Làng cổ Lộc Yên được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia
Vùng đất Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước có quá trình hình thành gắn với công cuộc khai hoang lập làng vào thế kỷ XV-XVI. Đến thời Tây Sơn (1771-1802) làng Lộc Yên mới chính thức được khai sinh với tên gọi ban đầu là Lộc An. Làng Lộc Yên có tổng diện tích tự nhiên 279 ha, gồm 4 tổ đoàn kết với 191 hộ, 896 khẩu.
Tại làng Lộc Yên, người dân hiện còn lưu giữ 8 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100-150 năm, dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân phường mộc Vân Hà đã thổi hồn vào từng thớ gỗ, biến những thanh gỗ thô cứng trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, tinh anh.
Với kiểu thức kết cấu là nhà lá mái và nhà rường cùng kiến trúc độc đáo, tinh xảo, các ngôi nhà cổ Lộc Yên luôn được đánh giá là quần thể có giá trị cao về mặt kỹ xảo và mỹ thuật.
Tường rào, cổng ngõ bằng đá ở làng cổ Lộc Yên
Vào những năm 50 của thế kỷ 20, Lộc Yên là nơi đặt công binh xưởng QB 150 chế tạo vũ khí, đạn dược cung cấp cho chiến trường khu V. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều gia đình ở Lộc Yên là cơ sở của cách mạng. Làng Lộc Yên hiện có 12 gia đình là thân nhân liệt sỹ, nhiều người là thương binh và bệnh binh.
Bòn bon – loại trái cây đặc sản ở làng Lộc Yên
Một điều đặc biệt nữa ở Làng cổ Lộc Yên chính là những con ngõ, bờ vườn, mộ cổ, giếng cổ… đều được làm từ những viên đá ở chính địa phương. Thiên nhiên còn ưu đãi cho mảnh đất Lộc Yên có khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với những vườn trái cây nổi tiếng như thanh trà, bòn bon, mít… tất cả tạo thành một không gian miệt vườn bao bọc những ngôi nhà cổ kính.
Ngoài ra, trải qua những thăng trầm, biến động của lịch sử, Làng cổ Lộc Yên vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của mảnh đất xứ Quảng, người dân luôn đề cao tình làng nghĩa xóm, sống gần gũi, chan hòa.
Làng Lộc Yên đón nhận bằng Di tích cấp Quốc gia
Hiện nay, mỗi năm có khoảng 10.000 lượt khách tới tham quan làng cổ Lộc Yên. Tuy nhiên, hoạt động du lịch tại đây mới dừng lại ở mức sơ khai, còn nhiều tiềm năng cần được đánh thức trong thời gian tới.
Ông Phùng Văn Huy – Phó Chủ tịch huyện Tiên Phước – cho biết, việc bảo tồn, gìn giữ làng cổ Lộc Yên có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương.
Trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân địa phương sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa, thực hiện tốt nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Tiếp tục gìn giữ, trùng tu nhà cổ; phát huy hiệu quả không gian cảnh quan làng cổ gắn với quảng bá, phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan nơi đây.
C.Bính