Sáng 10/9, UBND tỉnh Yên Bái đã thông tin về Lễ hội văn hoá, du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải với nhiều hoạt động phong phú nhằm thu hút khách du lịch đến với Yên Bái.
Theo đó, nhằm bảo tồn và tôn vinh những giá trị truyền thống, tinh thần và khí phách dân tộc, quảng bá cho du khách quốc tế, lễ hội lần này sẽ được diễn ra tại Mường Lò – vùng đất tổ của người Thái đen trong truyền thuyết với chủ đề: “Tinh hoa từ huyền thoại” vào ngày 20/9.
Chương trình đặc biệt chú trọng vào việc bảo tồn giá trị văn hóa dân gian cổ truyền của các dân tộc vùng Tây Bắc, tôn vinh nghệ thuật Xòe cổ – một biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo của Tây Bắc, Việt Nam. Lần đầu tiên, một màn đại Xòe của Việt Nam được dàn dựng công phu với sự tham gia của 5000 nghệ nhân dân gian và diễn viên quần chúng sẽ đăng ký xác lập kỷ lục Guiness thế giới.
Màn múa xoè với sự tham gia của 2019 người trong Lễ hội Mường Lò 2019.
Không chỉ là một màn biểu diễn nghệ thuật Xòe thông thường, 5000 nghệ nhân dân gian và bà con dân tộc sẽ được các đạo diễn dàn dựng thành một đại hoạt cảnh xòe với chủ đề “Đại Xòe – Tinh hoa dân tộc”. Đặc biệt, màn đại xoè sẽ được thực hiện theo sáu điệu Xòe cổ gồm: Khắm khen (Nâng khăn đón bạn), Khắm khăn mời lẩu (Nâng khăn mời rượu), Phá xí (bổ 4), Đổn hôn (Tiến lùi), Nhôm khăn (Tung khăn) và Ỏm lọn tốp mư (Vòng tròn vỗ tay).
Không những vậy, các nghệ sỹ không chuyên sẽ còn di chuyển tạo hình thành 5 đội hình thể hiện 5 sắc thái ý nghĩa và các trường đoạn khác nhau nói về sự hình thành và phát triển của nghệ thuật Xòe cùng đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc như: Đội hình Vòng tròn hội tụ, đội hình Vòng xoáy thời gian, Đội hình hoa văn Tây Bắc, Đội hình hoa ban và cuối cùng là đội hình Đại đoàn kết dân tộc.
Đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ về màn đại Xoè lớn nhất thế giới trong Lễ hội Mường Lò.
Đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ: “Khác với nhiều lễ hội khác, khán giả sẽ chìm đắm vào không gian Tây Bắc mang đậm sắc màu dân tộc, ngất ngây trong những chất liệu âm nhạc và âm thanh của cuộc sống của bà con nhưng đã được hòa phối một cách công phu, tinh xảo để trở thành những màn trình diễn độc đáo.
Những vật thể tưởng như vô cùng quen thuộc như: quả bầu, chiếc khèn, chiếc nón đều trở thành những tác phẩm nghệ thuật huyền ảo. Những phong tục truyền thống như: tằng cẩu, tắm suối, đám cưới, đám rước lễ… đều được cách điệu hóa, sân khấu hóa để trở nên thơ mộng, thi vị và đẹp hơn bao giở hết. Nhưng đặc biệt, công phu nhất vẫn phải là màn trình diễn của 5000 nghệ nhân dân gian, những con người yêu nghệ thuật, yêu dân vũ từ trong máu thịt, những cô gái thần tiên dường như sinh ra đã biết Xòe”.
Hà Tùng Long