Khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm giảm mạnh
Hầu hết khách du lịch tại các thị trường trọng điểm đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là khách du lịch châu Á, Châu Âu, Nga…
Du khách châu Á sang Việt Nam 5 tháng đầu năm đạt 2,15 triệu người, giảm 12,8%. Các thị trường giảm là Trung Quốc đạt 700.000 lượt người, giảm 29,8%; Nhật Bản 270.000 lượt người, giảm 1,1%; Đài Loan 175.000 lượt người, giảm 1,5%…
Du khách châu Âu ước tính đạt 525.000 lượt người, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, khách đến từ Nga đạt 146.000 lượt người, giảm 16,5%; Pháp 99.000 lượt người, giảm 6%; Anh 90.000 lượt người, giảm 6%; Hà Lan 19.0000 lượt người, giảm 2,9%. Du khách Úc đạt 135.000 lượt người, giảm 9,3%.
Một số quốc gia có lượng khách đến nước ta tăng như, Hoa Kỳ đạt 215.000 lượt người, tăng 4%. Đức đạt 68.000 lượt người, tăng 0,6%; Italia 16.000 lượt người, tăng 4,5%, Hàn Quốc đạt 480.000 lượt người, tăng 35,3%; Singapore 86.000 lượt người, tăng 6,2%.
Theo Tổng cục Du lịch, việc khách quốc tế giảm trong thời gian vừa qua là đáng lo ngại bởi trong những tháng đầu năm là cao điểm của các lễ hội. Tuy nhiên các lễ hội truyền thống hiện thu hút được rất ít du khách quốc tế đến. Việc quảng bá du lịch của các địa phương còn chậm đổi mới và phát triển thiếu bền vững. Ngoài ra, có lý do là người dân nhiều nước (Châu Âu, Nhật Bản) đang thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng do kinh tế khó khăn… Dự kiến, dịp hè từ tháng 6 – 9/2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ đông hơn do đa phần du khách đến Việt Nam để du lịch khám phá, du lịch biển thay vì du lịch lễ hội, sử dụng dịch vụ vui chơi giảm trí.
Trong tháng 4/2015, Tổng cục Du lịch cho biêt, khách quốc tế đến Việt Nam bỏ nhiều tiền để mua đồ ăn, lưu trú, đi lại hơn là sử dụng các dịch vụ du lịch, dịch vụ giá trị gia tăng của Việt Nam. Theo thống kê, khách quốc tế có lưu trú (thăm quan dài hạn, có thuê phòng khách sạn) phải bỏ hơn 33,1% chi phí để thanh toán cho lưu trú; 23,74% cho ăn uống, 18,34% cho mua hàng hóa, đồ lưu niệm và 13,35% dành cho thăm quan, đi lại. Các dịch vụ như hướng dẫn chiếm 4% chi phí, vui chơi giải trí chỉ chiếm 3.56%…
Đối với du khách quốc tế thăm quan trong ngày, chi cho mua hàng hóa, đồ lưu niệm của họ cũng chiếm 31,1%, ăn uống 27,4%, còn chi cho vui chơi, giải trí chỉ chiếm 5,8%…
Tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam du lịch lần thứ 2 trở lên là đạt 32,9%. Đây là mức tăng trưởng thấp so với tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại.
Nguyễn Tuyền