Hồ Trúc Bạch Hà Nội

Tác giả: Đi Đâu Chơi GìĐăng ngày: 02/11/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Sách
Long thành dật sự có ghi rõ rằng: Hồ Tây mặt nước rất rộng, đáy sâu và
thường có sóng lớn. Riêng có phần hồ thuộc địa phận làng Trúc Yên là
nước nóng, ít sóng, nhiều bùn tốt nên lắm cá tụ về. Năm Vĩnh Tộ thứ 2
đời Lê Thần Tôn (1620), dân làng Yên Phụ và làng Yên Quang (khu vực đầu
phố Cửa Bắc đến đền Quán Thánh ngày nay) hợp sức với dân làng Trúc Yên,
đắp một con đập từ đầu làng Yên Phụ nối với đầu làng Yên Quang để chắn
giữ lấy cá làm nguồn lợi cho cả ba làng. Đập ấy gọi là Cố Ngự Yển, tức
đập Cố Ngự, có nghĩa là giữ vững. Để kỷ niệm việc này, người ta có dựng
một bia lớn ở phía đầu làng Yên Quang. Đập Cố Ngự mỗi năm lại được đắp
rộng ra, thành một con đê, rồi thành đường đi. Sau này, có lẽ do việc
viết chữ Pháp hoặc quốc ngữ không có dấu, người ta đọc là Cổ Ngư thay
cho Cố Ngự.


Cũng
theo sách Long thành dật sự, thì làng Trúc Yên có nghề làm mành trúc,
nên các nhà dân đều trồng trúc thành rừng, để làm nguyên liệu. Đời vua
Lê Ý Tôn (1735 – 1738), chúa Trịnh Giang lấy một khu đất của làng Trúc
Yên cho xây một toà biệt điện làm nơi tĩnh dưỡng, gọi là Trúc Tâm Viện.
Chỉ được vài năm, biệt điện này thành một lãnh cung để an trí các cung
nữ bị tội. Các cung nữ bị an trí ở đó phải tự làm việc kiếm sống. Họ
phần nhiều là người khéo tay, nên dệt lụa khá đẹp, được các nơi rất ưa
dùng. Rồi nhân dân gọi thành quen thứ lụa của các cung nữ dệt là “lụa
làng Trúc”, tức “Trúc bạch”. Đã có những câu ca:Lụa làng Trúc vừa thanh
vừa bóng. Cũng từ đó, phần hồ Tây phía làng Trúc Yên cũng được gọi là hồ
Trúc Bạch. Cũng từ thời ấy, triều chính Lê – Trịnh ngày thêm đổ nát. Số
cung nữ ở làng Trúc Yên không còn ai bị kiềm thúc nữa. Năm Chiêu Thống
thứ hai (1788) vì muốn báo thù, Chiêu Thống cho đốt hết cung điện của
chúa Trịnh, Trúc Tâm Viện cũng bị thành tro tàn…


Nhưng
vẫn còn làng Trúc Yên với nghề mành, nghề lụa. Đê Cổ Ngư sau thành
đường rộng Cổ Ngư. Những năm sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
hoà bình lập lại, đường Cổ Ngư đã được thanh niên Hà Nội
và nhân dân cùng góp công sức, qua những ngày lao động xã hội chủ
nghĩa, kiến tạo thành con đường Thanh Niên. Ngày nay, các làng Yên Phụ,
Yên Quang, Trúc Yên đều đã thành phố xá đông vui. Hồ Trúc Bạch đã trở
thành một địa danh nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng. Người trong Nam ra,
ngoài Bắc về Thủ đô đều muốn đến hồ Tây, hồ Trúc Bạch, đi dạo trên con
đường Thanh Niên rợp bóng phượng hồng và bằng lăng tím, thả hồn trải
rộng miên man với nước hồ và gió trời. Người xưa đã vớt bùn đất lên, tạo
đập Cổ Ngư, thành đường Cổ Ngư xưa và đường Thanh Niên hôm nay… Còn
người Hà Nội
ngày nay vẫn đang có những việc phải làm cho Trúc Bạch, đó là quy
hoạch, giữ gìn cho hồ nước không bị teo hẹp lại và lúc nào cũng thanh
sạch, đẹp tươi.

Hồ Tây Hồ Trúc Bạch Trúc Bạch Yên Phụ
Bài viết liên quan