Làng Cót

Tác giả: Đi Đâu Chơi GìĐăng ngày: 02/11/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Được ví như một “ngân hàng âm phủ”,
từ những ngày đầu tháng Chạp, dân làng Cót đã “vào cầu” kinh doanh tiền tệ cho người cõi âm như
thường niên. Trung bình mỗi ngày cuối năm, làng Cót tiêu thụ không dưới 30 tấn nguyên liệu
giấy.

Từ nhiều năm nay nổi tiếng là trung
tâm sản xuất vàng mã lớn nhất nước. Trong làng có đến hàng trăm chủ lớn và hàng ngàn người làm vàng
mã. Bởi thế, nhiều người còn ví đây là “tổng kho” đồ đạc cho người âm phủ cũng như “đại nhà máy” in
tiền vàng. Nhưng thật ra, giờ đây không khí làm đồ vàng mã ở làng Cót không còn như
xưa…

Cùng với làng Thượng Yên Quyết (nằm
phía trên gần cầu Giấy), làng Hạ Yên Quyết được gọi chung là “Kẻ Cót”, là vùng quê có truyền thống
hiếu học và khoa bảng, nằm trong “tứ danh hương” (Mỗ, La, Canh, Cót – là các làng xã Hạ Mỗ, Tây Mỗ,
Đại Mỗ; La Nội, La Khê, Ỷ La; Vân Canh, Hương Canh; Hạ Yên Quyết, Thượng Yên Quyết) của huyện Từ
Liêm xưa, với 10 tiến sĩ và gần 30 hương cống thời Hậu Lê và 9 cử nhân thời Nguyễn.

Làng Cót ở gần kinh đô xưa, kinh tế
khá phát đạt với nhiều nghề thủ công, buôn bán. Làng Cót có một chế độ khuyến học thỏa đáng, từ xưa
làng dành ra 3 mẫu ruộng “độc thư điền” để biếu cho người đỗ tiến sĩ trở lên; ngày ông nghè về vinh
quy, cả làng đem cờ lọng đón rước và mừng 100 quan. Ngoài ra còn thưởng ruộng cho cả người đỗ cử
nhân, tú tài.

Tiền âm phủ làng Cót có mặt ở khắp
các tỉnh miền Bắc, vào đến cả Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Ở Hà Nội, phố Hàng Mã là
“sàn giao dịch” của các loại “tiền tệ” “made by” làng Cót này.

Việc in tiền ở làng Cót cũng rất
thức thời. Trần sao âm vậy, trần giàu sang bao nhiêu thì ở “bên kia”, âm phú quý như vậy. Xu, bạc,
vàng lá, USD với các mệnh giá khác nhau đều được các “công xưởng” tại đây sản xuất. Tiền âm Tết Mậu
Tý khi bán ra đã vượt giá so với năm cũ. “Mới đầu tháng, mỗi xấp (gồm 100 tờ, riêng tiền xu chỉ có
10 tờ) được bán với giá 1.000 đồng, nay đã là 1.500 đồng”, bà Những – một người làm hàng mã lâu năm
cho biết.

Gần đến ngày lễ ông Táo (23/12 âm
lịch), dân làng Cót đang trong cảnh “tiền tấp như núi”. Sau khi đưa đi in xong, họ phải đem về nhà
để cắt, tạo thành xấp rồi mới bán buôn cho các nhà buôn hàng mã các tỉnh.

Mặt hàng tiền âm của làng Cót đặc
biệt đầy đủ, phong phú về chủng loại, từ lá bạc, lá vàng, xu xanh, xu vàng… tới đồng tiền Việt
Nam, tiền đô Mỹ. Thế giới bên kia cũng phân biệt kẻ sang người hèn, nhà giàu thì đốt “tiền chất
lượng cao” giấy trắng, dày, in hai mặt sắc nét; bần hàn thì dùng loại tiền cũ mỏng tang, nhòe
nhoẹt.

Phân công lao động trong làng cũng
đạt tới mức chuyên môn hóa cao, có nhà chỉ làm tiền đô, có nhà chỉ chuyên xu vàng, xu xanh… Mỗi
gia đình luôn thường trực 5-7 lao động làm thuê mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Tiền âm làng Cót cung cấp cho hầu khắp các tỉnh từ Nghệ An, Thanh Hóa trở ra Bắc với lượng tiêu thụ
khổng lồ.

Tốc độ đô thị hoá chóng mặt đã khiến
cho những người làm nghề thủ công này co cụm lại, chỉ còn lác đác vài hộ.

Trông bên ngoài, không khí làng Cót
không như phố Hàng Mã xanh, đỏ và nhộn nhịp. Nhưng từng người dân làng Cót vẫn đang ngày ngày hối
hả “làm tiền”, phục vụ nhu cầu tâm linh của phần lớn người dân trong ngày lễ Tết.

Ngày này, làng Cót là một trong các
trung tâm cung cấp vàng mã cho Hà nội và một số tỉnh lân cận. Làng còn có món bánh cuốn khá độc
đáo.

TH

Cầu Giấy hàng mã sông Tô Lịch
Bài viết liên quan