Du lịch gần Hà Nội: Đi về hướng Sóc Sơn – Vĩnh Yên

Tác giả: Đi Đâu Chơi GìĐăng ngày: 05/11/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Về Hướng Sóc Sơn – Vĩnh Yên có rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng mà bạn nên ghé thăm: Cổ Loa Thành, Quần thể đền Sóc Sơn, núi Hàm Lợn, Việt phủ Thành Chương, Hồ Đại Lải…

1. Di tích thành cổ Cổ Loa

Cổ Loa (Loa Thành) là di tích kinh thành của đất nước Âu Lạc từ thế kỷ 3 TCN và nhà nước của vua Ngô Quyền thế kỷ 10 SCN. Đây là quần thể thành cổ gần Hà Nội nhất của nước ta thuộc loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, dã ngoại. Hiện nay quần thể di tích này thuộc địa phận xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Hướng dẫn đi tới Thành Cổ Loa

Từ trung tâm Hà Nội các bạn đi về hướng cầu Chương Dương, qua cầu Đuống rẽ vào đường Quốc lộ 3 khoảng 15km là tới. Các bạn có thể đến thành Cổ Loa bằng các phương tiện như: Xe đạp, xe bus, xa máy hay oto.

– Bằng xe Bus: ở bến xe Mỹ Đình bạn có thể bắt xe Bus số 46, từ trạm trung chuyển Long Biên bạn có thể bắt xe Bus số 15.

– Đi bằng phương tiện cá nhân ô tô, xe máy, xe đạp: Hiện đã thông cầu Nhật Tân nên các bạn có thể lựa chọn 2 đường đi:

Qua Cầu Chương Dương, đi thẳng theo đường Nguyễn Văn Cừ, qua cầu Đuống rẽ tay trái để đi qua đường ray tàu hỏa về phía đường đê, rẽ tay phải chính là quốc lộ 3, cứ đi theo quốc lộ 3 thì sẽ nhìn thấy biển chỉ Cổ Loa và bắt đầu đi theo biển chỉ dẫn.

Đường thứ 2 các bạn có thể đi qua cầu Nhật Tân nếu các bạn xuất phát từ khu hồ Tây, đi theo đường Võ Nguyên Giáp, rẽ phải sang quốc lộ 5 kéo dài 1 đoạn thì rẽ vào quốc lộ 3, đi thêm vài km sẽ thấy biển rẽ vào Cổ Loa bên tay trái đường.

Các địa điểm tham quan chính ở Cổ Loa.

+ Đền thờ An Dương Vương hay còn được gọi là đền Thượng nằm ở trung tâm Thành trong, được coi là nơi Vua Thục Phán trước kia ở. Đền Thượng mọc lên trên một gò đất hình đầu rồng, hai gò hai bên là hai cánh rừng. Phía dưới có hai hố tròn là mắt rồng. Trước mặt đền Thượng là một hồ nước lớn, bên trong hồ có Giếng Trọng Thủy (Giếng Ngọc) – nơi truyền thuyết cho rằng Trọng Thủy đã gieo mình xuống đây tự vẫn.

+ Ngự triều di quy: Qua cổng làng Cổ Loa cũng là cổng Thành Trong là tới Ngự triều di quy hay còn được gọi là Ngự Đình hay Đình Cổ Loa. Đây là một ngôi đình được chuyển từ nơi khác về, và dựng lại hồi cuối thế kỷ 18 ngay trên khu đất tương truyền là nơi xa xưa vua Thục Phán thiết triều.

+ Am Mỵ Châu: Bên trái Đình Cổ Loa là Am thờ Mỵ Châu (Am Bà Chúa), dân làng còn gọi đây là mộ Mỵ Châu. Đây chỉ là một am nhỏ nằm khiêm tốn dưới gốc đa nghìn tuổi với vẻ u tịch như muốn gợi về câu chuyện tình ngang trái cách đây hàng ngàn năm. Căn phòng trong cùng có tượng công chúa Mỵ Châu. Đây là một hòn đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu. Truyền thuyết kể rằng sau khi Mỵ Châu hóa thành hòn đá to trôi dạt về bãi Đường Cấm, ở phía đông thành Cổ Loa, dân trong thành đem võng ra cáng về đến gốc đa thì đứt võng, hòn đá rơi xuống, bèn lập am thờ ngay tại chỗ.

+ Chùa Bảo Sơn: Từ Am Mỵ Châu đi sâu vào phía trong là chùa Bảo Sơn, trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị to lớn như: bức cốn tứ linh từ thế kỷ 19, 134 bức tượng Phật được bài trí ở chính điện, hậu cung, hành lang và nhà Mẫu, 5 tấm bia đá từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, 2 đại hồng chung đúc vào năm Gia Long thứ 2 (năm 1803), một khánh đồng và nhiều pháp khí có giá trị khác.

+ Đền thờ Cao Lỗ: Đền thờ Cao Lỗ hiện được dựng ở nhiều nơi như quê ông ở Bắc Ninh, hay ở Ái Mộ và ngay trong thành Cổ Loa cũng có đền thờ của ông. Đền thờ nhỏ, có dựng tượng Cao Lỗ bắn nỏ giữa ao nước trước đền. Trong đền còn lưu giữ nhiều mũi tên đồng mà các nhà khảo cổ học đã khai quật được. Đền thờ Cao Lỗ chỉ cách Đền thờ An Dương Vương khoảng 150m.

2. Quần thể Đền Sóc Sơn – Phù Đổng Thiên Vương

 

Quần thể di tích Đền Sóc nằm ở khu vực núi Vệ Linh – hay còn gọi là núi Sóc, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Nguồn gốc của quần thể này chỉ là một miếu thờ Đổng Thiên Vương rất nhỏ và chùa Non Nước được xây dựng từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng. Trong cuộc đấu tranh chống giặc Tống, vua Lê Đại Hành cùng các tướng sĩ trên đường hành quân đã vào làm lễ cầu Thánh Gióng phù hộ cho trận đấu và trong trận đấu này, quân Tống thua lớn nên khi quay về, vua Lê Đại Hành đã vào lễ tạ và sai người tìm gốc trầm hương để tạc tượng thần và cho xây dựng khu vực này thành khu vực đền rất uy nghi và phong thành Đền Phù Đổng Thiên Vương. Khu vực này được xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 1962.

Hướng dẫn đi tới Quần thể đền Sóc Sơn

– Bằng xe Bus: từ trạm trung chuyển Long Biên bắt xe 15 và dừng ở điểm rẽ vào khu quẩn thể Sóc Sơn điểm xe bus này cách quần thể tầm 3km, do đó bạn có thể đi bộ hoặc bắt xe ôm để vào.

– Bằng phương tiện cá nhân: Các bạn đi từ Cổ Loa thì chỉ cần quay lại quốc lộ 3 đi thêm hơn 20km nữa là có biển chỉ đường vào đền Sóc ở bên tay trái.

Còn nếu các bạn không đi qua Cổ Loa mà đi thẳng đền Sóc thì cũng có 2 sự lựa chọn về đường đi:

Đường đi qua cầu Nhật Tân, không rẽ vào quốc lộ 5 kéo dài mà cứ đi thẳng cho đến khi gặp quốc lộ 18 (Phù Lỗ) thì rẽ phải vào quốc lộ 18 một đoạn, tiếp tục rẽ trái vào quốc lộ 3, đi thêm 1 đoạn sẽ đến ngã ba có biển chỉ dẫn vào Quần thể di tích đền Sóc.

Đường thứ 2 là đường đi qua cầu Thăng Long về phía sân bay Nội Bài, đến ngã tư với quốc lộ 18 thì đi theo quốc lộ 18 vòng ra sau lưng sân bay Nội Bài đi theo đường 131, đến khi gặp quốc lộ 3 thì rẽ trái đi thêm 1 đoạn là đến.

Các địa điểm tham quan ở Sóc Sơn

+ Đền Hạ – Đền Trình: Ngay từ cửa khu Di tích đi vào, các bạn gặp đầu tiên là Đền Hạ – hay còn gọi là Đền Trình ở phía bên tay trái. Đền thờ một tượng sơn thần bằng đồng nặng 7 tấn đang ngồi, hai tay đặt ở đầu gối, có nét mặt uy nghi, oai vệ. Theo truyền thyết thì đây là thần Nứa – vị thần đã cho phép Thánh Gióng chọn nơi đây để bay về trời, nhân dân tôn xưng ông là “Thánh Thần Vương”, danh hiệu này được khắc ở trên đỉnh mũ của bức tượng. Ngoài cửa Đền Trình là một gốc đa cổ thụ bên hồ nước xanh biếc, dưới gốc đa là tượng những linh vật đang ngồi chầu về phía đền.

+ Chùa Đại Bi: Qua Đền Trình theo một con đường lát gạch là đến chùa Đại Bi. Ngôi chùa nhỏ nhưng có lối kiến trúc độc đáo với những khung cửa được phủ sơn đỏ, mái vòm uống cong hai đầu rồi vút lên đẹp mắt, những hàng ngói đỏ phủ rêu cổ kính… Bên trong ngôi chùa là những hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng lộng lẫy và uy nghiêm.

+Đền Mẫu: Đối diện với Chùa Đại Bi là Đền Mẫu, nơi thờ mẹ Thánh Gióng. Đây cũng là một ngôi đền nhỏ nhưng có những nét chạm trổ hết sức tinh xảo. Trước cổng đền có dòng chữ “Phù Đổng danh truyền Thiên Thượng Mẫu”. Phía trong đền có tượng Mẫu với nét mặt hiền từ, khoan dung sơn son thiếp vàng; bên ngoài có giếng Mẫu với màu nước quanh năm xanh ngắt.

+ Đền Thượng: Đi thêm vài bước qua Đền Mẫu là đến Đền Thượng. Con đường với những tượng đá nhỏ khắc hình hươu, nai, ngựa… và những rặng thông hàng trăm năm tuổi, những cây cổ thụ um tùm… Đền Thượng là ngôi đền cuối cùng trong quần thể 4 công trình nằm dưới chân núi Vệ Linh, ẩn trong những tán lá cây rậm rạp của ngọn núi này.

+ Nhà bia: Từ chân núi Vệ Linh lên Tượng Đài Thánh Gióng có hai đường đi, một đường đi từ Đền Thượng lên và một đường đi từ cổng ngoài khu di tích lên. Con đường đi từ cổng lên các bạn sẽ đi qua Nhà bia và có đường rẽ xuống Chùa Non Nước. Nhà bia này hoàn toàn khác với các nhà bia ở các đình chùa khác, hoàn toàn được xây dựng bằng đá phiến, phần thân nhà vững chãi gắn liền với đỉnh hình chóp nón, trông xa giống như chiếc mũ sắt của Thánh Gióng năm xưa.

+ Tượng đài Thánh Gióng: tọa lạc trên đỉnh núi Đá Chồng, được khởi công xây dựng vào năm 2008 và khánh thành vào năm 2010. Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên chất, có chiều cao11,07m; độ vươn ra là 16m, nặng 85 tấn, là hình ảnh Thánh Gióng đang cưỡi ngựa bay về trời trong dáng vẻ uy nghiêm, hùng dũng. Đây là công trình chào mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hiện nay du khách ngoài việc leo bộ lên Tượng đài Thánh Gióng còn có thể đi xe máy hoặc ô tô theo đường mòn từ chân núi lên đỉnh núi.

3. Núi Hàm Lợn

 

Núi Hàm Lợn thuộc dãy Độc Tôn, Sóc Sơn, Hà Nội là một địa điểm được mệnh danh là “Nóc nhà của thủ đô”, nằm cách Hà Nội 40km theo hướng cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài nên việc di chuyển tới đây không quá khó, chỉ mất khoảng trên dưới một giờ đồng hồ. Do vậy bạn có thể chinh phục đỉnh núi này trong ngày hoặc lưu lại lâu hơn nếu muốn ngắm hoàng hôn và bình minh trên đỉnh núi.

Hướng dẫn đi tới Hàm Lợn.

Từ trung tâm Hà Nội đi qua cầu Thăng Long, dọc theo hướng cao tốc Thăng Long – Nội Bài tới ngã tư giao với Quốc lộ 2 rẽ trái theo hướng Vĩnh Phúc. Tiếp tục đi thẳng cho tới khi thấy biển Việt phủ Thành Chương và Xóm Núi thì rẽ phải, đi thẳng thêm 7km có 1 ngã rẽ phải chỉ dẫn đường vào Việt phủ, tiếp tục đi thẳng là tới núi Hàm Lợn.

Bảng giá các dịch vụ thuê ở Hàm Lợn.

– Trông xe máy: 15.000

– Hướng dẫn viên: 250.000-450.000

– Cho thuê lều: 70.000/lều 2, 100.000/lều 4

– Đốt lửa qua đêm: 150.000/bó củi, 10.000/kg than

Các địa điểm tham quan ở Hàm lợn

Đỉnh Núi Hàm Lợn với độ cao 462 m so với mặt biển, Hồ Núi Bàu và đồi Hoa Sim mọc trên đỉnh núi.

Lên đỉnh núi Hàm Lợn bạn có thể đi bằng 2 con đường: đường mòn hoặc leo trực tiếp men theo Suối để chinh phục thiên nhiên.

Hồ Núi Bàu: là một hồ lớn nằm dưới chân Núi Bàu tại ven bờ hồ, du khách có thể cắm trại và đốt lửa trại, còn có thể tắm ở hồ (chỉ ở những khu vực gần bờ vì hồ rất sâu).

Đồi hoa Sim: mọc trên đỉnh núi đến mùa Sim nở cảm giác màu tím nan tỏa khắp trên đồi, các bạn đến vào mùa Sim chín còn có thể thưởng thức vị ngọt của loại quả này.

4. Việt Phủ Thành Chương

 

Việt Phủ Thành Chương được nhắc đến là một quần thể kiến trúc cung đình hoàn thiện còn lưu giữ nguyên vẹn những giá trị lịch sử, Việt Phủ Thành Chương đã được nhiều tờ báo quốc tế như The New York Times, Herald Tribune giới thiệu. Thực tế, đây được coi là một bảo tàng tư nhân của họa sĩ nổi tiếng Thành Chương. Tại đây, ông đã quy tụ những tinh hoa của văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật Việt trong một khuôn viên lên tới 8000m2.

Hướng dẫn đi đến Việt Phủ Thành Chương

– Đi bằng xe Bus: bắt xe 07 xuống ngã tư Phủ Lỗ-Nội Bài-Quốc Lộ 2, đi xe ôm hoặc taxi thêm 9 km hoặc đi xe 56 xuống khu công nghiệp Nội Bài bắt xe ôm đi thêm khoảng 3km nữa.

– Đi bằng xe máy: dọc theo đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài , sau đó rẽ về Sóc Sơn theo hướng đi Vĩnh Phúc đến khi nhìn thấy biển báo rồi tiếp tục đi theo biển báo là tới nơi.

5. Hồ Đại Lải

Đại Lải là hồ nước nhân tạo lớn với diện tích hơn 500 ha, có nhiệm vụ tưới tiêu cho vùng nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc. Giữa hồ là những đảo chim, đảo ngọc… xanh mát quanh năm. Gần đây, hồ được khai thác phục vụ khách du lịch bởi lợi thế sẵn có phù hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Xung quanh hồ có nhiều dự án như sân golf, khu nghỉ dưỡng 5 sao, khu sáng tác của văn nghệ sĩ…

Thời điểm đẹp nhất để đi hồ Đại Lải là mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 9 bởi vì khí hậu ở đây rất mát mẻ, phù hợp để tránh nóng và vào mùa này có nhiều hoạt động vui chơi như: bơi thuyền, đạp nước, du thuyền quanh hồ.

Hướng dẫn đi đến Hồ Đại Lải:

Từ Hà Nội bạn đi theo hướng cầu Thăng long tới gần sân bay Nội Bài thì rẽ trái, đi về hướng Vĩnh Yên. Đi đến đoạn nhìn thấy nhà máy Toyota và Honda ở bên tay trái thì các bạn rẽ phải vào XUân Hòa, ngay đầu đường có quán thịt trâu rất nổi tiếng. Vào đến hồ Đại Lải, bạn sẽ thấy khung cảnh rất đẹp, hai bên đường có nhiều cây phi lao, đường sạch sẽ dễ đi. Từ Hà Nội đến hồ Đại Lải khoảng gần 50km.

du lịch hà nội Hồ Đại Lải phượt
Bài viết liên quan