Khu du lịch sinh thái hồ Quan Sơn
Vị trí:
hồ Quan Sơn nằm chạy dài theo hướng Bắc Tây Bắc – Nam Đông Nam, thuộc các xã Thượng Lâm, Tuy Lai, Hồng Sơn của huyện Mỹ Đức (Hà Nội), lan một phần nhỏ sang huyện Kim Bôi tỉnh Hòa Bình.
Hồ Quan Sơn mờ ảo
Khái quát về khu du lịch Quan Sơn
Hồ nằm cách Hà Nội khoảng 50 km về hướng Nam Tây Nam. Hồ rộng khoảng 850 ha, bao gồm gần 100 ngọn núi đá vôi. Chính vì vậy mà Hồ Quan Sơn được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn của tỉnh Hà Tây”. Vào những năm 1960, hồ Quan Sơn được khoanh vùng, bởi một con đê bao dài 20 km chạy dọc từ Thượng Lâm đến xã Hợp Tiến nhằm ngăn chặn nước lũ rừng ngang, tạo bể chứa thủy lợi tưới cho 2.000 ha cây trồng và nuôi trồng thủy sản.
Hồ Quan Sơn mùa nước cạn
Việc khai thác du lịch các quần thể vùng Quan Sơn được quy hoạch với gần 3.000 ha thuộc địa phận bốn xã: Hợp Tiến, Tuy Lai, Hồng Sơn, Thượng Lâm, gồm hồ rộng 850 ha (dài 16 km, rộng 2 km); gần 100 ngọn núi đá vôi, độ che phủ rừng tái sinh hơn 80%. Theo điều tra quy hoạch rừng năm 1992, vùng này có nhiều loài thực vật, thuộc nhiều họ cây quý hiếm, cây làm thuốc, cây đặc sản, cây phong cảnh. Ở đây, người ta đã phát hiện được nhiều loại chim, thú, bò sát sống hoang dã trong rừng khá phong phú (tuy còn ít về số lượng cá thể loài).
Khu du lịch Quan Sơn cũng đã mang nhiều dấu ấn một vùng văn hóa dân tộc, đậm sắc thái lễ hội truyền thống và nếp sống thuần khiết của làng xóm Việt Nam. Khu Quan Sơn có các chùa như Hàm Long, Linh Sơn Tự, Ngọc Linh Tự, Bàn Long Tự, Thung Phật… Cách đó gần 1 km là di tích thành nhà Mạc, vẫn còn tường thành cổ, cổng thành, án ngữ như một tam quan bên đường 431, từ cầu Dậm đi chợ Bến. Trong lòng hồ có các di tích lịch sử kháng chiến như an toàn khu của công binh xưởng sản xuất vũ khí tại núi Cối Tuy Lai, chùa Cao Hồng Sơn thời chống Pháp. Tại hồ Tuy Lai, dân quân xã đã có chiến công bắt sống phi công Mỹ.
Quan Sơn mùa nước nổi
Giá trị du lịch
Vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết và hoang sơ chính là điều làm nên sự hấp dẫn của Quan Sơn. Đến với Quan Sơn du khách có thể tham gia vào các hoạt động du lịch như:
– Đi trên các thuyền nhỏ, leo núi thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên, thực vật ở các đỉnh núi đá: Hòn Mê, Mõm Nghé, Đá Bạc, Quai Chèo… hoặc Cửa Thung Voi Nước, núi Bàn Cờ, Hoa Quả Sơn, núi Chim, Chùa Cao, núi Mối.
Chèo thuyền trên hồ Quan Sơn
– Thăm khu vườn sinh học, trồng cây ăn quả vùng Thung Mơ (24 ha ở xã Hợp Tiến), thung Cống (30 ha ở xã Hồng Sơn). Huyện Mỹ Đức đã có dự án phục hồi các loại động vật vùng núi đá vôi như khỉ, sóc, sơn dương, trăn đất, tắc kè… lập trang trại, vườn sinh thái và khu chăn nuôi các loài động vật như hươu, nai, gấu, khỉ…
– Ngoài ra, du khách còn được chơi các môn thể thao nước, bơi thuyền và thưởng thức các món thủy sản như cá, tôm, cua, ốc (núi đá) tươi sống.
Mưa trên hồ Quan Sơn