Đòn bẩy du lịch và cuộc “đổi đời” của kinh tế Đà Nẵng
Từ một địa phương phải nỗ lực đạt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng từ du lịch, Đà Nẵng đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam được truyền thông quốc tế không ngừng ngợi ca..
Cuộc đổi đời nhờ du lịch
Trong báo cáo gửi thành phố về tình hình kinh tế xã hội năm 2009, Cục Thống kê địa phương rất phấn khởi khi doanh thu của ngành du lịch lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Đây là con số đáng kể với một địa phương mà tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khi đó mới đạt hơn 9.000 tỷ.
Mười năm sau, doanh thu mà ngành du lịch mang lại cho Đà Nẵng đã vượt hơn 24.000 tỷ. GRDP thành phố năm 2018 (theo giá hiện hành), khi ấy cũng đã đạt hơn 90.000 tỷ đồng.
Không khó để nhận ra vai trò “xương sống” của ngành du lịch với kinh tế Đà Nẵng, một địa phương được thiên nhiên ưu đãi cho cả du lịch núi và biển, khí hậu cho phép khai thác quanh năm, vị trí giao thông thuận lợi, kết nối dễ dàng với các trung tâm du lịch lân cận… Tuy nhiên, những lợi thế đó không thể biến thành hiệu quả nếu không có những hành động của con người.
Sớm xác định mũi nhọn kinh tế du lịch, từ đầu những năm 2000, chính quyền Đà Nẵng đã có nhiều quyết sách nhằm phát triển hạ tầng, mở cửa cho các doanh nghiệp du lịch. Những nhà đầu tư lớn như Sun Group, Vingroup… cũng xuất hiện, nhanh chóng ghi dấu ấn trong công cuộc khởi tạo hạ tầng cho một trung tâm du lịch tương lai.
Chỉ tính giai đoạn 2003-2013, Đà Nẵng đã thu hút được hơn 60 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Năm 2007, cả thành phố chỉ có hơn 1.000 phòng 3-5 sao thì một thập kỷ sau, số phòng đã tăng gấp mười.
Không chỉ có lưu trú, hạ tầng du lịch Đà Nẵng còn được bổ sung những công trình, sản phẩm độc đáo, mang tầm châu lục và thế giới. Những công viên, khu du lịch khiến du khách đi cả ngày không chán như Sun World Danang Wonders, Sun World Ba Na Hills… Những công trình biểu tượng được thế giới ngợi ca như Cầu Vàng, Cầu Rồng… Những lễ hội kéo dài cả tháng trời như Lễ hội Pháo hoa Quốc tế (DIFF). Những show nghệ thuật quy mô như Vũ hội Ánh dương trên đỉnh Bà Nà… Nói đến Đà Nẵng là nói đến sự hấp dẫn không ngừng nghỉ. Sân bay Đà Nẵng cũng đã được đầu tư mở rộng năm 2017 với quy mô đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng…
Tất cả những động thái nêu trên đều góp phần thúc đẩy ngành kinh tế không khói của Đà Nẵng, dễ thấy nhất là việc hơn 7,66 triệu lượt khách du lịch đã đến với thành phố trong năm 2018, trong khi trước đó 10 năm, con số 1 triệu khách đã là cả một thành tựu. Chỉ tính 7 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đã đạt 5.041.400 lượt.
Không chỉ số lượng mà chi tiêu trên mỗi khách du lịch cũng được cải thiện rõ rệt nhờ chính việc đa dạng hóa trải nghiệm du lịch. Theo kết quả điều tra chi tiêu của khách du lịch toàn quốc năm 2009, thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế du lịch tại Đà Nẵng là 3,21 ngày và chi chưa tới 2,5 triệu đồng, thì đến năm 2017, con số này đã đạt 3,6 ngày, mức chi tiêu hơn 5,3 triệu đồng.
Du lịch cũng là động lực quan trọng, đóng vai trò “đòn bẩy” giúp rất nhiều khu vực kinh tế của Đà Nẵng phát triển theo. GRDP của Đà Nẵng năm 2018 ước đạt 83,17 triệu đồng, tương đương 3.612 USD. Đây là kết quả xếp ở mức cao trong khối các thành phố lớn (đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng), đồng thời đứng đầu và có khoảng cách khá xa so với 7 tỉnh vùng duyên hải miền Trung.
Những thách thức mới
Đầu năm 2019, Đà Nẵng trở thành một trong 2 thành phố trực thuộc TW (cùng với Hải Phòng) gần nhất được Bộ Chính trị ra Nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển địa phương đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, trong đó kinh tế được cấu trúc trên 3 trụ cột chính mà du lịch được đặt ở vị trí hàng đầu. Tỷ trọng ngành dịch vụ từ mức hơn 56% hiện nay cần tăng lên mức 62-65% và tăng trưởng bình quân 12,5-13,5% để đảm bảo GRDP Đà Nẵng tăng khoảng 12% một năm.
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng nghị quyết nêu trên là cơ sở để ngành du lịch địa phương tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng trong những năm tới.
Tuy vậy, bản thân ngành kinh tế vốn phát triển rất nhanh trong thời gian qua của địa phương cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, cần có giải pháp khắc phục để hiện thực hóa những mục tiêu mới. Cụ thể, vị này cho rằng bên cạnh sự phát triển về số lượng, du lịch Đà Nẵng cần tiếp tục đi sâu hơn vào vấn đề chất lượng, nâng cao tỷ lệ khách quay lại, mức độ chi tiêu và giá trị gia tăng của các sản phẩm…
Với tốc độ phát triển khách quốc tế hằng năm trên 20% và Đà Nẵng được xác định là điểm đến tầm cỡ Đông Nam Á và thế giới thì vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được vị lãnh đạo này đưa ra.
Để làm được điều này, lãnh đạo Đà Nẵng đã đồng ý xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch, xác định ngưỡng phát triển trong thời kỳ mới để đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở… Ví dụ sân bay Đà Nẵng sẽ xây dựng thêm nhà ga T3 với công suất 13 – 15 triệu hành khách/năm, cảng biển sẽ chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, đẩy mạnh du lịch phía Tây và Tây Bắc của thành phố, phát triển đường thủy, khơi thông sông Cổ Cò để kết nối với Hội An…
Với một công cuộc như vậy, các chuyên gia cho rằng Đà Nẵng cần tiếp tục thu hút hơn nữa những nhà đầu tư chiến lược có khả năng về tài chính, có tầm. Đó sẽ là “cú hích” cực kỳ quan trọng để hướng đến các mục tiêu đề ra. Điều này cũng được thể hiện khá rõ trong Nghị quyết 43 nêu trên của Bộ Chính trị khi khẳng định cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các thành phần kinh tế; coi nguồn lực trong nước là nền tảng và quyết định, nguồn lực nước ngoài là quan trọng…
Từ một nơi nổi tiếng với những nhà chồ ven biển, Đà Nẵng theo đánh giá của ông Kenneth M. Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), đã trở thành “một trong những thành phố thành công nhất Việt Nam nhờ phát triển du lịch”. Thách thức tiếp theo với thành phố này có lẽ chính là việc tiếp tục du trì tốc độ tăng trưởng du lịch nhưng vẫn tạo được dấu ấn riêng với những sản phẩm chất lượng cao, mang tầm khu vực và thế giới.