Thành cổ Thăng Long-Hà Nội đã được xếp hạng di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia năm 1999 và nay
ở trung tâm Hà Nội, thuộc quận Ba Đình.
Thành cổ Thăng Long-Hà Nội và các di tích nằm trong khu vực thành cổ đã trải qua hơn 10 thế kỷ, kể
từ thành Đại La tiền Thăng Long và nhất là từ thời vua Lý Thái Tổ (thế kỷ thứ X) đến thời đại Hồ
Chí Minh hiện nay.
Thành cổ Thăng Long-Hà Nội và các di tích lịch sử văn hóa
Kinh thành Thăng Long-Hà Nội đã từng tồn tại trong nhiều thế kỷ. Vào thời nhà Lý, thành Thăng Long
được xây dựng trên vị trí của thành Đại La. Kinh thành Thăng Long hồi đó có mặt phía bắc giáp Hồ
Tây, phía tây giáp sông Tô Lịch, phía đông là đường Lý Nam Đế hiện nay.
Đến thời nhà Trần, thời hậu Lê, thành Thăng Long ở trên vị trí cũ nhưng thay đổi về quy mô và các
công trình ở trong thành. Đến thời nhà Nguyễn, kinh đô được dời vào Phú Xuân (Huế), thành Hà Nội là
Tổng trấn Bắc. Quy mô thành Hà Nội thời kỳ này nhỏ hơn so với trước đó.
Thành cổ Thăng Long-Hà Nội xưa có ba vòng (tam trùng thành quách).
Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm Thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ
nữ. Phần thành này có nhiều tên gọi qua các triều đại: Cung Thành (thời Lý), Long Phượng Thành
(thời Trần) và Cấm Thành (thời Lê). Cửa duy nhất giữa Tử Cấm Thành và Hoàng Thành là Đoan
Môn.
Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng Thành, khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại
trong triều. Giữa Hoàng Thành với Kinh Thành có rất nhiều cửa nhưng đến nay chỉ còn lại một cửa là
Bắc Môn, hiện thuộc địa phận phố Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội).
Vòng thành ngoài cùng đắp bằng đất, gọi là Kinh Thành. Kinh Thành là nơi ở và sinh sống của dân
cư. Nối giữa Kinh Thành với bên ngoài có nhiều cửa.
Thời nhà Lê, kinh thành Thăng Long có 16 cửa ô. Đến thời nhà Nguyễn có 12 cửa ô. Đầu thế kỷ XX còn
5 cửa ô là ô Chợ Dừa, ô Đống Mác, ô Cầu Rền, ô Cầu Giấy và ô Quan Chưởng.
Hiện nay chỉ còn lại ô Quan Chưởng (tên cũ là Đông Hà Môn, nghĩa là cửa sông phía đông), bốn cửa ô
kia chỉ còn trong hoài niệm của người Hà Nội. Dấu vết một số đoạn thành đất của thành Thăng Long
xưa vẫn còn như đường Đại La, đường Hoàng Hoa Thám, đường La Thành.
Tháng 12/2003, kết thúc việc khai quật một phần khu thành cổ, hơn 4 triệu hiện vật đã được phát
hiện. Nhiều tầng văn hóa qua các triều đại Phong kiến từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX về tòa thành Đại
La-Thăng Long-Hà Nội đã phát lộ ra.
Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia,
cũng là di tích đặc biệt quan trọng của Hà Nội và cả nước, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
(đợt I) ngày 12/8/2009.
Bắc Môn
Bắc Môn (Cửa Bắc) là cổng duy nhất còn lại trong khu Hoàng Thành của thành Hà Nội thời nhà Nguyễn,
có chức năng qua lại giữa Hoàng Thành-khu triều chính và Kinh Thành là khu dân cư. Trước kia bên
ngoài của Hoàng Thành còn có con kênh rộng chừng 20m.
Bắc Môn đã hoàn thành việc trùng tu tôn tạo, phục vụ cho du lịch. Tuy nhiên vết tích quả đạn pháo
từ tàu chiến của Pháp bắn ngày 25/4/1873 vẫn giữ nguyên trên mặt tường phía ngoài của chính Bắc
Môn.
Hai cánh cổng bằng gỗ đã được trùng tu, diện tích mỗi cánh 12m2, trọng lượng khoảng 16 tấn, chạy
trên bánh xe bằng đồng nặng chừng 80kg. Ngày nay trên cổng thành là nơi thờ hai vị Tổng đốc Hà Nội
là Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hoàng Diệu.
Hậu Lâu
Hậu Lâu là một tòa lầu (còn có tên Tĩnh Bắc lâu) xây dựng phía sau cụm kiến trúc chính- Hành Cung
của thành Hà Nội. Hậu Lâu nằm ở phía sau và thuộc phía bắc Hành Cung.
Theo phong thủy thì ngôi lầu có ý nghĩa giữ bình yên phía bắc Hành Cung nên mới có tên là Tĩnh Bắc
lâu. Tương truyền xưa kia mỗi lần vua đi tuần du thì lầu là nơi nghỉ ngơi của công chúa nên còn có
tên là lầu Công Chúa.
Đoan Môn
Đoan Môn là tên gốc chưa bị thay đổi, đây là cổng duy nhất nối Cung Thành và Hoàng Thành. Đoan Môn
có cấu trúc theo kiểu tam quan cửa vòm cuốn, có chiều dài 46,5m, ngang kể cả cánh gà 26,5m, cao 6m,
với ba cửa. Cửa chính giữa chỉ dành cho nhà vua qua lại, hai cửa hai bên để cho các đối tượng khác.
Phía trên có vọng lâu được xây kiên cố bằng gạch, đá. Công trình được mở cửa đón khách tham quan từ
năm 2001.
Cột Cờ
Cột Cờ xây dựng năm 1812, dưới triều vua Gia Long, là một trong những công trình kiến trúc nằm
trong khu vực thành cổ Hà Nội còn nguyên vẹn, hiện đang nằm trong khuôn viên Viện Bảo tàng Lịch sử
quân sự Việt Nam.
Cột Cờ cao hơn 40m, hình tám cạnh, đứng trên ba cấp hình vuông. Cấp dưới cùng mỗi cạnh dài 42m,
cấp trên cùng mỗi cạnh dài 13m. Cấp giữa mở 4 cửa, chỉ 3 cửa có tên là Nghênh Húc (đón ánh nắng
mai) ở phía đông, cửa Hướng Minh (hướng về ánh sáng) ở phía Nam và cửa Hồi Quang (ánh sáng phản
chiếu) phía tây. Có cầu thang xoáy ốc, 51 bậc dẫn lên tới đỉnh cao. Đỉnh cột cờ hình khối bát giác
có trụ để cắm cờ.
Cột Cờ đã được trùng tu hai lần: vào tháng 12/1959 và tháng 11/1989.
Điện Kính Thiên và đôi Rồng đá điện Kính Thiên
Điện Kính Thiên, vốn là Trung tâm của Hoàng Thành thời nhà Lê, của thành Hà Nội thời nhà
Nguyễn. Thềm điện gồm 9 bậc, được ngăn thành ba lối lên. Thành bậc ngang 13,7m, dọc 4,45m, cao bằng
nền điện 2,1m, nói lên thế khang trang của điện Kính Thiên xưa.
Rồng đá điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật
điêu khắc thời Lê sơ. Được chạm trổ bằng đá xanh, rồng đá có đầu nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi,
sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau, miệng há nhỏ, ngậm hạt ngọc.
Hai thành bậc ở hai bên thềm điện là hai khối đá chạy dài, chính là hai con rồng được cách điệu
hoá. Nền điện Kính Thiên và đôi rồng chầu đã phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính Thiên
xưa./.