Làng Hoa Hữu Tiệp

Tác giả: Đi Đâu Chơi Gì
Đăng ngày: 02/11/2018
Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Giống như làng Ngọc Hà, làng Hữu
Tiệp chỉ có đất để trồng hoa, không có ruộng đất để cấy lúa. Nhà và vườn
trồng hoa đan xen nhau. Hai làng lại ở sát nhau, nên không có địa giới
tự nhiên rành rọt. Do những đặc điểm chung này mà người Hà Nội trước đây
gọi chung hai làng Hữu Tiệp – Ngọc Hà bằng một tên chung : Trại Hàng
Hoa.

Nghề chính của làng Hữu Tiệp là trồng hoa, lúc đầu trồng
các loại hoa nội, từ đầu thế kỷ XX bắt đầu trồng các loại hoa ngoại mà
những người học được đầu tiên là các ông Phạm Văn Tỉnh và Trịnh Văn
Quang. Người Hữu Tiệp còn biết kết hoa cho các xe tay, xe ô tô để dùng
trong các dịp lễ tết, hội hay cưới xin, tang ma. Nghề trồng hoa làm cho
cuộc sống của dân làng dễ chịu hơn so với các làng trồng lúa trong khu
“Thập tam trại”. Nhà cửa trong làng xưa kia phần lớn là nhà gạch hoặc
nhà ngói. Ngoài trồng hoa, phụ nữ trong làng còn buôn bán hoa, nam giới
đi làm thợ nề, làm cai hoặc làm công nhân, số người đi học để làm công
chức rất ít.

Làng Hữu Tiệp có ba xóm : xóm Bảo Vân ở sát Đường
Thành (đường Hoàng Hoa Thám), xóm Đình và xóm Thượng. Cư dân trong làng
thuộc các họ gốc là : họ Tống, họ Lê và họ Trịnh. Ba họ này đều từ Tống
Sơn (Thanh Hóa) và Hoa Lư (Ninh Bình) chuyển cư ra vào khoảng thế kỷ XI –
XV. Về sau có thêm các họ : Phạm, Nguyễn, Dương, An.

Làng có
ngôi đình thờ Huyền Thiên Hắc Đế – một nhân vật truyền thuyết đã âm phù
vua nhà Lý đánh thắng giặc ngoại xâm, giống như làng Ngọc Hà. Làng có
chùa Bát Mẫu quy mô khá lớn. Làng có hai ngôi đền : đền Cát Triệu thờ mẹ
thành hoàng, đền Trường Dược thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, tục truyền là bà
chúa giữ kho thuốc súng, về sau thờ cả Mẫu Liễu Hạnh và Thuỷ Tinh (Mẫu
Thoải). Hội làng được tổ chức vào ngày 19 tháng Giêng, chung với làng
Ngọc Hà. Hai làng rước bài vị của thần đến Núi Sưa (trong vườn Bách Thảo
hiên nay) để tế chung.

Nhắc đến Hữu tiệp, người ta không thể
quên được sự kiện đáng ghi nhớ. Đó là ngày 28 – 12 – 1972, một máy bay
B. 52 của giặc Mỹ đã bị quân và dân Thủ đô bắn rơi xuống klhu vực xóm
Thượng của làng. Xác chiếc máy bay này hiện vẫn được bảo tồn, như là
minh chứng cho cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong chiến
dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12 – 1972.

Exit mobile version