Ở Manila có cái xe này rất hay, nó giống như xe bus ấy, cứ thấy có người đứng ở đường, có vẻ đang đợi xe là sẽ dừng lại để hỏi, giá là 8peso cho mỗi 4km đầu tiên, 50cent cho mỗi km tiếp theo. Cái xe này giống cái xe lam hay cái xe lôi của mình, nhưng dài hơn và sặc sỡ hơn, nhìn rất vui mắt. Đi cái này cũng dễ, cứ nhìn ở thành xe có tên đường hoặc khu vực mình cần đến thì leo lên, hô điểm đến và trả tiền thôi. Nếu nhìn khó hiểu quá thì có thể hỏi lái xe hoặc phụ lái (kiểu lơ xe ở mình).
Tricycle
Cái này giống kiểu xích lô nhà mình, là một cái thùng, gắn vào 1 cái xe máy hoặc 1 cái xe đạp. Khách sẽ ngồi vào trong cái thùng đó, có mái che đàng hoàng nhưng trời mưa thì vẫn ướt. Vì ngồi trong cái thùng đó khá thấp, sát mặt đường nên cảm giác cũng hơi ghê nếu lái xe đi nhanh và qua những đường cua. Xe này ở Manila thì chỉ đi những quãng đường ngắn, quanh quanh khu phố, khoảng vài chục peso một lần đi thôi.
Xe bus
Bus nội thành Manila thì chỉ có 1 tuyến đi qua các TTTM, từ Greenbelt đến MegaMall, Trinoma, SM North… vé khoảng 12-16peso.
Xe UV Express cũng là 1 loại xe bus nhưng nhỏ hơn, nhiều tuyến hơn.
Bắt xe bus ở Manila thì có các trạm xe bus trong nhà, chia ra làm mấy tầng, giờ cao điểm thì xếp hàng rồng rắn nguyên cả tòa nhà luôn ạ. Mình nhìn mà phát hoảng vì không biết bao giờ mới đến lượt mình được lên xe.
Tàu MRT/LRT
MRT/LRT thì có 2 tuyến, MRT đi dọc các mall còn LRT đi các trường học, Intramuros, ChinaTown, Rizal Park…
Giá vé từ 13peso trở lên, cũng khá đắt mà lại đông, giờ cao điểm xếp hàng còn hơn cả xe bus nên mình cũng chưa thực tế loại phương tiện này. Nhiều khách du lịch còn kêu than về tình trạng mất mát ví, điện thoại, tiền… khi đi nên các bạn cũng không nên thử.
Du lịch bụi Philippines
NGÀY 1: HÀ NỘI – MANILA
Tất cả các chuyến bay của Cebu Pacific đều là lúc 1:00 AM và Philippines ở múi giờ GMT+8 nên khi các bạn đặt chân đến sân bay Ninoy Aquino International Airport (NAIA) – Terminal 3 là khoàng 5h sáng. Như vậy các bạn sẽ có nguyên 1 ngày để chơi ở Manila.
Khi xuống máy bay các bạn sẽ ở tầng 1 (sảnh đến), nếu các bạn đi taxi về khách sạn mình đã book thì nên đi lên tầng 2 (sảnh đi) để bắt taxi. Vì tầng 1 có taxi service nhưng giá rất cao, từ sân bay về khu vực Makati là khoảng 800peso trong khi bắt taxi ở tầng 2 có không đi meter thì cũng chỉ khoảng 200peso. Đây chính là cái lúc mình lên xe, tài xế đồng ý đi theo meter nhưng ra đến đường ngoài thì nói lại, bảo 300peso nên mình đã trả giá là 200.
Khách sạn ở Manila
Các khách sạn giờ check in đều khoảng 2h chiều trong khi chuyến bay đến từ rất sớm nên nếu dư dả các bạn có thể email cho khách sạn thuê thêm nửa buổi. Hoặc như hội mình tính là đến khách sạn gửi đồ, đánh răng rửa mặt và đi chơi luôn. Nhưng vì hội mình thuê những 3 phòng nên khách sạn đã rất linh hoạt, thu xếp cho nhận 1 phòng trước để cả nhóm vào nghỉ ngơi.
Thủ đô Manila rất rộng lớn và chia thành nhiều khu vực, mỗi khu vực đều được gọi là “city”, ví dụ như Makati City, Malate City, Quezon City, Pasay City…
https://vi.wikipedia.org/wiki/Manila#/media/File:Ph_map_manila.svg
Theo nhiều nguồn thông tin thì ở khu vực Makati là an toàn và sạch sẽ. Thế nên hội mình đã thuê phòng ở Block Boutique and Residences, ngay gần Makati City Hall. Phòng rất đẹp, sạch sẽ, phong cách đơn giản nhưng tiện ích, giá chưa có phí là 1500peso/ phòng đôi và 2000peso/phòng 3. Giá này so với mặt bằng chung khách sạn ở Manila là giá rất tốt.
Nếu các bạn thích gần vịnh Manila thì chọn khu Malate. Khu vực đó có ParagonTower Hotel, Riviera Mansion Hotel, Red Planet Ermita là những khách sạn được nhận xét tốt và giá tính ra dưới 1triệu/đêm cho phòng đôi.
Khu vực Quezon thì các bạn không nên ở vì có nhiều ý kiến cho rằng khu vực đó an ninh rất kém.
Tham khảo các khách sạn ở Manila
Khách sạn Paragon Tower Hotel (khu Ermita), giá phòng cho 3 người là 2,750 Peso/ người/ đêm. Nhân viên nhiệt tình, xung quanh khách sạn có nhiều quán ăn, cửa hàng tiện lợi. Xem tình trạng và giá phòng chi tiết tại đây.
Hệ thống khách sạn Tune của Air Asia. Trong đó có Tune Hotel Ermita, một khách sạn mới xây, nhiều bạn cũng commend khách sạn này. Vì mới xây nên có khuyến mãi (giá khoảng 800k/room night/2 người). Lưu ý là Tune Ermita mới hơn Tune Makati mà lại gần mấy khu thành cổ hơn, nhưng bạn nên cẩn thận khi ra đường ở khu này, vì an ninh không tốt cho lắm, gọi là cảnh giác thôi. Nếu có điều kiện hơn thì bạn ở Tune Makati, xem thêm giá phòng Tune Makati ở đây.
Khách sạn Malate Pensionne. Khách sạn này ở khu Malate nên đi lại cũng tiện. Phòng quạt, 2 người cũng khá thoải mái. Toilet chung nhưng không có gì đáng phàn nàn. Nhưng không có free wifi. Mỗi lần vào mạng 1 tiếng phải mua cái thẻ với 90 Php. Giá phòng các bạn check tại đây.
Với các bạn lưu trú theo giờ ở Manila thì có thể book SOGO Hotel, họ có bảng giá phòng theo giờ, quá tiện cho những bạn chỉ lưu lại tắm rửa trong lúc đợi tàu xe, máy bay. Xem tình trạng và giá phòng của Sogo tại đây.
CSB hotel một khách sạn đáng tiền với giá khoảng 55$/ đêm không bao gồm ăn sáng. Hotel này ở được, phòng rộng, nội thất từ hồi xửa hồi xưa, yên tĩnh, nhân viên nhiệt tình. Thông tin về khách sạn bạn xem ở đây
Xem thêm một số khách sạn khác ở Manila
NGÀY 2: KHÁM PHÁ MANILA
Thành cổ Intramuros
Ngày đầu các bạn nên dành cả ngày để tham quan thủ đô Manila. Và điểm đến đầu tiên là thành cổ Intramuros.
Intramuros là một khu phố cổ với tường thành xung quanh và có hào sâu phái bên ngoài, khu vực này mang đặc trưng kiến trúc Tây Ban Nha. Đây là trung tâm chính trị của chính phủ Tây Ban Nha và Mỹ trong suốt những năm cai trị thuộc địa Philippines.
Từ Makati các bạn bắt taxi tới Intramuros mất khoảng 150peso, các bạn nên đi vào buổi sáng để chụp ảnh đẹp hơn và không bị quá nắng vào buổi trưa.
Khu phố với những công trình kiến trúc rất nổi bật như nhà thờ chính tòa Manila, nhà thờ Saint Augustin, pháo đài Fort Santiago… hết sức hoành tráng.
thanh co intramurosBên cạnh đó là những tòa nhà mang đậm dấu ấn kiến trúc Châu Âu như Casa Manilla, hiện được chia thành nhiều phần nhỏ và cung cấp các dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, cà phê, bán đồ lưu niệm hay cho thuê xe đạp…
Một điểm nổi bật trong khu thành cổ này chính là những con đường lát đá, đi bộ hay đi xe ngựa dạo quanh những con đường này khiến bạn như đang lạc vào một không gian khác, một thời gian khác.
Dịch vụ tham quan thành cổ bằng tricycle hoặc xe ngựa rất nhiều, tập trung đông ở bên hông nhà thờ Saint Augustin. Những người làm dịch vụ sẽ đưa bảng giá ra chào bạn với mức giá là 200peso/vòng quanh thành cổ bằng xe tricycle và 400peso/vòng quanh thành cổ bằng xe ngựa trong vòng 30’. Nhưng hầu hết các dịch vụ ở Philippines đều có thể trả giá được. Ngoài ra, sau khi đã trả tiền dịch vụ thì đều trả thêm cả tiền tips nữa, làm cái gì, ở đâu họ cũng xin tiền tips hết, một vài trường hợp chả làm gì cho mình cũng xin tiền tips.
Ngoài ra, cùng trên trục đường này các bạn có thể ghé Rizal Park, ngay cạnh Intramuros – một khu công viên với quảng trường, cây xanh, tượng đài… rất xanh mát ngay giữa lòng thành phố. Tới chiều, các bạn có thể đi bộ tới ChinaTown (Binondo) – khu phố Tàu lâu đời nhất thế giới ngay gần đó và ăn tối luôn tại khu vực này. Tất nhiên, khu vực này các bạn có thể thưởng thức đồ ăn Tàu, một vài quán ăn gợi ý như:
– Umbrella Alley: quán có rất nhiều các món ăn đường phố.
– Dong Bei Dumplings: có món bánh bao rất ngon.
– Mezzamme: quán cà phê được rất nhiều người biết đến.
Nếu không các bạn cũng có thể bắt taxi đi về phía bờ biển để ngắm hoàng hôn trên vịnh Manila – trong số top 5 những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Hoàng hôn trên vịnh xuống rất nhanh, khoảng 4h chiều các bạn đã nên có mặt ở bờ biển để không bỏ lỡ thời điểm mặt trời biến mất khỏi mặt biển. Nếu điều này có trong kế hoạch các bạn cần sắp xếp thời gian của mình.
Xem thêm: Du lịch Boracay (kinh nghiệm chi tiết)
Ăn uống ở Manila
Một trong những mối quan tâm của mình khi đi du lịch chính là việc thưởng thức ẩm thực ở nơi đó, mình tin là các bạn cũng thế. Vì vậy trong ngày đi dạo loanh quanh ở Manila các bạn cũng có thể bỏ túi vài gợi ý nho nhỏ về việc ăn trưa hay ăn tối.
– Ăn sáng:
Ở Manila mình thấy mọi người hay ăn sáng trong các khu chợ. Ở những khu vực này các bạn có thể tìm thấy hoa quả, các loại bánh truyền thống, các món ăn đường phố. Nhưng có vẻ dành cho dân lao động và những người bình dân.
Rất nhiều tiệm bán bánh ngọt ở đầu các khu phố, nhìn khá ngon mắt và rẻ, giá khoảng 10peso/chiếc. Mọi người thường tới tiệm bánh mua để mang đi hoặc mang về nhà ăn. Nhưng về khẩu vị có vẻ hơi quá ngọt so với dân Việt mình.
Phần đông dân công sở Manila mình thấy ăn trong các nhãn hiệu thức ăn nhanh. Tiệm bán đồ ăn nhanh có mặt ở khắp nơi, từ trong các khu TTTM, những tòa nhà mặt tiền lớn, các ngã tư cho tới trong ngõ cũng thấy đồ ăn nhanh. Người dân Manila ăn sáng, ăn trưa, ăn tối… trong những tiệm này giống như bữa ăn truyền thống của mình vậy. Hội mình đi tìm một nhà hàng mang đặc trưng Phil mà cũng khá là vất vả. Nổi tiếng nhất ở Philippines là nhãn hiệu Chowking, mình thấy có mặt ở khắp các khu phố. Sáng đầu tiên ở Manila mình đã ăn mỳ vằn thắn ở đây, 45peso/bát, giá không đắt, hương vị cũng được nhưng nhìn bát mỳ lơ thơ vài cọng mỳ với 3 miếng sủi cảo làm mình nhớ bát mỳ vằn thắn ở Hàng Chiếu khủng khiếp.
Ở Manila giống ở Quảng Châu là có rất nhiều siêu thị mini Seven/Eleven, các bạn có thể chọn ăn sáng ở đó. Có nhiều món như hotdog, hambuger, bánh bao, bánh ngọt, mỳ cốc… thậm chí nhiều điểm còn có cả cơm trộn, mỳ xào… cả nước uống nữa chứ. Ngày thứ 2 trước khi lên xe đi núi lửa Taal hội mình cũng ăn sáng ở một siêu thị gần nhà cho tiết kiệm thời gian.
– Ăn trưa:
Theo kế hoạch đi thăm Intramuros trong buổi sáng thì hội mình sẽ ăn trưa luôn trong khu vực này. Trong khu vực này việc ăn uống thì các bạn không phải lo lắng. Có quá nhiều các nhà hàng từ bình dân cho tới sang trọng.
Nếu muốn thử cơm ăn cơm đĩa vỉa hè kiểu Philippines các bạn qua phố Postigo St (phía bên phải nhà thờ Chính tòa Manila).
Các nhà hàng thức ăn nhanh chư Chowking, Jollibee, KFC, Max’s, Greenwich… cũng rất nhiều sự lựa chọn ở gần khu vực nhà thờ Chính tòa.
Sang trọng hơn các bạn có thể chọn các nhà hàng trong khuôn viên các tòa nhà cổ, mang đậm kiến trúc Châu Âu như: Casa Manila Patio, Barbara’s (gần nhà thờ Saint Augustin) hoặc Ilustrado trên đường General Luna St. Đây là những nhà hàng được khách quốc tế đánh giá cao về chất lượng món ăn và khung cảnh.mon ngon philippines
– Ăn tối:
Ở phần trên của bài viết mình đã gợi ý các bạn có thể ăn tối ở khu ChinaTown.
Nếu các bạn đi dạo ở bờ vịnh Manila thì có thể đi quá lên khu Mall of Asia chơi và ăn tối ở đó luôn. Gần Mall of Asia là khi chợ đêm Baclaran, khu vực này có rất nhiều các quán hải sản, các bạn có thể mua hải sản trong chợ nhờ họ chế biến, họ sẽ tính công chế biến theo kg, thường là 150-200peso/kg hoặc bạn có thể gọi món luôn trong các nhà hàng này.
Ngay trong Mall of Asia có nguyên cả khu ăn uống là khu tầng 1, cuối tuần người dân Manila tới đây vui chơi, mua sắm và ăn tối đông khủng khiếp. Để có bàn trong những nhà hàng thậm chí bạn phải chờ xếp chỗ ở phía ngoài. Nhưng dịch vụ khá ổn, khi bạn chờ ở ngoài bạn có thể order đồ ngay và khi vào bàn là tất cả các món ăn đã được sẵn sàng rồi. Hội mình đã ăn tối các món thuần Philippines ở nhà hàng Mangan, nhà hàng nhỏ nhưng phục vụ nhanh, các món ăn ngon, hợp khẩu vị, đặc biệt là mấy món bánh truyền thống tráng miệng mình thấy rất ngon, giá khoảng 250-300peso/người.
Ngoài ra, nếu các bạn ở khu vực Makati thì có thể ăn tối trong công viên Ayala Triangle. Khu vực nhà hàng trong công viên có không gian rất lãng mạn. Có 2 quán được nhiều đánh giá tốt là Kanin Club và Simple Lang. Hội mình đã ăn tối ở Kanin Club, các món ngon, đầy đặn, trình bày đẹp, giá khoảng 400peso/người. Trong khu vực này còn một vài nhà hàng nữa, nếu có thời gian, các bạn hãy thử xem sao nhé.
NGÀY 2: MANILA – TAAL VOLCANO
Hồ núi lửa Taal là một khu vực địa hình rất thú vị, cách thủ đô Manila khoảng 65km về phía Nam, thuộc tỉnh Batangas. Nhưng từ Manila thì cứ bắt xe đi Tagaytay là tới được khu vực này. Taal là ngọn núi lửa hoạt động thất thường nhất trong tổng số 22 núi lửa của khu vực Luzon, lần phun trào gần đây nhất vào năm 1977, vì vậy khi các bạn đi tham quan nhớ hỏi trước thông tin ở khách sạn.
Taal là ngọn núi lửa thấp và nhỏ bé nhất thế giới, xét về mức độ nổi tiếng thì chỉ sau Pinatubo ở Philippines nhưng vì hội mình đi vào tháng 9, đúng mùa mưa nên không dám mạo hiểm đi Pinatubo mà quyết định đi Taal.
Điểm đặc sắc của Taal chính là đây vốn là 1 cái hồ lớn, vào đợt phun trào năm 1911 đã làm xuất hiện một hòn đảo nhỏ, hình nón cụt có cạnh sắc nhọn, mọi người gọi đó là Taal Volcano, trên đỉnh Taal Volcano này có tới mấy miệng phun nhỏ và một trong những miệng phun đó đã tích đọng nước mưa qua nhiều năm nên hình thành một cái hồ nhỏ. Như vậy quần thể này chính là hồ ở trên núi, trong hồ có một ngọn núi lửa và trên ngọn núi lửa lại có một cái hồ nữa. Nghe có vẻ rắc rối nhưng khung cảnh phải nói là tuyệt đẹp.
Đầu tiên, hội mình định mua tour đi vì đoàn toàn con gái, cho đỡ vất vả, giá tour mình tham khảo được là 4500peso/người. Tính ra như vậy thì đắt quá nên hội mình đã tự đi.
Sáng ngày thứ 2, sau khi ăn sáng xong xuôi ở siêu thị 7/11 gần khách sạn, cả hội bắt taxi ra bến xe bus DLTB Bus Terminal ở góc đường Taft Ave với Gil Puyat Ave và bắt xe đi Tagaytay. Khi lên xe các bạn cứ nói đi Taal Volcano phụ xe sẽ trả các bạn xuống đúng chỗ đầu đường đi tới bến thuyền. Vé xe bus là 83peso/người.
Xe bus ở Manila quả là một trải nghiệm đáng nhớ đối với bản thân mình. Đường từ Manila tới Tagaytay khoảng 65km nhưng quãng nào đường cũng đông, xe cứ chạy 3 bước lại phanh 1 bước, liên tục dừng lại để đón và trả khách. Các gia đình có con nhỏ muốn đi tham quan điểm này hoặc các bạn là đoàn đông trên 10 người thì mình nghĩ thuê xe riêng đi từ khách sạn thì hơn.
phượt Philippines
Xuống xe bus, anh lơ xe giao cả hội luôn cho 1 anh lái xe tricycle để mời chào chở vào bến thuyền. Giá 1 xe tricycle đi vào bến thuyền là 150peso, có thể chở được 3-4 người. Còn giá chiều đi ra là 250peso/xe, anh ấy có giải thích là lúc đi vào đường xuống dốc còn lúc đi ra phải lên dốc, đi khá khó khăn, hội mình thấy cũng hợp lý nên đã đồng ý luôn. Quãng đường từ lúc xuống xe bus tới bến thuyền khoảng gần 10km đường đèo dốc như kiểu đường đi Tam Đảo vậy, mà phương tiện đi vào đây không có gì khác ngoài tricycle.
Đến đường sát hồ thì mỗi nhà hình như đều là một bến thuyền. Kinh nghiệm đọc được ở khắp các trang mạng của mình là cứ trả giá 1700-2000peso/thuyền (tối đa cho 6 người) + 500peso/ngựa lên núi + 50peso phí môi trường, tính ra cũng gần 1000peso/người. Mà mình bắt đầu thấy nản với màn trả giá ở khắp nơi trên đất Philippines, các loại hình dịch vụ đều phải trả giá, trả giá nhiều đến nỗi có khi vì khách du lịch thích trả giá nên các dịch vụ ở Phil mới nói thách đến như vậy. Cuối cùng hội mình quyết định mua trọn gói các loại phí kể trên với giá 1000peso/người, cả ăn trưa là cả hội 7 người hết 9000peso.ve tham quan Taal volcano
Nhà chủ bến thuyền bán tour này cho hội mình giải thích rất rõ ràng là đã bao gồm phí tàu, guide, phí ngựa, môi trường… được cho mượn mũ rộng vành, tặng 1 khẩu trang, he he. Và cả “nếu các bạn hài lòng với dịch vụ thì nhớ tips”.
Đầu tiên các bạn sẽ đi thuyền Bangka qua hồ trong vòng 30’, nhớ mặc áo phao đầy đủ nhé.
Tới chân núi, hướng dẫn sẽ lấy vé và đưa bạn tới khu vực lấy ngựa, các bạn cưỡi ngựa lên đỉnh núi cùng với một người dẫn ngựa, quãng đường lên đỉnh núi chưa đến 1km nhưng nhiều đoạn dốc cao, đường hẹp, đá lởm chởm.
Các bạn thích leo núi thì leo bộ lên cũng được, tiết kiệm được hẳn 500peso + tiền tips. Đi ngựa lên mới thấy tại sao tour trọn gói lại được tặng khẩu trang, vì đường đi rất bụi và nhiều mùi phân ngựa. Và cái mũ rộng vành được cho mượn thật là có ích vì trời quá nắng, ngoài ra lại rất thời trang nữa, rất hợp với việc cưỡi ngựa.
Guide thì có một vài người nói tiếng Anh tốt và chịu khó nói chuyện với khách nhưng có một vài người không mặn mà lắm với việc chỉ dẫn hay nói chuyện, hoặc cũng có thể họ không nói được tiếng Anh. Cậu bé guide của mình có vẻ khá nhỏ tuổi, mình hỏi vài câu cũng thấy ừ hữ chứ cũng không thấy nói câu nào.
Đến đỉnh núi, các bạn sẽ được mời chào uống nước với giá khá cắt cổ là 100peso/chai, trả giá thì họ mời cocacola với giá 50peso/chai. Vì vậy các bạn nên mang theo nước đi để uống, hội mình không uống nước ở đó nhưng mấy người bán nước đó đeo bám, mời chào mua nước cho guide, việc này mình chả thấy vui lắm.
Từ đó leo theo 1 cầu thang đá là tới đỉnh ngọn núi và có thể ngắm nhìn toàn cảnh cái hồ nhỏ trong lòng núi lửa. Khung cảnh phải nói là rất đẹp, nó còn đẹp hơn nữa nếu như không có mấy người cứ gọi mình lại để chụp ảnh cho mình rồi mời mua với giá 250peso/cái. Cả lúc đi ngựa guide cũng cho mình đứng lại mấy lần để chụp ảnh. Nếu muốn mua ảnh làm kỷ niệm các bạn có thể trả giá 100peso/cái.
Hội mình đi khá chậm chạp và la cà thành ra không có thời gian để khám phá thêm các điểm khác ở Tagaytay, còn nếu các bạn có nhiều thời gian, có thể ăn trưa trong thị trấn, tham quan một vải điểm quanh đó như: People’s Park In the Sky, Picnic Grove, Sky Rance…
taal volcano
Lúc quay về xe tricyle đưa hội mình ra đúng bến xe bus để bắt xe về Manila, nhưng do không chú ý nên hội mình đã bắt nhầm xe bus kiểu nội thành chứ không phải xe bus hãng như lúc sáng, giá vé thì rẻ hơn, chỉ có 76peso/người nhưng đi thì la cà thôi rồi.
Như vậy tính tổng chi phí cho việc đi Taal Vocalno đối với 1 người, tự đi sẽ rơi vào: 170peso vé xe bus + 150peso xe tricycle + 300peso thuyền + 500peso ngựa + 50peso phí môi trường + 300peso ăn trưa + 200peso tips = 1570peso/người (chưa tính nước uống, chụp ảnh…) Tiết kiệm được khối so với mua tour trọn gói từ Manila nên các bạn cứ cân nhắc nhé.
NGÀY 3-4: DU LỊCH BORACAY
Từ Manila đi Boracay, các bạn cần mua vé máy bay nội địa. Vì vậy trong phần này mình sẽ đưa thông tin cụ thể về việc này.
Đi và đến Boracay
Boracay được coi là thiên đường nghĩ dưỡng của Philippines, nơi có White Beach – một trong 10 bãi biển đẹp nhất thế giới. Chính vì lý do đó, lần đầu đến Philippines các bạn nên chọn du lịch Boracay, những lần sau đến Phil các bạn có thể tới Cebu, El Nido…
Muốn tới được Boracay đầu tiên phải bay đến đảo Aklan, nơi có 2 sân bay là Caticlan và Kalibo. Sân bay Catilan gần bến tàu sang Boracay hơn, chỉ cách 1 quãng đường đi bằng tricycle, còn sân bay Kalibo thì cách bến tàu khoảng 70km. Cebu Pacific khai thác sân bay Caticlan còn AirAsia khai thác sân bay Kalibo. Giá vé máy bay của AirAsia thì luôn rẻ hơn, có thể do sân bay đó xa hơn, nhưng Cebu thì tiện lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, bay bằng Cebu thì chiều Manila – Caticlan bao giờ cũng rẻ còn chiều ngược lại nhiều khi đắt hơn đến mấy lần. Nên hội mình đã quyết định lúc đến thì bay Cebu, lúc về thì bay AirAsia, vừa tiết kiệm, vừa có cơ hội đi dọc đảo Aklan. Giá vé cho chặng này khoảng 1tr5 khứ hồi. Nếu đi cả 2 chiều AirAsia thì chỉ có gần 1tr/khứ hồi thôi.
Và có một điểm cần lưu ý là bay nội địa Phil các bạn chỉ được mang 5kg hành lý xách tay thay vì 7kg xách tay như bay quốc tế. Vì vậy các bạn cần chú ý, nếu quá cân phải mua thêm hành lý ký gửi.
Sáng ngày thứ 3, hội mình trả phòng khách sạn từ rất sớm và ra sân bay. Tới Caticlan mới có 8h sáng. Vừa di chuyển từ máy bay vào tới trong nhà thì gặp ngay 1 quầy information, nhân viên mời mình vào ghi thông tin các thành viên trong đoàn, mình ghi xong xuôi thì họ bảo mình nộp 550peso/người. Hóa ra là dịch vụ vận chuyển ra đảo và đến khách sạn trọn gói. Mình kiên quyết không mua và đi thẳng ra cửa thì họ vẫn chèo kéo kêu sẽ giảm giá cho mình. Nhưng các bạn nhớ là đừng có mua nhé. Đi ra khỏi cửa, rẽ bên phải sẽ có 1 quầy bán các loại phí bao gồm: 80peso/xe tricycle (1người đi lẻ thì 40peso) + 25peso tàu.ve tham quan philippines
Đi đến bến tàu các bạn lại phải mua phí bến tàu 25peso+ 75peso phí môi trường.
Sang đến đảo, hội mình gọi 1 chiếc ô tô điện chở cả 7 người về khách sạn đã đặt sẵn với giá 160peso, vậy tính ra mỗi người chưa đến 180peso/người.
Hôm đi về do về bằng AirAsia nên hội mình đi tìm mua vé xe bus đi Kalibo. Thực ra cũng vì toàn người lo xa đi với nhau nên mới tính phải mua vé trước chứ nếu các bạn đi tự túc, các bạn cứ quay về đảo Aklan là sẽ có rất nhiều xe bus đi Kalibo ở bến tàu, giá vé là 250peso/người. Mình hỏi dịch vụ vận chuyển trọn gói của North West là 475peso/người. còn tự đi các bạn sẽ mất gần 400peso. Lúc đó hội mình hơi sợ vụ xe bus đi Kalibo lại giống xe bus đi Tagaytay nên đã hỏi xe riêng di chuyển từ bến tàu tới sân bay Kalibo. Xe có giá 2000peso, tối đa là 10 người, xe mới, đẹp, đi từ bên tàu tới sân bay Kalibo chỉ mất có 1,5h. Nên nếu các bạn nhóm đông, nhiều người thì mình nghĩ thuê xe riêng là vừa tiết kiệm vừa nhàn. Trên đường từ bến tàu ra Kalibo các bạn có thể thương thuyết với tài xế về việc dừng lại để chụp ảnh hoặc rẽ vào đâu đó, tips thêm cho họ 100-200peso.
Liên hệ thuê xe ở đây nhé các bạn:
Ngoài ra, bay bằng AirAsia từ Kalibo về Manila các bạn phải đóng 200peso/người phí sân bay.
Khách sạn ở Boracay
Boracay là một hòn đảo có chiều dài khoảng 7km, từ bến tàu có một con đường chính đi qua Station 3, station 2 tới station 1 là đầu kia của đảo. Đấy chính là con đường phía Tây đảo, con đường đi dọc theo bãi biển White Beach. Trong đó station 2 là khu đông vui, sầm uất nhất, station 1 cao cấp hơn, vắng vẻ, yên tĩnh và giá khách sạn, resort cũng cao hơn. Khách du lịch Boracay thì thường thích ở station 2 cho trung tâm. Nhưng hội mình đã chọn ở bãi biển Bulabog, có nghĩa là bãi biển phía Đông. Từ bãi biển Bulabog chỉ đi qua 1 con đường nhỏ vài trăm mét là ra tới White Beach khu vực station 2 nên hội mình thấy không có gì đáng ngại cả. Mà bên phía bãi biển Bulabog vắng vẻ, yên tĩnh và cũng đẹp chả kém.
Giá khách sạn ở khu vực station 2 mặt bằng chung khoảng 700k-1 triệu/ phòng đôi nhưng phía bãi biển Bulabog do ít khách ở hơn nên giá phòng thấp hơn. Hội mình ở LEVANTIN Resort, ngay sát biển, có không gian khá đẹp, phòng tiện nghi, phục vụ thì phải nói là tuyệt, mà chỉ có gần 600k/phòng đôi.
Giá này không gồm ăn sáng nhưng có đồ uống chào mừng khi bạn check in. Mình thấy giá này quá hợp lý cho một phòng ở vị trí này. Gần đó có mấy resort mình thấy còn đẹp hơn và giá cao hơn như 7Stones. GEMS… có cả bể bơi nữa. Đi sâu vào trong ngõ 1 chút có Lazy Dog Bed and Breakfast được khách du lịch quốc tế đánh giá rất cao, giá phòng khoảng 7-800k/ phòng đôi nhưng xét về độ sạch sẽ thì mình đánh giá không cao. Nhưng khách châu Âu có vẻ đánh giá cao nơi này về mặt décor độc đáo. Phòng ở đây có bao gồm ăn sáng khá ngon. Xem thêm thông tin chi tiết giá phòng Levantin resort tại đây
Phía White Beach station 2 thì không nhiều khách sạn sát biển vì khu sát biển được tận dụng mở bar, nhà hàng, quầy bán đồ lưu niệm…các khách sạn, resort nằm trong những ngõ nhỏ, và đều có décor khá thu hút. Mỗi khách sạn đều có điểm nhấn ở đâu đó, như ở tranh 3D trên đường, ở giàn hoa trước cổng, ở khu vực bể bơi, ở khu vườn với những cái đèn… đều khiến mình cảm thấy rất thú vị.
Một số khách sạn và Guest house bạn nên tham khảo qua.
La Carmela de Boracay Hotel
Khách sạn La Carmela de Boracay Hotel nằm tại station 3 khu white beach, thuận lợi cho đi lại và ăn uống, cách bãi biển 5 phút đi bộ, tất nhiên tricycle có thể ra vào dễ dàng. Phòng khách sạn không phải là quá đẹp, vì nó là khách sạn 2 sao tiêu chuẩn, nhưng bù lại phòng sạch sẽ và ngăn nắp. Nói chung khách sạn có khá nhiều review tốt trên mạng. Giá đặt phòng khoảng 1,1 triệu trong mùa cao điểm tháng 4. Các bạn có thể xem ảnh room và giá phòng tại đây.
Hannah Hotel
Khách sạn Hannah nằm tại Station 1, đằng sau Nhà thờ, khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao. Chủ sở hữu tên là Hannah, có lẽ vậy nên khách sạn đặt theo tên của chủ luôn. Khách sạn khá than thiện khi cho bạn mượn khăn tắm và mũ khi ra biển (cách đó 2 phút đi bộ), cách D’mall 10 phút. Giá phòng từ 900k – 1t2 cho 2 người. Phòng ốc có dạng standard và deluxe (được trang trí bằng tre khá đẹp mắt). Một chỗ hợp lý cho kỳ nghỉ ở Boracay. Để xem giá phòng bạn tham khảo tại Agoda.vn.
Taj GuestHouse có nhiều comments trên mạng khá tốt. Nếu bạn đi vào mùa cao điểm tháng 4 sẽ full book, do đó nếu có dự định thì bạn nên đặt sớm, giá phòng ở Taj GuestHouse bình quân từ 1000 – 3000 peso/đêm, tùy vào phòng quạt hay phòng máy lạnh, phòng 2 hay 4 người, mùa cao điểm hay thấp điểm. Bạn có thể contact với Taj GuestHouse qua facebook : facebook.com/pages/Taj-Guesthouse-Boracay. Nhược điểm khi đặt guesthouse này là không có trên Agoda, nên bạn phải viết mail book phòng, sau đó là thủ tục lằng nhằng để chuyển deposit. Tất nhiên bạn có thể mail nói qua 1 vài lý do để không phải chuyển deposit, nhưng cũng ít khi được lắm.
Frendz Resort frendzresortboracay.com.Ở boat station 1, gần biển, chỗ này dân đi bụi rất thích vì giá rẻ và đông vui, dịch vụ cũng ok. Có phòng private và có phòng ghép chung với người khác. Để đặt phòng bạn cần đặt cọc trước 10%, số còn lại thanh toán khi nhận phòng.
Xem thêm một số khách sạn khác ở Boracay tại đây
Chơi gì ở Boracay
Tất nhiên, số 1 là bơi. Bãi biển xanh ngắt với cát trắng, nắng vàng quả là nơi lý tưởng để bơi.
Nhưng nếu đến Boracay chỉ để bơi thì quả là lãng phí. Ở đây giống như thiên đường các trò chơi dưới nước cho các bạn lựa chọn: đi thuyền buồm, lướt sóng, chơi thuyền chuối, dù bay… Đi nhóm lớn thì lại càng nên chơi mấy trò này, tha hồ vui luôn. Ngay tại bãi biển đều chào bán các loại dịch vụ này, có catalogue đầy đủ.
Các bạn chỉ cần trả giá một cách hợp lý, vừa túi tiền của mình mà vẫn cảm thấy thoải mái là được. Mình nhắc lại là đừng có quá máy móc là đọc kinh nghiệm ở trang nọ trang kia thấy chỉ trả giá 1/3 thôi và cứ làm theo như thế thì cũng khó mà hài lòng cho cả 2 bên, bên bán và bên mua dịch vụ được. Có vẻ người dân ở đây cũng thích tăng giá vì lý do là khách du lịch thích trả giá thì phải. Có một trò khá vui là Helmet Diving, các bạn sẽ đội một cái mũ lặn và đi bộ dưới biển cùng với những con cá vây quanh mình. Tour này có giá 1500peso và bạn được tặng kèm ảnh lưu niệm. Nhưng cũng vẫn có thể trả giá.
Các tour đi đảo cũng là một lựa chọn đáng để thử. Một tour nhận được nhiều phản hồi tốt là Hoping Island Tour. Cái này các bạn có thể mua tour ghép đoàn lớn, giá khoảng 1600peso/khách bao gồm ăn trưa buffet trên tàu. Hoặc mua tour riêng cho cả nhóm. Tour tàu riêng cho cả nhóm thì các bạn có thể lựa chọn, đi trong bao lâu và những điểm nào. Đầu tiên tour sẽ đưa bạn tới khu vực lặn ngắm san hô, các bạn có thể bơi và lặn bao lâu tùy thích.
Nước biển trong có thể nhìn thấy tận đáy và cảm giác chạm được vào san hô ấy.
bãi biển boracay
Có thể mua nước dừa của những bè trên biển để thưởng thức ngay trên tàu, cảm giác khá là thú vị.
Phần 2 của tour là tham quan đảo, có thể chọn đảo Crystal Cove hoặc Crocodile Island, nhưng mọi người đều nói Crystal Cove to và đẹp hơn.
Crystal Cove là một hòn đảo kết hợp những hang động tự nhiên với những công trình nhân tạo bằng đá.
Những hang động này phải đi xuống bằng những bậc thang đá, những lối đi rất hẹp nhưng mở ra cửa hang lớn và các bạn có thể tiếp tục bơi ở những khu vực này.
Có 3 cái hang tất cả và đẹp nhất là hang thứ 3 với cầu thang dựng đứng sát vách đá. Phía trên có cắm chòi bằng tre nứa để mọi người có thể ngồi ngắm cảnh nếu không muốn bơi.
Các bạn có thể thương thảo về thời gian khi mua tour và mang đồ ăn đi để ăn trưa ngay trên đảo. Trên đảo cũng có nhà hàng nhưng có vẻ ít khách ăn trong nhà hàng đó.
Nếu mua tour riêng các bạn sẽ mất các loại chi phí bao gồm: thuyền 2800-3400peso (tùy vào số người, dưới 6ng hoặc 6 đến 10 người), thuê đồ lăn gồm kính và ống thở 40peso/bộ, phí lặn 20peso/người, phí vào đảo 200peso/người. Phí vào đảo Crocodile thì thấp hơn, chỉ có 100peso/người. Tour này nhân viên ở khách sạn mình ở tư vấn rất nhiệt tình nên hội mình đã mua luôn ở khách sạn. Còn nếu các bạn không mua ở khách sạn thì chỉ cần đi lại trên phố là sẽ có người mời chào ngay lập tức. Mình thậm chí còn cảm thấy người dân ở đây mời chào hơi thái quá.
Ngoài ra, nếu có nhiều thời gian, các bạn có thể tham gia học một khóa lặn sâu với giá 7000peso, rất nhiều khách du lịch đến đây để lặn sâu, đặc biệt là khách Hàn Quốc.
Thuê một chiếc xe đạp, đi dạo xuyên đảo cũng là một lựa chọn thú vị khác. Như vậy các bạn có thể tới cả những khu vực không có khách du lịch, hòa mình với người dân nơi đây và cuộc sống thường nhật của họ.
crystal cover boracay
Ăn uống ở Boracay
Khu vực station 2 sôi động cả ngày lẫn đêm với quá nhiều sự lựa chọn. Các món Âu, món Á, các nhà hàng sang trọng và cả các quầy bán đồ ăn nhanh. Hải sản thì đảo có tôm hùm ăn ngon và rẻ. Nhưng nếu ăn ở các nhà hàng này thì chỉ có đồ đông lạnh mà thôi. Nếu muốn ăn đồ tươi sống thì các bạn có thể ghé chợ hải sản D’Talipapa ở ngay gần D’mall. Từ D’mall đi xe điện ra đó mất 10peso/người.
Chợ này thì trả giá rất kinh khủng, thái độ người bán cũng không thân thiện mấy đâu nên các bạn cũng phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực chợ búa thì hãy dấn thân vào. Còn không thì có khi ăn ở nhà hàng cho lành. Tôm hùm khoảng 1500peso/kg, tôm to bằng bàn tay khoảng 300peso/con (ở đây họ tính theo con). Cũng cần đề phòng người bán hàng đồng ý bán giá này nhưng sau sẽ chọn cho mình con bé hơn nhiều hoặc họ chọn cho mình toàn con chết. Nói chung chợ búa là phức tạp.an gi o philippines
Các bạn có thể mang hải sản ra những nhà hàng trong chợ để họ chế biến cho, giá khoảng 150peso/kg. Hội mình thì mang về khách sạn, nhờ khách sạn chế biến và thưởng thức ngay tại bờ biển, phục vụ chu đáo, không gian lung linh, siêu lãng mạn, nhưng giá chế biến thì ở mức 300peso/kg.
Khu vực đảo này hoa quả nhiều nhất là chuối, dứa, dừa nhưng đều không ngon bằng mình, chỉ đặc biệt có xoài là ngon hơn.
NGÀY 5: BORACAY – MANILA – HÀ NỘI
Ngày cuối cùng của chuyến hành trình sẽ dành cho những chuyến di chuyển đi về, và một phần không nhỏ của ngày cuối này chính là shopping.
Vì chuyến bay Kalibo – Manila của hội mình 1h chiều đã hạ cánh mà chuyến Manila – Hà Nội phải 10h tối mới bay nên hội mình sẽ dành một buổi chiều để chơi trong TTTM.
Lúc này các bạn đang rất lỉnh kỉnh hành lý nên mình sẽ có 2 gợi ý cho các bạn.
Số 1 là các bạn chơi ở Mall of Asia, ở đây có cả 1 khu để gửi hành lý miễn phí, các bạn gửi đồ hoàn toàn miễn phí từ 10h sáng đến 12h đêm. Ngoài ra, đây có đầy đủ các loại hình giải trí từ công viên trò chơi, trượt băng, xem phim… tới mua sắm, ăn uống…
Vị trí gửi hành lý ở MOA nằm ngay cạnh sân trượt băng và SM Appliance Center, bản đồ MOA các bạn xem ở đường dẫn: http://www.smmallofasia.com/moa/moamap/index.html?mcid=0&cat=1&str=0&subcat=0
Lựa chọn số 2 là các bạn tới chơi ở khu Greenbelt, đây là một tổ hợp TTTM kết hợp với khuôn viên ngoài trời, rất đẹp và phù hợp với các bạn thích chụp ảnh. Khu vực này bao gồm nhiều tòa nhà như Greenbelt Mall, SM Makati, Glorietta Mall 4. Các bạn vào tầng hầm tòa nhà SM Makati sẽ tìm được điểm gửi hành lý trước cửa siêu thị. Khu vực này cũng là khu vực bán đồ ăn nên có thể ăn trưa hoặc ăn tối ở đây luôn.
Có một vấn đề khi chơi ở những khu vực này đó là vào giờ cao điểm các bạn rất khó bắt được taxi đi ra sân bay từ đây nên các bạn cần kết thúc chuyến mua sắm của mình sớm.
Hội mình 6h30 tối bắt đầu tìm taxi đi ra sân bay và đây chính là lúc các tài xế taxi đòi tới 1000peso cho 5km từ SM Makati tới NAIA3.
Sân bay NAIA 3 thì không được lớn và thu hút lắm, cũng có các cửa hàng miễn thuế nhưng không nhiều như Malaysia hay Singapore thành ra hội minh cũng đỡ tiếc vì ra sân bay quá sát giờ.
5 ngày cho một chuyến du lịch Philippines sẽ khá là thoải mái để các bạn có thể trải nghiệm cảm giác ở một đất nước khác. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn xây dựng được cho mình một chương trình thú vị.