Vị trí:
Hồ Thiền Quang, còn có tên là hồ Halais (Ha-le) theo tên của phố Nguyễn Du thời Pháp thuộc. Hồ được bao quanh bởi 3 con phố Trần Bình Trọng – Trần Nhân Tông – Quang Trung và Nguyễn Du. Ba ngôi chùa linh thiêng hướng ra hồ Ha-le, hồ nằm ngay trước cổng chính của công viên Thống Nhất.
Hồ Thiền Quang nhìn từ trên cao
Diện tích ngày nay của hồ vào khoảng 5ha.
Lịch sử của hồ
Ở bản đồ Hà Nội năm 1831 thì hồ Ha Le có tên là Liên Thủy (bởi đây vốn là đầm trồng sen), rộng hơn hồ bây giờ: phía tây giáp phố Yết Kiêu ngày nay, phía đông ăn lấn vào vị trí phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, phía bắc tới phố Trần Quốc Toản và phía nam thì thông với hồ Bảy Mẫu. Quanh hồ có làng Liên Thủy ở phía bắc và tây, làng Thiền Quang ở phía đông nam (đầu phố Nguyễn Đình Chiểu), làng Quang Hoa ở tây nam và Pháp Hoa ở phía nam.
Đến thời Pháp thuộc, hồ bị lấp dần để xây phố và có hình dạng ổn định từ năm 1930. Ba phía vòng quanh hồ được xây các vườn hoa nhỏ, có khu đi vệ sinh, có ghế đá cho dân ngồi nghỉ ngắm cảnh. Về phía phố Trần Bình Trọng có cụm ba ngôi chùa Thiền Quang, Quang Hoa và Pháp Hoa nằm cạnh nhau, ở số nhà 31-33. Chùa của làng Liên Thủy bị phá năm 1926 (vị trí ngày nay là số nhà 62 phố Nguyễn Du).
Thiền Quang có nghĩa là ánh sáng của Phật, đây không những là nơi để người dân thủ đô hóng mát, tận hưởng không khí trong lành mà còn là nơi linh thiêng của nhà Phật.
Đài sen hình chữ S gồm 1000 bông hoa ở giữa hồ Thiền Quang