Đã trải qua bao thăng trầm nhưng Bàn Thạch vẫn còn đó những bãi cói xanh tốt dọc bên dãi đất bồi, vẫn còn đó tiếng lách cách đều đặn từ khung cửi dệt trong mỗi chiều hoàng hôn…
Nằm trên một doi đất dài giữa hai dòng sông Thu Bồn (hướng Đông) và Bà Rén (hướng Tây), không chỉ là làng nghề truyền thống, từ lâu chiếu Bàn Thạch giống như một kho tư liệu sống tạo nên một không gian văn hóa làng Việt, thu hút du khách đến tham quan, thưởng lãm.
Bức tranh làng nghề
Con đường dẫn vào làng Bàn Thạch khá nhỏ nhưng đã được tráng bêtông phẳng phiu, những ngôi nhà ngói, nhà cao tầng thấp thoáng sau lũy tre làng; vài ba em bé bước chân sáo vui đùa dưới nắng mai…
Không ồn ào, không xô bồ so với những làng nghề khác, Bàn Thạch nhà cách nhà bởi hàng rào dây leo, lá mơ, mồng tơi hay hàng chè tàu. Bên trong cái thanh bình có phần tĩnh lặng ấy là những con người ngày đêm khéo léo, chăm chỉ miệt mài bên khung cửi để tạo nên những chiếc chiếu với nét độc đáo riêng.
Cả làng hiện có khoảng hơn mười mấy hộ làm chiếu thủ công. Cách đây chừng 400 năm, theo bước chân mở cõi phương Nam, người dân vùng Nga Sơn (Thanh Hóa) đã vượt đèo Hải Vân, chọn mảnh đất Bàn Thạch làm chốn dừng chân.
Trong buổi đầu sơ khai, lập làng thấy đất đai màu mỡ, nhiều sông ngòi, kênh rạch nên cư dân khởi đầu cơ nghiệp bằng nghề trồng cói, dệt chiếu.
Trước thử thách nghiệt ngã của cơ chế thị trường, không biết bao nhiêu nơi đã bỏ nghề dệt chiếu, nhưng người Bàn Thạch chẳng những giữ được nghề, mà còn đưa nó thành thương hiệu “chiếu Bàn Thạch” nổi tiếng khắp vùng trong và ngoài xứ Quảng.
Vài ba năm trở lại đây các hãng lữ hành đưa làng chiếu Bàn Thạch vào địa chỉ tham quan trong các tour du lịch. Người dân làng nghề cũng ý thức rất rõ lợi ích từ các tour du lịch mang lại nên ngày càng đầu tư vào mẫu mã, chất lượng sản phẩm để giới thiệu, chào bán.
Để có những chiếc chiếu vừa lòng người mua, phải trải qua nhiều công đoạn. Nặng nhọc nhất là bứt cói mang về nhà rồi ngồi tỉ mỉ chẻ cói thành sợi nhỏ sau đó đem phơi trong 5 ngày liên tục dưới cái nắng gắt.
Tuy nhiên, người phơi cũng phải canh chừng để sợi cói không được quá khô. Có được sợi, đến nhuộm màu với các tông: xanh, đỏ, tím, vàng và màu trắng ngà (màu gốc) rồi đem phơi khô lần nữa.
Sợi nhuộm phẩm xong phải phơi cho đủ nắng, không quá gắt vì dễ giòn gãy, cũng không quá dịu vì dễ ẩm mốc. Khi dệt chiếu cần phải có hai người, một người đưa thoi, luồn cói, người còn lại kéo thân cửi. Một ngày làm chăm chỉ thợ chiếu có thể dệt được 3 – 4 chiếc.
Khi thành phẩm, từng chiếc chiếu mang một sắc màu khác nhau, hoa văn phong phú, bắt mắt. Có thể nói, chiếu ở Bàn Thạch thực sự là một “bức tranh hài hòa về màu sắc” của những “họa sĩ nông dân” tài hoa.
Phiên chợ có một không hai xứ Quảng
Nét đặc biệt của làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch là chợ chiếu. Chợ chiếu là phiên chợ họp sớm nhất xứ Quảng. Kẻ trong Nam, người ngoài Bắc hay các vùng lân cận muốn mua chiếu phải đến dự chợ chiếu Bàn Thạch thật sớm bởi chợ bắt đầu họp từ 4 – 5 giờ sáng.
Ấn tượng đầu tiên khi đến gần cổng chợ là đã nghe thoảng trong sương mai mùi thơm dịu nhẹ của những của cọng lác. Bước vào chợ, la liệt nào chiếu trơn, chiếu vẽ phúc lộc thọ, chiếu nhỏ, chiếu lớn ngập tràn lối đi.
Khi mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên của một ngày mới, xen lẫn trong những dáng người tảo tần, chân chất dưới mái chợ rêu phong cũ kỹ là những chiếc chiếu lấp lánh màu sắc hoa văn trông rất đẹp mắt.
Đặc biệt, chợ đông đúc cả trăm người, mà người bán kẻ mua đều như quen thân nhau hết. Tuyệt nhiên không có chuyện mặc cả, nói thách.
Người mua chủ yếu là các lái buôn lớn nhỏ các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Đại Lộc… từ đây đưa chiếu đi khắp các vùng. Thế nên chợ ngày nào cũng họp và dù chỉ có một mặt hàng nhưng hiếm khi có hàng ế, hàng tồn.
Bàn Thạch có nghề làm chiếu, có chợ chiếu, không giàu nhưng chẳng bao giờ lo đói, cứ tảo tần lấy công làm lời mưu sinh, kiếm sống từng ngày. Đàn bà lo dệt chiếu rồi mang ra chợ bán, đàn ông đi chặt cây cói, cây lác, lo phần nguyên liệu…
Cùng với các ngành truyền thống khác, có thể nói chiếu Bàn Thạch mang đậm hồn quê của xứ Quảng, là nơi gồng gánh những cuộc mưu sinh.
Du khách nếu có dịp đến Trà Nhiêu xin dừng quên ghé thăm chợ chiếu Bàn Thạch, chắc chắn sẽ đọng lại trong lòng một khoảnh khắc thanh thản, yên bình.