Hưng Yên sẽ tận dụng tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch

Tác giả: didauchoigiĐăng ngày: 08/11/2019Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Phát biểu tại Hội thảo định hướng xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Hưng Yên được tổ chức vào ngày 8/11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Ngô Hoài Chung cho biết Hưng Yên có một số lợi thế quan trọng để phát triển du lịch như: nằm trong tam giác phát triển du lịch Hà Nội-Ninh Bình-Quảng Ninh; nằm sát Hà Nội, một trung tâm điều phối du lịch lớn; giao thông thuận tiện, và đặc biệt là vùng đất văn hiến lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của nền Văn minh Sông Hồng.

Hưng Yên sẽ tận dụng tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch - 1

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu

Tuy vậy, theo ông Chung, quy mô du lịch của tỉnh Hưng Yên còn rất nhỏ bé so với cả nước. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 11 doanh nghiệp lữ hành, chiếm 0,43% tổng số doanh  nghiệp lữ hành của cả nước. Số lượng cơ sở lưu trú cũng khiêm tốn, chiếm 0,71%, với 2 khách sạn lớn nhất đạt tiêu chuẩn 3 sao. Toàn tỉnh mới có 200 hướng dẫn viên được cấp thẻ.

“Những con số này cho thấy ngành du lịch Hưng Yên còn chưa phát triển và cần được quan tâm đầu tư hơn nữa,” ông Chung nói.

Theo lãnh đạo TCDL, do không có các tài nguyên tự nhiên như núi, rừng, biển, Hưng Yên cần tận dụng lợi thế tài nguyên nhân văn để làm hạt nhân phát triển các sản phẩm du lịch.

“Các tour du lịch tâm linh thăm đình, chùa, làng cổ sẽ rất thu hút du khách trong nước. Ngoài ra Hưng Yên có thể xây dựng thêm các tour dẫn du khách đi trải nghiệm hái nhãn, làm tương Bần cũng sẽ rất thú vị,” ông Chung khẳng định.

Trong bản tham luận trình bài tại Hội thảo, Kiến trúc sư, Tiến sỹ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững cho rằng Hưng Yên chưa tìm được phương thức khai thác tài nguyên nhân văn hợp lý. Bà cho rằng địa phương còn đang lúng túng trong việc quản lý và khai thác những di sản nổi tiếng trong vùng.

Tiến sỹ Hạnh cũng đề xuất một sản phẩm du lịch đặc thù cho Hưng Yên tại khu du lịch Đa Hòa-Dạ Trạch. Theo đó sẽ đổi tên thành Khu du lịch Huyền thoại tình yêu và giúp du khách tìm hiểu và trải nghiệm về mối tình Chử Đồng Tử-Tiên Dung.

Báo cáo tại buổi Hội thảo, ông Phạm Văn Hiệu, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hưng Yên cho biết địa phương cũng đã xác định được thế mạnh và hạn chế của mình và sẽ tập trung khai thác tiềm năng để phát triển du lịch trong thời gian tới.

Hưng Yên sẽ tận dụng tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch - 2

Ông Phạm Văn Hiệu, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hưng Yên phát biểu tại hội thảo 

“Năm 2018 tỉnh đón 900,000 lượt khách, trong đó có 20,000 khách quốc tế. Năm 2019 dự kiến tỉnh thu hút được khoảng 1,1 triệu khách, ” ông Hiệu báo cáo. “Tuy lượng khách có tăng nhưng con số vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh.”

Ông Hiệu trích dẫn thống kê mới nhất cho biết toàn tỉnh hiện có 1802 di tích trong đó có 2 di tích, Phố Hiến và Chùa Thái Lạc, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Tỉnh cũng có nhiều làng nghề giàu truyền thống có thể khai thác du lịch.

 “Chúng tôi hiện đang làm việc với nhiều chuyên gia du lịch và doanh nghiệp nhằm xây dựng các sản phẩm phù hợp cho tỉnh nhà,” ông nói. “Để bắt đầu, sắp tới chúng tôi đang chuẩn bị khai thác các tour du lịch tâm linh gắn với du lịch đường sông và hi vọng sẽ được du khách đón nhận.”

Lan Phong

du lịch Hưng Yên
Bài viết liên quan