Hình dáng Thăng Long giữa lòng Nam Định

Tác giả: Đi Đâu Chơi GìĐăng ngày: 02/11/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Do có sự tương đồng đặc biệt về lịch sử, kiến trúc và văn hóa nên khi thăm Cột cờ Hà Nội
nhiều người vẫn có cảm giác như đang ở Nam Định và ngược lại khi thăm Cột cờ Nam Định nhiều người
tưởng như mình đang ở Thủ đô yêu dấu.

Đầu thế kỷ XIX, sau khi thống nhất quốc gia, các vua triều Nguyễn đã chú ý tới việc xác
định địa danh, địa giới hành chính trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Tiếp đó là việc
xây dựng các trụ sở, cơ quan, doanh trại, kho tàng, đặc biệt xây dựng thành lũy ở những
trấn, tỉnh quan trọng.

Tại các thành lớn có xây cột cờ, vừa để treo cờ, làm vọng canh, làm lễ đăng quang, lễ
mừng thọ các vua triều Nguyễn và các nghi lễ khác. Cột cờ Hà Nội được xây dựng từ
năm 1806 đến năm 1812 (sau Cột cờ kinh đô Huế); Cột cờ Nam Định xây dựng từ năm 1833 đến
năm 1843.

Thời điểm xây dựng Cột cờ Hà Nội, Hà Nội vẫn giữ địa danh là Thăng Long. Do Thăng Long là
Bắc thành tổng trấn, thủ phủ của 11 trấn Bắc thành nên quy mô xây dựng thành, trong đó
có Cột cờ Hà Nội, chỉ đứng sau kinh đô Huế. Và cũng do vị thế của mình, tỉnh Nam
Định có Thành Nam, cột cờ Thành Nam, chỉ đứng sau Hà Nội.

Cột cờ Hà Nội và Cột cờ Nam Định đều ở gần trụ sở cơ quan hành chính của địa phương.
Cột cờ vững chãi, cân đối, uy nghiêm, hài hòa và cao. Mô hình kiến trúc là một ngọn
tháp hình lục lăng, bên trong rỗng có cầu thang xoắn đưa lên đỉnh.

Cột được đặt trên một bệ vuông lớn hình kim tự tháp ba bậc, ba bệ. Tại bệ ba có bốn
cửa đông, tây, nam, bắc. Cửa bắc có cầu thang xoắn, đi trong cột lên lầu vọng canh, nơi
cắm cột và treo cờ. Cửa phía đông, mang tên Nghênh Húc (đón nắng sớm). Phía nam có cửa
Hướng Minh (hướng về ánh sáng). Phía tây có cửa Hồi Quang (ánh sáng phản chiếu). Phía
bắc có cửa Cửu An (yên lành).

Thân cột cờ là một khối rỗng hình bát giác (ở cột cờ Hà Nội và ở Cột cờ Nam
Định), trong có xây cầu thang xoáy trôn ốc 54 bậc, được chiếu sáng bằng 39 lỗ hình hoa
thị và tám cửa hình dẻ quạt (ở Cột cờ Hà Nội), được chiếu sáng bằng 32 lỗ hình hoa
thị và một cửa hình dẻ quạt (ở Cột cờ Nam Định).

Vọng canh (lầu quan sát và cắm cờ) ở trên cùng là một lầu hình trụ bát giác, tám
cạnh, có tám cửa (ở Cột cờ Hà Nội) là một lầu hình trụ tròn, có bốn cửa (ở Cột
cờ Nam Định).

Giữa lầu vọng canh có cột trụ cao đến đỉnh nóc dùng để cắm cột cờ. Lầu vọng canh
có thể để năm đến sáu người quan sát thoải mái qua tám cửa (ở Cột cờ Hà Nội), bốn cửa
(ở Cột cờ Nam Định) về các phương hướng nội, ngoại thành.

Ở Hà Nội, thời xưa, từ vọng canh có thể nhìn rõ sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tô Lịch,
sông Kim Ngưu, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm… Ở Nam Định, từ vọng canh có thể nhìn sang vùng đất
Thái Bình, bên kia sông Hồng, thậm chí tới tận Ninh Bình, bên kia sông Đáy…

Theo dòng lịch sử, Cột cờ Hà Nội và Cột cờ Nam Định đều là vọng gác, là cứ điểm
chiến đấu của quân dân Việt Nam chống thực dân (1873-1883) và chống chiến tranh phá hoại của
đế quốc (1965-1972), là nơi tung bay ngọn quốc kỳ thiêng liêng của dân tộc.

Cột cờ Nam Định được xếp hạng Di tích lịch sử năm 1962. Cột cờ Hà Nội được xếp hạng
Di tích lịch sử năm 1998.

Gần hai thế kỷ qua, Cột cờ Hà Nội, Cột cờ Nam Định đã đứng vững và vươn cao trong mưa
bom, bão đạn, mưa, nắng, chứng kiến và là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của quê
hương, đất nước.

Mỗi năm, Cột cờ Hà Nội và Cột cờ Nam Định đón hàng ngàn lượt du khách tới thăm quan. Hai công
trình có giá trị kiến trúc, lịch sử và văn hóa này mãi là biểu tượng, khơi dậy tình yêu
quê hương, đất nước, ý thức tự hào và quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền, độc lập,
tự do, hạnh phúc, ấm no của Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam./.

cột cờ di tích lịch sử Nam Định Thăng Long
Bài viết liên quan