Những bờ biển không cát đẹp mê hồn
Cẩm nang du lịch thành phố biển Vũng Tàu
Với đường bờ biển trải dài, thời tiết ôn hòa cùng các đặc điểm văn hóa đa dạng, du lịch biển thường là lựa chọn được số đông gia đình, du khách yêu thích. Ngay cả khi thời tiết miền Bắc đang trải qua những đợt mưa phùn gió rét, bạn vẫn có thể xuôi về phía Nam và khám phá những bãi biển tuyệt đẹp, nước xanh ngắt với làn gió mát lành.
Tuy vậy, để bảo đảm sức khỏe cũng như tính mạng toàn bộ thành viên trước những sự cố tiêu cực có thể xảy ra, du khách vẫn nên lưu ý một số kinh nghiệm dưới đây
Sự cố xuất hiện dầu vón cục ở Bãi Sau – Vũng Tàu mới đây khiến nhiều du khách lo ngại khi đi tắm biển. Ảnh: Xuân Mai.
Trước khi đi biển
Trang phục
Bạn nên chuẩn bị quần áo phù hợp, thoáng mát và gọn nhẹ như quần short, váy áo cộc tay. Ngoài ra, lời khuyên phổ biến là hãy mang theo hai bộ áo bơi để thay đổi khi cần.
Phụ kiện
Tiếp xúc quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hay để mặc làn da cháy nắng trong nước biển có thể khiến bạn gặp các vấn đề không tốt về sức khỏe. Đây cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh nguy hiểm như ung tư da.
Vì lẽ này, hãy bảo đảm chắc bạn luôn mang theo kem chống nắng, mũ rộng vành, kính râm và cả thuốc nhỏ mắt. Loại kem chống nắng phù hợp nhất là dòng sản phẩm có chỉ số SPF từ 30 trở lên.
Lưu ý khi xuống biển
Khởi động cơ thể
Cũng giống các môn thể thao khác, trước khi xuống biển bơi, du khách nên nhẹ nhàng khởi động bằng một số động tác cơ bản như vươn vai, chạy bộ… làm giãn cơ. Hoạt động này giúp cơ thể nhanh chóng thích nghi với môi trường dưới nước, phòng tránh cả những trường hợp chuột rút hay đuối sức giữa lúc đang bơi. Một lưu ý nữa giúp cơ thể chóng thích nghi là tắm tráng trước khi xuống biển.
Không để bụng quá đói hoặc no
Bụng no thường mang lại cảm giác nặng nề và dẫn tới khả năng đau dạ dày khi vận động mạnh với các tư thế bơi lội. Trong khi đó, lúc đói bụng, cơ thể mệt mỏi, dễ gây đuối sức. Cách bảo đảm nhất là du khách chuẩn bị một vài món ăn nhẹ như bánh ngọt, hoa quả, trứng luộc… để ăn sau khi bơi. Trường hợp ăn trước khi bơi, bạn nên đợi ít nhất 15-30 phút để thức ăn được tiêu hóa bớt.
Tránh bơi quá xa bờ
Hầu như bãi tắm nào phục vụ khách du lịch cũng đều có biển báo, chỉ dẫn hay rào chắn và nhân viên cứu hộ xung quanh. Tuy vậy, bạn vẫn nên cẩn trọng và hạn chế bơi quá xa bờ.
Nếu đi cùng trẻ nhỏ, hãy luôn để mắt tới chúng, nhất là ở những vùng biển sóng to gió lớn. Ngoài ra, việc thường xuyên theo dõi tin tức dự báo thời tiết cũng cần hết sức lưu ý.
Dòng chảy xa bờ cũng là một trong những hiện tượng du khách nên lưu ý và đề cao cảnh giác.
Tránh các bãi biển gần cảng, cột trụ
Những bãi biển dọc thành phố cảng thường có trụ neo hoặc cầu cảng nằm rải rác, tập trung nhiều sứa hay các loại động vật thân mềm khác. Hạn chế bơi lội tại những khu vực này, bạn sẽ tránh được rủi ro như bị sứa cắn, rác thải trôi nổi.
Cẩn trọng với các bãi tắm ở thành phố dầu khí
Sự cố tràn dầu trên các bãi tắm thường mất vài ngày mới có thể xử lý xong và làm sạch. Do vậy, du khách nên chủ động cẩn thận và nghe ngóng, theo dõi tình hình các bãi biển trước khi ghé thăm. Trường hợp đang bơi và gặp sự cố dầu loang, hãy bình tĩnh lên bờ càng sớm càng tốt, sau đó dùng giấy thấm dầu lau sạch toàn thân và tắm rửa kỹ bằng xà phòng.
Nhận biết và tránh dòng chảy xa bờ
Dòng chảy xa bờ là dòng nước mạnh, chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng sẽ đánh và đưa nước vào bờ trong khi dòng chảy này liên tục trôi ngược ra biển. Nơi có dòng chảy xa bờ thường là vùng nước lặng, màu sậm hơn do độ sâu bất thường và hầu như không có sóng.
Du khách rơi vào tình huống này, nên bình tĩnh, cố gắng bơi song song với bờ biển đến chỗ có sóng bạc đầu và nhờ nó đưa vào bờ. Trường hợp quá đuối sức, bạn vẫn nên bình tĩnh và giữ cơ thể nổi trên mặt nước, đồng thời giơ tay ra hiệu cấp cứu, trợ giúp.