Lang thang nơi phố cổ, bạn như lạc vào một thiên đường ẩm thực với la liệt hàng quán, từ bình dân vỉa hè tới nhà hàng cao cấp. Ở Hà Nội, dù muốn ăn chơi hay ăn no, bạn cũng nên đi vào những con phố nhỏ, nơi những nét ẩm thực tinh tế nhất chưa bị thương mại hóa bởi du lịch.
Ngõ Phất Lộc tồn tại bao đời nơi phố cổ là nơi bạn có thể tìm thấy những món bún mà chỉ nghe tên thôi người ta đã phải ồ lên “À, ẩm thực Hà Nội đây rồi!”.
1. Bún chả que tre
Bún chả Hà Nội đặc trưng bởi thứ chả thịt ba chỉ dùng vỉ nướng trên than hoa. Hàng nào sơ sài thì nướng xong đổ đầy một bát to, khách tới ăn chỉ nhặt vào bát rồi chan thứ nước dùng sánh mỡ lên.
Đôi khi muốn tìm được cái hương vị xưa cũ của bún chả Hà Nội, tôi phải đi lòng vòng hết các con phố, len lỏi qua những mái hiên nhuốm màu rêu phong, rồi bất chợp gặp một cô bán hàng vừa nhanh tay quạt chả, vừa sắp bún ra đĩa.
Chả ở Phất Lộc có hai loại, chả thịt kẹp que và chả băm cuốn lá lốt. Với chả thịt, dù cùng là thịt được nướng trên than hoa nhưng thực khách tinh tế có thể cảm nhận được mùi hương dìu dịu của những que tre chứ không đơn giản chỉ ám khói của những vỉ sắt.
Còn với loại chả băm cuốn lá lốt, thịt băm được ướp đều gia vị nên hương vị đậm đà hơn. Người bán hàng cuốn thịt băm trong lá lốt rồi xiên vào que tre để nướng. Chỉ cần vài phút trên bếp lửa, lá lốt dậy mùi hòa quyện với vị ngọt đậm của thịt băm.
Quán tuy đông đúc nhưng chủ quán chỉ nướng thịt khi khách tới ăn, tay đảo đều xiên, tay khều bếp than cho nóng. Bát bún chả vì thế lúc nào cũng nghi ngút khói.
2. Bún riêu cua Phất Lộc
Không cầu kỳ trong công thức chế biến và nguyên liệu, quán bún riêu cua nằm sâu trong con ngõ Phất Lộc vẫn được những người sành ăn tấp nập tìm tới.
Vài thúng bún, đôi ba chồng bát và hai bếp nước dùng là đủ cho một buổi bán hàng của bác chủ quán tuổi đã ngoài 60. Một tô bún chỉ đơn giản với nước dùng, riêu cua, vài miếng đậu, khách nào ăn “sang” hơn thì có thêm giò mọc.
Khách ăn nào cũng tấm tắc khen nước dùng ở đây ngon, vị ngọt đậm đà của nước dùng không phải do các loại đường hóa học mà phần nhiều do gia vị và ninh xương trong thời gian lâu.
Đặc biệt, giá thành của quán lại rẻ hơn so với các cửa hàng khác trong phố cổ. Chỉ 10.000-20.000 đồng cho một bát thập cẩm là thực khách có một bữa sáng no nê.
Chúng tôi vừa ngồi thưởng thức hương vị bún vừa nghe bác bán hàng chia sẻ ở đây bán chủ yếu cho người dân sống trong phố cổ chứ không phải khách du lịch nên giá cả cũng phải chăng, phù hợp với lao động bình dân.
Tôi nhớ ngày xưa ở quê tôi có món “bún bưng”. Mẹ tôi bảo gọi như thế vì người ăn không có bàn, chỉ bưng bát mà ăn nhanh cho kịp giờ làm. Nhìn quán bún nhỏ này tôi lại nhớ cái thời đó của Hà Nội. Những bát bún đôi khi “không người lái” mà vẫn thơm ngon, vẫn lưu luyến phảng phất.
3. Bún đậu mắm tôm
Nằm giữa con ngõ nhỏ, những quán bún đậu chả thịt cũng thu hút nhiều thực khách tới đây. Bún đậu mắm tôm thì không thiếu tại Hà Nội, nhưng tìm được một hàng ngon lại không dễ.
Mấy người bạn ở Hà Nội giới thiệu những khu nổi tiếng như hàng Khay, Nghĩa Tân, nhưng chắc chỉ có ở ngõ Phất Lộc, bún đậu mắm tôm mới thỏa lòng những thực khách khó tính như tôi.
Ngõ nhỏ nên quán xá cũng nằm lọt thỏm giữa ngõ. Khách vừa gọi món thì chủ quán bưng ra một mâm bún đậu với đầy đủ đậu rán vàng ươm, thịt ba chỉ luộc, rổ rau sống. Thực khách nào thích ăn thêm có thể gọi nem rán, chả quế, lòng rán.
Bún đậu ngõ Phất Lộc nổi tiếng bởi đậu rán và mắm tôm. Những cửa hàng gia truyền ở đây chỉ sử dụng loại đậu mơ, béo ngậy và mịn, khi ăn không có cảm giác bở và khô.
Vừa đưa miếng đậu lên miệng, phần vỏ đậu giòn tan bao trọn lớp bên trong vẫn còn mịn và hơi ngậy. Khách ăn xuýt xoa vì nóng nhưng cũng tấm tắc khen đậu ngon.
Mắm tôm ở đây có màu hồng tươi đặc biệt. Người ta nói mắm tôm thì rất “hôi”, ấy thế mà thứ mắm tôm ở ngõ Phất Lộc lại có mùi hương thơm dìu dịu, không nồng và gằn như mắm tôm ở những nơi khác.
Với hai nguyên liệu chính là đậu và mắm tôm, món bún đậu thơm ngon ngõ Phất Lộc cũng trở thành một “thương hiệu” cho con ngõ nhỏ này.
Rời ngõ Phất Lộc, tôi lại tiếp tục cuộc hành trình rong ruổi gọi tên những món ăn của phố cổ Hà Nội. Dẫu mai một phần nào, những món ăn dân dã kia vẫn góp phần vào hình thành nên phong cách ẩm thực đặc trưng của người Hà thành.