Theo sử sách triều Nguyễn, thì Điện Voi Ré được vua Gia Long cho xây dựng năm 1817, với tên gọi ban đầu là Long Châu Miếu để thờ bốn con voi dũng cảm nhất trong đội tượng binh nhà Nguyễn đã từng xông pha chiến trận lập nhiều công lớn giúp vua Gia Long thống nhất đất nước. Điện được xây dựng ở phía nam đồi Thọ Cương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây Nam, nay thuộc địa phận thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, TP. Huế.
Đường vào điện Voi Ré.
Nguyên tại vị trí xây dựng Miếu Long Châu, trước đây đã có mộ một con voi thời các chúa Nguyễn gọi là Mộ Voi Ré. Truyền thuyết về mộ voi ré được lưu truyền trong dân gian xứ Huế như sau: Trong cuộc chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh, có một dũng tướng nhà Nguyễn cưỡi voi chiến đấu với quân Trịnh bị tử trận, con voi thương tiếc chủ đã chạy về phía nam Đồi Thọ Cương rống lên thảm thiết và chết.
Người dân trong vùng đắp mộ cho con voi trung liệt ấy và gọi là Mộ Voi Ré. Vì thế sau khi thống nhất được đất nước, vua Gia Long quyết định xây Long Châu Miếu ngay tại vị trí mộ voi ré như là đất đắc địa mà loài voi đã chọn, nên dân gian gọi là Điện Voi Ré.
Điện tọa lạc trên khu đất rộng 2.000m2, vòng thành bao quanh rộng 44m, dài 44,6m. Bên trong có nhiều công trình như: Miếu Long Châu nằm ở trung tâm làm theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, gồm năm gian hai chái, mái lợp ngói liệt, tiền đường kiểu vỏ cua, diện tích 156m2, dài 13m, rộng 12m. Bên trong trang trí bằng hệ thống liên ba bằng gỗ với 104 ô hộc chủ yếu là chữ Thọ theo lối triện và hoa lá chim muông.
Chính giữa ngôi miếu là một bức hoành phi khắc nổi ba chữ Hán màu vàng “Long Châu Miếu”. Hai bên Miếu Long Châu là Đông Phối Điện và Tây Phối Điện, xây bằng nhau để thờ Voi gồm 2 gian 2 chái, dài 7,6m, rộng 6,9m. Đây là nơi thờ những con voi lập được nhiều chiến công trong trận mạc góp phần xây đế nghiệp của nhà Nguyễn, đồng thời đây cũng làm nơi khoản đãi quan khách sau khi tế lễ.
Trước hai ngôi nhà này, còn có hai tòa miếu phụ thờ thần vị voi, còn được gọi là miếu Tượng. Phía sau chính điện có Mộ Voi Ré và Voi Ô Long đắp nổi hình chữ nhật, kích thước 2,5×1,4m, dựng bia bằng đá thanh.
Theo các nhà nghiên cứu Huế, thì trước đây ở Đông Phối Điện và Tây Phối Điện còn có bốn bài vị đề tên và tước hiệu được vua Gia Long phong cho bốn con voi lập nhiều công trạng gồm: Đô Đốc Hùng Tượng Ré; Đô Đốc Hùng Tượng Bích; Đô Đốc Hùng Tượng Nhĩ và Đô Đốc Hùng Tượng Bôn. Và trong Miếu tượng có tượng voi bằng đá xanh nhưng nay đã mất mát không còn.
Đến Điện Voi Ré từ ngõ chính phía Nam vào là cổng Tam Quan đi hết 17 bậc đá đi lên là bức bình phong Long Mã được chạm khắc tinh xảo. Tiếp đến là hồ Điện với diện tích khoảng 1.000m², độ sâu chừng 3m, mặt nước xanh trong như chiếc gương soi bóng của chính điện Long Châu Miếu. Tương truyền, sau này khi xây dựng Hổ Quyền để tổ chức thi đấu voi – hổ cách đó không xa, Điện Voi Ré là nơi làm lễ xuất quân và voi được uống nước Hồ điện để tăng thêm sức mạnh trong thi đấu.
Có thể nói Điện Voi Ré là một công trình kiến trúc đa dạng phong phú với qui mô lớn so với hệ thống đền thờ ở Huế. Ngoài giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử Điện Voi Ré còn thể hiện nét nhân văn đặc sắc của con người Việt Nam. Đây có lẽ là đền thờ voi có qui mô hoành tráng và độc đáo nhất ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, do trải qua một thời gian dài chiến tranh không được trùng tu tôn tạo, cũng như sự tàn phá khắc nghiệt của khí hậu thời tiết miền Trung nên nhiều hạng mục kiến trúc Điện Voi Ré đang có nguy cơ trở thành phế tích đang cần trùng tu tôn tạo. Nhưng chính nhờ sự đa dạng trong qui mô kiến trúc và nét nhân văn đặc sắc, mà Điện Voi Ré nằm trong quần thể di tích Cố đô được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993 và được nhà nước công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia năm 1998.
Hiện nay, Điện Voi Ré được các cơ quan chức năng ở Huế khảo sát tôn tạo toàn diện nhằm trả lại diện mạo xưa cho khu di tích độc đáo này. Nhờ thế, Điện Voi Ré đang trở thành một điểm tham quan du lịch văn hóa nhân văn hấp dẫn ở cố đô hiện nay.