Kinh nghiệm đi du lịch đảo Lý Sơn
Đây là lịch trình và kinh nghiệm của cá nhân mình chia sẻ với các bạn về hòn đảo xinh đẹp này sau nhiều năm và nhiều lần đến với Lý Sơn. Những chia sẻ này chỉ có giá trị trong thời điểm mình viết (tháng 6/2014). Các mức giá và chốn ăn nghỉ có thể sẽ thay đổi theo thời gian và biến động thị trường.
Ngày 01: Hà Nội( Sài Gòn) – Chu Lai(Đà Nẵng)
Có rất nhiều lựa chọn cho các bạn để đến được Quảng Ngãi hoặc Sa Kỳ tùy thuộc vào thời gian và điều kiện của các bạn. Có điều kiện thì bay đến Đà Nẵng hoặc Chu Lai rồi di chuyển bằng các phương tiện khác như Taxi, Bus, xe máy để đến Quảng Ngãi rồi ra cảng Sa Kỳ. (Cái này các bạn tự tìm kiếm thông tin trên Google là ra)
Dù đi bằng phương tiện gì thì cũng cố gắng làm sao ra tới cảng Sa Kỳ sớm nhất trong sáng ngày hôm sau để mua vé lên tàu cao tốc ra đảo. Tàu chạy khoảng 7h đến 7h30 hàng ngày. Ngày nào đông có thể tăng thêm các chuyến sau đó tùy theo lượng khách.
Vé tàu được bán từ 6h sáng. Mỗi người chỉ được mua không quá 2 vé và phải mang theo CMND hoặc hộ chiếu mới được mua vé. Nếu đi đoàn đông nên liên hệ mua vé trước. Khi mua vé cho đoàn đông cần có danh sách thông tin của cả đoàn gồm họ tên, năm sinh, số CMND, quê quán.
Các bạn có thể nghỉ đêm tại Quảng Ngãi rồi sáng hôm sau mới di chuyển ra cảng Sa Kỳ bằng các phương tiện như Taxi, xe bus hoặc có thể tới thẳng cảng Sa Kỳ nghỉ đêm để sáng hôm sau tiện cho việc mua vé tàu ra đảo hơn.
Theo kinh nghiệm của mình và cách đi của mình thì mình hay bắt xe giường nằm để đến Quảng Ngãi. Chọn chuyến xe nào phù hợp để đến Quảng Ngãi vào tối hôm trước rồi sau đó đi xe bus hoặc taxi xuống cảng Sa Kỳ nghỉ đêm.
Tại cảng Sa Kỳ ngay đường vào cảng, cách cảng 200 mét có mấy nhà nghỉ, nhà trọ. Nghỉ ngơi cũng sạch sẽ. Nhà nghỉ , nhà trọ ở cảng Sa Kỳ giá khoảng 150.000 đồng/phòng đôi, nhà trọ thì 50.000 đồng/người.
Ngày 02: Quảng Ngãi – Sa Kỳ – Đảo Lý Sơn
Dậy sớm trả phòng và di chuyển ra cảng trước 6h30 để mua vé tàu cao tốc.
7h-7h30: Lên tàu cao tốc, đến đảo Lý Sơn
9h00: Nhận phòng, nghỉ ngơi nếu bị say sóng quá mệt. Đến Đảo nhận phòng, thuê xe máy đi tham quan luôn (cái này phải liên hệ trước để nhà nghỉ chuẩn bị xe, mũ BH đầy đủ).
Nếu ở trung bình thì nên dùng Hoa Biển, Viễn Đông, Thành Phát, còn nếu ở tiết kiệm thì Đại Dương, Bình Yên… ngay cầu cảng.
Năm nay mọc thêm nhiều nhà nghỉ do nhu cầu khách du lịch đến quá đông nên có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, dù ở đâu cũng nên đặt trước nếu vào những dịp lễ tết hoặc ngày cuối tuần.
Ăn cũng có thể đặt ăn tại Hoa Biển hoặc các nhà nghỉ mình nghỉ. Mấy quán nhậu thì mình thấy Sơn Thủy trên chỗ gần chùa Hang là ổn nhất và mát nhất. Mỗi tội hơi xa và không có cơm, chỉ có nhậu và nếu đói thì có cháo Nhum thôi.
Cung đường đi tham quan như sau sẽ tận dụng được thời gian mà đi được hết các điểm: Nhà nghỉ => Nhà lưu niệm (tượng đài luôn) => Giếng vua => Chùa Hang => Hải đăng lớn=> Đình làng An Hải => về KS ăn trưa.
Chiều: Hồ đập nước(Núi Thới Lới) => Hang Câu => Đình làng An Vĩnh, Âm Linh Tự, Chùa Đục => Cổng Tò Vò(ngắm hoàng hôn xuống biển ở chùa Đục)=> Khu mộ gió => về KS ăn tối(ở quán Sơn Thủy có Karaoke rộng, ngay bờ biển).
Về nghỉ ngơi sớm và nếu thích chụp ảnh thì sang hôm sau cố gắng dậy sớm để chụp ảnh bình minh lên trên biển rất đẹp ở đèn biển hòn Mù Cu phía Đông của đảo gần nhà nghỉ Hoa Biển.
Ngày 03: Lý Sơn – Đảo Bé An Bình
Sáng: Thức dậy sớm, ngắm bình minh ở Hải đăng lớn, Vịnh Mù Cu hoặc đỉnh Thới Lới. Ăn sáng, sau đó lên tàu thăm quan Đảo Bé An Bình.
– 9h: Đặt chân lên đảo Bé, lấy phòng, tắm biển, lặn san hô, nghỉ ngơi tự do. Ở đảo Bé đã có 1 nhà nghỉ có 3 phòng là nhà nghỉ Minh Vy của vợ chồng chị Đảnh ngay gần cầu cảng. Ngoài ra có thể xin nghỉ nhờ bất kỳ nhà ai trên đảo bé kiểu homestay hoặc cắm trại ngoài bãi biển cực đẹp.
– Trưa: Ăn trưa, sau đó nghỉ ngơi
– Chiều: Thăm quan ruộng hành tỏi, Ngắm bãi cát trắng mịn với những khối đá muôn vạn hình thù kỳ bí, chụp ảnh, Tắm biển tại Hang sau.
– Tối : dựng lều tại bãi Tiên, BBQ hải sản giao lưu hát hò
– Ngày 04: Lý Sơn – Quảng Ngãi – Chứng tích Sơn Mỹ
– 05h: Dậy đón bình minh, tắm biển, dọn dẹp, ăn sáng và trở về đảo Lớn
– 7h30: Lên tàu trở về đất liền. Kết thúc hành trình khám phá Lý Sơn…
– 9h30: Đoàn về đến cảng Sa Kỳ, sau đó lên xe, tiếp tục đến dạo chơi bãi biển Mỹ Khê – Quảng Ngãi
– 11h: Thăm quan khu chứng tích Sơn Mỹ, đoàn có thể trực tiếp nhìn thấy những bức ảnh ghi lại tội ác chiến tranh, của quân đội Hoa Kỳ đối với những người dân vô tội tại Mỹ Lai (Sơn Mỹ), để nhìn thấy sự tàn khốc ác liệt của chiến tranh.
– 12h: Kết thúc hành trình.
Một số lưu ý và liên hệ:
1. Lưu ý:
– Đến tháng 9/2014 thì điện lưới quốc gia mới được cấp cho đảo Lớn, Đảo bé theo kế hoạch là phải đến năm 2016 hoặc sớm là cuối 2015 nên hiện nay trên đảo vẫn dùng điện do nhà nước hỗ trợ chạy bằng máy phát nên chỉ có điện từ 17h chiều đến 21h đêm hằng ngày. Các nhà nghỉ thường tích điện để sử dụng những việc cần thiết khi không có điện như sạc điện thoại cho khách, phát wifi, một vài nhà nghỉ có máy phát điện để phục vụ khách nhưng giá phòng sẽ tăng lên rất cao như Lý Sơn Hotel, Đại Dương, Viễn Đông…
– Vấn đề vé tàu cao tốc là vấn đề chưa được ổn lắm nên các bạn khi ra đảo, về đất liền cần phải chủ động đến sớm hoặc liên hệ trước để mua vé kẻo bị lỡ tàu thì sẽ vỡ hành trình của mình. Gía vé tàu dao động từ 110 – 130.000 đồng tùy loại tàu. Có 1 chuyến tàu gỗ chờ hàng hóa ra vào đảo nên nếu các bạn đi tàu này cũng ổn. Giá vé tàu gỗ là 50.000 đồng/người/lượt.
– Hiện nay do lượng khách du lịch đến với Lý Sơn quá đông trong khi sự quản lý và hoạch định chính sách của các cơ quan huyện đảo còn kém nên vấn nạn rác đang là vấn đề mà khách du lịch cảm thấy Lý Sơn mất điểm. Cũng là hệ quả tất yếu của việc phát triển nóng và sự tắc trách của cơ quan chính quyền không kịp có biện pháp xử lý. Vậy nên mỗi khách du lịch chúng ta hãy tự giác giữ gìn vệ sinh và môi trường chung. Cũng là giữ cho chính mình.
– Hiện nay ở đảo lớn Lý Sơn có 1 cầu cảng chính và 1 âu tàu. Nếu mùa du lịch từ tháng 4 đến tháng 9 là mùa nước cạn, biển êm nên các tàu cao tốc sẽ cập cảng chính ở phía Tây Nam của đảo. Mùa biển động thì khó ra vào là khoảng giữa tháng 9 âm lịch đến gần hết tháng 10 âm lịch. Các bạn không nên đi mùa này(trừ mình và những kẻ hâm dở thích mạo hiểm, cảm giác mạnh và tỉ phú thời gian). Mùa từ tháng 11 dương lịch trở đi là có thể đi tham quan được rồi nhưng trời có ảnh hưởng lạnh nên khó tắm biển. Mùa này nước lớn nên các tàu thường cập âu tàu phía Đông Bắc của đảo. Khu này gần các nhà nghỉ như Hoa Biển, Thành Phát, Hoàng Sa…
– Hiện nay các nhà nghỉ thường có xe đưa đón khách tại cảng. Tuy nhiên đôi lúc xe hỏng hay có việc thì các nhà nghỉ vẫn bắt khách phải tự di chuyển vào nhà nghỉ như thường. Lúc đó nếu 1 mình thì nên đi xe ôm còn nếu đông thì có các loại xe 3 gác để di chuyển.
– Bên đảo bé An Bình thì nên lưu ý là thật tiết kiệm nước ngọt vì ở đảo bé không có nguồn nước ngọt. Hoàn toàn sử dụng lọc nước biển thành nước ngọt hoặc mang từ đảo lớn sang nên giá thành rất đắt đỏ.
– Lưu ý cho những ai thích chụp ảnh: Bình minh ở phía Đông của đảo là khu những nhà nghỉ như Hoa Biển, Thành Phát, Hoàng Sa gần đèn biển Mù Cu, Hải đăng thuộc thôn Đông xã An Hải. Hoàng hôn thì nên chạy về phía Tây đảo khu vực chùa Đục, Cổng Tò Vò thuộc xã An Vĩnh.
– Trên đảo có rất nhiều bàng vuông nhưng hoa nở đẹp nhất là ở nhà nghỉ Hoa Biển. Điều đặc biệt là mấy cây bang vuông nhà Hoa Biển thì hoa nở quanh năm chứ không theo mùa. Đêm nào cũng có hoa nở.
– Các bạn có thể đến Lý Sơn bất cứ mùa nào và hầu như đều tắm được ngoại trừ mùa biển động đã nói ở trên vì Lý Sơn thuộc Nam Trung Bộ nên ít ảnh hưởng của mùa đông phía bắc. Mỗi mùa đi đều có cái hay của nó và đáng trải nghiệm
2. Thông tin liên hệ:
– Nhà trọ Hương Biển ở cảng Sa Kỳ : 0164.529.6803. Vợ chồng bà chủ tên Lương – Lan. Giá khoảng 50.000 đồng/người/đêm.
– Số điện thoại đặt vé tàu cao tốc cảng Sa Kỳ: Tham khảo ở đây : http://www.lyson.org/
– Nhà nghỉ đảo lớn: Tham khảo ở đây : http://www.lyson.org/ (tuy nhiên giá thay đổi chứ không cố định, vào mùa giá có thể tăng hoặc chạy điện máy phát là có tăng giá nhé)
– Nhà nghỉ Minh Vy đảo bé : Chị Đảnh : 0165.8768.790, 0168. 831.36.31. Giá phòng đơn khoảng 200.000 đồng, Phòng đôi 250.000 đồng. Có thể phục vụ điện máy nổ cả ngày đêm nhưng giá không chịu nổi.
– Thuê tàu đi đảo bé : Liên hệ chị Đảnh luôn.
– Thuê xe máy đi tham quan: Liên hệ với chính các chủ nhà nghỉ. Giá thuê xe máy số khoảng 100.000/ngày mình tự đổ xăng, 150.000 đồng là chủ xe đổ xăng, xe ga mỗi loại tăng thêm 50.000 đồng. Nếu đi đông thì nên liên hệ trước với chủ nhà nghỉ để họ bố trí xe. Khi nhận xe nhớ kiểm tra phanh, ga cho chuẩn chứ xe ở ngoài đó nhiều xe cà tàng đi rất nguy hiểm.
– Về chi phí: Ngoại trừ những nơi khác di chuyển thì riêng ở đảo theo kinh nghiệm của mình thì chi phí mỗi ngày khoảng 700.000 đồng/người cho tất cả từ thuê xe tham quan, xăng cộ, ăn uống, tàu sang đảo bé, nhậu nhoẹt là trung bình và khá ổn. Chi phí như này là đã có 1 bữa đặc sản như cua Huỳnh Đế hoặc 1 bữa BBQ hải sản ngoài trời rồi. Có thể chi tiêu cao hơn hoặc tiết kiệm hơn tùy vào túi tiền mỗi người. Còn nếu muốn biết kỹ hơn về các dịch vụ hoặc cách chi tiêu và ngõ ngách thì mời các bạn PM mình trên FB ở nick: Ngong Hankang. Chứ ở đây không thể viết cặn kẽ cho từng đối tượng được.
– Theo kinh nghiệm của mình thì để khám phá và đi được toàn diện cho đảo Lý Sơn thì thời gian dành cho đảo là 3 ngày 2 đêm. Còn tùy theo thời gian của mọi người có được. Cụ thể để bố trí hợp lý thì các bạn cũng lại phải PM mềnh ở nick FB mềnh mới chia sẻ thêm được
– Mình vừa ở đảo tháng 5 và tháng 6/2014 là hơn chục lần. Hiện nay dự án kè bờ biển ở đảo bé đã bắt đầu kéo máy sang. Theo như mình biết từ nguồn tin nội bộ thì dự án này sẽ xây dựng khá nhanh. Nếu như vậy sẽ mất đi mấy bãi biển cực đẹp để tắm ở đảo bé. Vậy nên, nếu bạn có ý định đi Lý Sơn thì nên đi trong năm nay hoặc cùng lắm là sang năm. Nếu ko sẽ ko còn những thứ đẹp và hoang sơ nữa. Khi bờ kè xây dựng xong thì tầm nhìn bị hạn chế, quang cảnh ko còn đẹp và hầu như mất hết góc chụp đẹp của đảo.
*P/S: Những chia sẻ này dựa trên kinh nghiệm của cá nhân nên có thể đúng, có thể sai. Nếu khi các bạn đến những nơi này sử dụng dịch vụ mà có thấy sai lệch thì mình cũng không thể chịu trách nhiệm đâu nhé