Đường Lâm là một xã thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam, và đã trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19 tháng 5 năm 2006.
Đây là quê hương nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An,… Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng.
Vị trí
Làng nằm bên hữu ngạn sông Hồng (bờ phía Nam), cạnh đường Quốc lộ 32, tại ngã ba giao cắt với đường Hồ Chí Minh. Làng giáp phường Phú Thịnh- Sơn Tây ở phía đông, giáp xã Cam Thượng phía tây, xã Thanh Kỳ và Xuân Sơn phía nam và tiếp giáp sông Hồng ở phía bắc.
Ngôi nhà cổ ở Đường Lâm
Di sản kiến trúc
Đường Lâm thời cổ vẫn tương ứng với địa bàn xã cùng tên hiện nay, bao gồm 9 làng nhỏ: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm, Phụ Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu thuộc thành phố Sơn Tây.
Điều đặc biệt là tại làng này cho đến nay còn bảo lưu được khá nhiều ngôi nhà cổ mang đặc trưng nhà ở dân gian vùng châu thổ sông Hồng. Theo thống kê, hiện ở làng Mông Phụ có khoảng 100 nhà cổ, Cam Thịnh có 17, Đoài Giáp có 8, Phụ Khang có 13 nhà cổ tiêu biểu còn giữ được hầu như nguyên vẹn kiểu thức kiến trúc cổ kính. Đó là dạng nhà được tạo dựng bằng những vật liệu gỗ, đá ong và lợp ngói ri, với phần nội ngoại thất cũng còn giữ nguyên kiểu dáng ban đầu. Những ngôi nhà có niên đại trên 200 năm chiếm khoảng 5%, còn lại chủ yếu là nhà có niên đại dưới 100 năm. Hầu hết các nhà cổ ở đây đều có cổng, tường rào, sân, vườn, bình phong, nhà chính, nhà phụ, bếp, khu chăn nuôi…rất quen thuộc với các làng xưa ở Thăng Long- Hà Nội, nhưng hiện còn không nhiều lắm ở những nơi khác.
Làng cổ Đường Lâm với đặc trưng cây đa, giếng nước, sân đình
Ngày nay, làng Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt cổ. Hệ thống đường xá của Đường Lâm rất đặc biệt vì cấu trúc hình xương cá. Với cấu trúc này, nếu đi từ đình sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh.
Một điểm đặc biệt là Đường Lâm còn giữ được một cổng làng cổ ở làng Mông Phụ. Đây không phải là một cổng làng như các cổng làng khác ở vùng Bắc Bộ có gác ở trên mái với những mái vòm cuốn tò vò mà chỉ là một ngôi nhà hai mái đốc nằm ngay trên đường vào làng. Cũng ở làng Mông Phụ có đình Mông Phụ – được xây dựng năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông) – là ngôi đình đặc trưng cho đình Việt truyền thống. Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở bên tạo thành hình tượng hai râu rồng. Hàng năm, đình tổ chức lễ hội từ mùng Một đến mùng Mười tháng Giêng âm lịch với các trò chơi như thu lợn thờ, thi gà thờ…
Những ngôi nhà ở Làng cổ Đường Lâm được xây bằng đá ong
Về nhà cổ, ở Đường Lâm có 956 ngôi nhà truyền thống trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh lần lượt có 441, 350 và 165 nhà. Cò nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu (năm 1649, 1703, 1850…). Đặc trưng của nhà cổ truyền thống ở đây là tất cả đều được xây từ những khối xây bằng đá ong.
Nghề truyền thống
Nghề làm tương ở Đường Lâm
Nhà nào cũng có vài ba vại tương ngoài sân
Ở Đường Lâm, nghề làm tương cũng rất nổi tiếng, tương ở đây ăn rất ngon, nổi tiếng không kém gì tương bần Hưng Yên hay tương Cự Đà ở Thanh Oai,…Tương được dùng làm nước chấm cho rau muống luộc, thịt trâu, thịt bò, dùng để kho cá. Ngoài ra còn có cả món cà dầm tương, củ cải ngâm tương,…ăn đều rất ngon.