Du lịch gần Hà Nội: Đi về hướng Bắc Ninh

Tác giả: Đi Đâu Chơi GìĐăng ngày: 05/11/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

1. Đền Đô

Là một ngôi đền cổ lâu đời, được xây dựng từ thời Lý Công Uẩn, đến nay đa số các hạng mục công trình đã được khôi phục và xây mới lại. Đây là nơi thờ tám vị vua nhà Lý, có thể nói đây chính là nơi hội tụ của những người con ưu tú mang họ Lý. Đền tọa lạc tại làng Đình Bảng, Tiên Sơn, Bắc Ninh, đây cũng là làng có làng nghề làm bánh Phu Thê truyền thống. Lễ hội Đền Đô được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng ngày Lý Công Uẩn đăng quang (15- 3 năm canh Tuất, 1010). Lễ hội đền Đô là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời, là nơi để những người con Đất Việt hướng về cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ những vị vua Lý anh minh, đã có công xây dựng đất nước Việt.

Hướng dẫn đi lại:

Cách 1:Từ Hà Nội các bạn qua cầu Chương Dương, qua cầu Đuống đi thẳng về hướng Bắc Ninh đến thị xã Từ Sơn sẽ có đường rẽ bên phải đi thẳng vào Đền Đô. Biển chỉ dẫn rất lớn nên các bạn không cần phải lo lắng.

Cách 2:Từ Hà Nội các bạn qua cầu Vĩnh Tuy hoặc cầu Thanh Trì, cắt ngang qua đường 5, đi thẳng theo hướng Quốc lộ 1A đến lối xuống Phù Chẩn – Đền Đô thì các bạn đi xuống hướng bên trái là tới.

2. Chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích hay còn gọi là chùa Vạn Phúc, thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh là ngôi chùa có tới hàng nghìn năm lịch sử, đã từng là trung tâm văn hóa Phật giáo của nước Đại Việt. Chùa được xây dựng trên núi Lạn Kha, hay còn gọi là núi Phật Tích, núi Tiên Du, núi Nguyệt Hằng, cửa mở ra hướng Tây, trước mặt là sông Đuống. Điểm độc đáo của chùa chính là những tác phẩm điêu khắc đá cổ kính như: pho tượng A Di Đà – một tác phẩm điêu khắc thời Lý; tượng mình người đầu chim đang vỗ trống – một hình ảnh của thần nhạc công; cột đá chạm hình dàn nhạc với 8 nhạc công đang chơi trống cơm, đàn tỳ bà, đàn tranh, đàn thập lục, tiêu, sáo, nhị, trống; 5 đôi linh thú bằng đá xanh nguyên khối trước sân chùa; ao rồng; 36 ngọn bảo tháp…

Hướng dẫn đi đến chùa Phật tích:Chùa Phật Tích cách Đền Đô khoảng 10km, từ Đền Đô các bạn quay ra đường Quốc lộ 1 đi thêm 1 đoạn nữa sẽ có biển chỉ vào Phật Tích. Hoặc nếu không muốn đi lên đường cao tốc thì các bạn cứ đi theo đường Nguyên Phi Ỷ Lan rồi rẽ phải theo đường Lý Thánh Tông là tới.

3. Chùa Dâu

Chùa Dâu hay còn gọi là Chùa Diên Ứng, tọa lạc ngay trung tâm của khu di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của quê hương Kinh Bắc và là chứng tích một thời kỳ dài hàng chục thế kỷ trước và sau Công nguyên. Hiện nay, chùa thuộc làng Dâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, là ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ 3.

Chùa Dâu cũng như những ngôi chùa khác của vùng kinh bắc, nổi tiếng về kiến trúc và nghệ thuật. Ngoài ra, ở sân chùa còn có điểm nổi bật chính là Tháp Hòa Phong, vốn cao 9 tầng nhưng giờ chỉ còn lại 6 tầng nhưng vẫn rất uy nghi, vững chãi.

Hướng dẫn đi đến chùa Dâu:Các bạn đi qua cầu Chương Dương hoặc cầu Vĩnh Tuy, theo đường 5 đến chợ Sủi thì rẽ tay trái đi theo đường 18B, qua chợ Dâu là tới chùa Dâu. Từ Hà Nội tới chùa Dâu khoảng 30km.

4. Chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp hay còn gọi là Ninh Phúc Tự là một trong các chùa cổ ấy nằm trên bờ sông Đuống hiền hòa cách Hà Nội 25 km,còn được gọi chùa Nhạn Tháp vì thỉnh thoảng có những con chim nhạn bay về đậu trên đỉnh các tháp. Chùa tọa lạc ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được vua Tự Đức đặt tên chùa Bút Tháp.Từ thế kỷ 17 đến nay, chùa đã được trùng tu gần mười lần, lần cuối cùng những năm 1990-1993, chùa được tạo dựng hoàn toàn, hiến cho ta ngày nay một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc khá nguyên vẹn, chứa đựng một số chứng tích, di vật điêu khắc độc đáo, hiếm có niên đại nhiều thế kỷ.

Hướng dẫn đi lại: Chùa Bút Tháp cách Chùa Dâu khoảng 5km gần đê sông Đuống.


5. Các làng Nghề dân gian truyền thống

Làng tranh Đông Hồ


Làng tranh đông hồ là làng ghề nổi tiếng về tranh dân gian thuộc xa Song Hồ, huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Giang. Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian, được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại dùng tranh mới. Đến với làng tranh Đông Hồ bạn sẽ được tìm hiểu về qui trình sản xuất tranh, hiện nay chỉ còn lại 2 nhà còn lưu giữ và sản xuất tranh. Các hộ gia đình còn lại thường làm Vàng Mã, xuất đi các tỉnh thành ở miền Bắc.

Làng tranh Đông Hồ nằm bên bờ sông Đuống gần với chùa Bút Tháp, từ chùa Bút Tháp đi theo đường đê về hướng Bắc Ninh tầm 7km là tới.

Làng Gốm Phù Lãng


Làng Phù Lãng (thuộc xã Phù Lãng), nằm ở phía đông huyện Quế Võ, cách huyện lỵ khoảng 10 km và cách sông Lục Đầu khoảng 4 km. Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu và có nhiều bến đò ngang suốt ngày chở khách qua lại. Phù Lãng còn có nhiều ngọn núi đẹp, tạo nên cảnh sơn thuỷ hữu tình ít có trên đất Bắc Ninh. Đây là ngôi làng cổ nổi tiếng với nghề gốm, nhưng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm gốm Phù Lãng là đất sét có màu hồng nhạt, mua ở làng Thống Vát, Cung Kiệm (xã Việt Thống). Sản phẩm chính của nghề gốm Phù Lãng là chum vại, chậu nồi, ấm đất, chậu sành, tiểu sảnh. Khác với gốm Thổ Hà, gốm Phù lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp.

Hướng dẫn đến làng Gốm Phù Lãng: các bạn có thể đến làng Phù Lãng theo đường 18B, sau đó tới Châu Phong và đi theo đường đê là đến.

Làng cổ Thổ Hà

Thổ Hà là tên gọi một làng nghề thuộc xã Vân Hà huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Đó là một ngôi làng cổ với phong cảnh hữu tình, cây đa, bến nước, sân đình, những nếp nhà cổ san sát nằm sâu trong các ngõ hẻm cổ kính. Khác với các làng ở đồng bằng Bắc Bộ dân Thổ Hà hoàn toàn không có ruộng, bao đời sống bằng gạo chợ nước sông, thu nhập từ nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Đây cũng là một làng nổi tiếng với nghề gốm từ thế kỷ 14, nhưng những năm gần đây làng đã không còn làm nghề truyền thống này nữa, chỉ còn vài nhà vẫn giữ lại nghề này. Từ sau năm 1990 thì làng chuyển sang nghề làm mỳ gạo và bánh đa nem. Nét thu hút của ngôi làng chính là cổng làng, ngôi đình, mái chùa, những nếp nhà nhỏ xinh, những ngõ gạch mát mẻ…

Hướng dẫn đến làng Cổ Thổ Hà: từ Hà Nội theo quốc lộ 1 về hướng Bắc 31 km tới thành phố Bắc Ninh, rẽ trái đi thêm 3 km tới phố Đặng, ngược theo đê sông Cầu 1 km thì tới bến đò Thổ Hà, sang đò là tới làng.

Bắc Ninh Chùa Phật Tích làng nghề Phù Lãng Tranh Đông Hồ
Bài viết liên quan