Làng kim hoàn Định Công

Tác giả: Đi Đâu Chơi GìĐăng ngày: 02/11/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020
Không giống với làng gồm Bát Tràng, người Định
Công thờ cả thành hoàng và tổ nghề.
Truyền
thuyết về tổ nghề
Làng anh
đất thợ kim hoàn
Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo
tay.

Một trong
những sản phẩm của làng nghề. Ảnh: CDT
Thợ kim hoàn
làng Định Công vốn nổi tiếng từ xa xưa. Theo truyền thuyết thì tổ sư nghề kim hoàn làng Định Công
là ba anh em họ Trần: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền. Vào thời Lý Nam Đế (khoảng thế kỷ VI),
ở vùng đất nay là xã Định Công, huyện Thanh Trì, Hà Nội, có ba anh em họ Trần, cha mẹ mất sớm. Họ
phải đùm bọc lẫn nhau kiếm sống. Nhờ có bàn tay khéo léo, lại thêm đức tính cần cù, chịu khó, anh
em cũng tạm đủ qua ngày. Nhưng cuộc sống không trôi đi yên ả như vậy. Sau khi Lý Nam Đế bại trận,
đất nước dưới ách thống trị hà khắc của bọn xâm lược. Quê hương bị tàn phá, nhà cửa tan nát, ba anh
em phải đưa nhau đi chạy loạn. Khi qua huyện Quế Dương, thuộc tỉnh Bắc Ninh, không may họ bị lạc
nhau, mỗi người một ngả. Người anh là Trần Hòa chạy sang phường Bắc, xin vào học nghề ở phường làm
đỗ nữ trang. Trần Điện và Trần Điền chạy sang nước khác, vào làm thuê cho một phường thợ bạc. Mặc
dù đều trở thành những người thợ giỏi, được dân nước sở tại trọng đãi, song nỗi nhớ quê hương, làng
xóm, không lúc nào nguôi trong họ. Thế là không hẹn mà cả ba anh em đều tìm đường trở về. Cuộc gặp
mặt thật vừa mừng vừa tủi. Để ghi nhớ ngày đoàn tụ, họ cùng nhau mở cửa hàng làm nghề vàng bạc, lấy
tên là “kim hoàn” (vòng vàng). Từ đó, những đồ vàng bạc do ba anh em làm ra rất tinh xảo, tiếng đồn
khắp trong nước. Ba người lại dạy cho dân làng cùng làm nghề, từ đó làng Định Công có nghề làm vàng
bạc, truyền từ đời này qua đời khác, được khắp nơi biết tiếng.
Thực ra ba
anh em họ Trần chỉ là các vị hậu tổ sư của nghề vàng bạc Định Công. Bởi lẽ, từ xa xưa, thư tịch cổ
Trung Quốc đã ghi chép: Giao Châu (tên nước Việt Nam thời xưa) là nơi có nhiều vàng bạc, châu báu.
Vào những năm 187 – 226 sau Công nguyên, thái thú Sĩ Nhiếp đã đưa về Trung Hoa rất nhiều cống phẩm,
mà nhiều nhất là những đồ vật chạm vàng bạc.
Sách Đại
Việt sử ký toàn thư cũng chép: Thời Tiền Lê, Đại Hành hoàng đế đã sai thợ khéo trong nước làm những
đồ vàng bạc tinh xảo để làm cống phẩm cho phường Bắc…
Sau khi học
được nghề kim hoàn do ba cụ tổ họ Trần truyền dạy, dân làng Định Công, vốn ở sát kinh thành Thăng
Long, rủ nhau ra phường Đông Các, nay là phố Hàng Bạc, để hành nghề. Lúc bấy giờ, phố Hàng Bạc cũng
là nơi tụ hội của thợ bạc Đồng Sâm (Thái Bình) và thợ bạc Châu Khê (Hưng Yên). Thợ kim hoàn Định
Công đến đây, ai có vốn thì mở cửa hiệu bán đồ vàng bạc cho những nhà quyền quý, giàu có; không có
vốn thì đi làm thuê cho các cửa hàng. Tuy cùng đến làm nghề ở phố Hàng Bạc, song người Đồng Sâm
(Thái Bình), vốn đi bán bạc đong, nay mở cửa hiệu bán khuyên tai, nhẫn, ống vôi, dây và tích, chóp
nón, vòng kiềng… cho những bà chánh, bà lý, những người dân mạn ngược về mua sẵm. Người Châu Khê
(Hưng Yên) đến phố Hàng Bạc để hành nghề đúc bạc nén và đổi tiền cho khách thập phương về Thăng
Long buôn bán, mua sắm. Vì vậy, thời thuộc Pháp, phố Hàng Bạc còn có tên là phố Những người đổi tên
(Rue des changeurs). Về sau, do thương mại phát triển, người dân không tiêu bằng bạc nén mà chuyển
sang tiền kẽm và tiền đồng. Thợ Châu Khê phải chuyển sang làm đồ nữ trang, nhưng do tay nghề không
khéo nên thường phải thuê thợ Định Công làm hàng hoặc gửi con em về Định Công học nghề. Nhờ học
được nghề tổ, thợ kim hoàn Định Công nổi tiếng khéo tay, tài hoa và có nhiều “lương công” (thợ
giỏi). Sự xuất hiện của nghề kim hoàn Định Công góp phần biến phố Hàng Bạc trở thành trung tâm vàng
bạc mỹ nghệ của cả nước. Khách buôn bán xa gần đến trao đổi vàng bạc, mua sắm các đồ trang sức, tạo
nên không khí sầm uất tại đây. Thợ Định Công có lợi thế ở sát kinh đô Thăng Long nên họ có thể làm
hàng ngay tại cửa hiệu. Họ cũng có thể nhận hàng đem về quê cho gia đình, con cái làm rồi lại
chuyển ra phố bán. Nghề nghiệp ngày một phát triển thì ngày càng có nhiều gia đình thợ kim
hoàn Định Công chuyển cư ra Thăng Long làm ăn, sinh sống. Họ tậu đất, mua nhà, tập trung chủ yếu ở
phố Hàng Bạc và một số ít ở phố Hàng Bồ.
Nhớ công ơn
tổ nghề, những người thợ Định Công đã quyên góp xây dựng đền thờ tổ tại số nhà 51, phố Hàng Bạc
ngày nay. Vào những năm đầu thế kỷ, người Định Công đã nhượng lại ngôi đền cho chủ hiệu Tự Ký, đem
tiền về làng xây một ngôi đền thờ tổ uy nghi, lộng lẫy ngay bên cạnh ngôi đình thờ thành hoàng Đông
Hý Đông Hải Dực Vũ Đại Vương. Hằng năm, vào ngày 12 tháng 2 âm lịch, dù đi làm ăn xa đến đâu, những
người thợ kim hoàn Định Công cũng trở về quê, thắp nén hương thành kính tỏ lòng biết ơn tổ nghề.
Nhờ có nghề nghiệp, đời sống người dân ngày một thịnh vượng. Gặp nhau ai cũng hồ hởi, tay bắt mặt
mừng. Từ đáy lòng, họ tin rằng các cụ tổ sẽ phù hộ để nghề nghiệp ngày một tấn tới. Đợi đến ngày
giỗ năm sau, họ lại gặp nhau với nhiều niềm vui hơn, nhiều thành đạt hơn. Niềm vui hòa vào mọi nhà
tạo nên không khí thiêng liêng và thật xúc động. Nó để lại dấu ấn và tạo cho mỗi thành viên của
làng, của nghề, một niềm tự hào, một sự gắn bó bền vững muôn đời.
Bản
sắc nghề
Tuổi trẻ say mê với nghề. Ảnh: CDT

Đối với bất
cứ nghề thủ công nào, người thợ cũng cần có đôi tay tài hoa, khéo léo, óc sáng tạo và nết làm ăn
cần cù, chịu thương chịu khó. Nhưng riêng nghề kim hoàn còn đòi hỏi người thợ phải sống có đức,
phải giữ chữ tín với mọi người. Vàng bạc là thứ kim loại quý, không phải ai cũng có. Trong cuộc
sống, người Việt Nam, nhất là thời xưa, ngoài quan niệm vàng bạc là vật trang sức, đó còn là vật
phòng thân những lúc cơ nhỡ hoặc có việc cần thiết, cho nên người thợ không thể tráo chác trong
nghề hay mua bán trao tay, mà phải chịu trách nhiệm mãi với những sản phẩm mình làm ra. Vì thế,
trước kia, ở Định Công, muốn học nghề thường phải trả qua thời gian khá dài, khoảng 7- 8 năm. Trước
hết, người học việc phải đem gạo đến nhà thày, ở đó làm những việc vặt trong nhà, đồng thời tự bản
thân phải quan sát, tìm hiểu, học hỏi để quen với nghề. Thày dạy thường rất nghiêm khắc trong việc
truyền nghề. Chỉ khi nào thực sự tin người học việc có tính thật thà, trung thực, và có hoa tay
khéo léo, thày mới dốc tâm huyết truyền đạt cho những bí quyết nghề.
Trải qua
hàng ngàn năm lịch sử, người thợ kim hoàn Định Công, biết bao thế hệ cha truyền con nối, đã tạo nên
những sản phẩm – những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ trường tồn với không gian và thời gian. Từ những
đôi khuyên tai bạc của phụ nữ nông thôn xưa cho đến những kiềng vàng, xuyến vàng, nhẫn có mặt hoa
chạm, … của những cô gái tân thời, hay những bà quyền quý nơi thị thành đô hội, đều toát lên vẻ
tinh xảo, sinh động của dáng hình và đường nét hoa văn trên vật trang sức. Có những vật phẩm không
cần phải chạm trổ tinh vi mà vẫn đẹp bởi đường vòng trơn bóng hay nét cong uyển chuyển ở tai
khuyên. Cũng như nhiều nghề thủ công mỹ nghệ khác, người thợ kim hoàn làng Định Công xưa thường
chạm trổ theo những mẫu mã truyền thống như long, ly, quy, phượng, hoặc ngư (cá chép), phúc (con
dơi), hạc (chim hạc), hổ, … Song do tài sáng tạo và sự rung động nghề nghiệp, người thợ Định Công
vẫn tạo ra được những hình mẫu đặc sắc không giống với bất cứ nơi nào. Đó là những con rồng dũng
mãnh khắc trên bao kiếm của các vị vua anh hùng, hay những con rồng ngậm chữ thọ (long hàm thọ),
hai con rồng chầu mặt trăng (lưỡng long chầu nguyệt), cá chép rồng đùa nước (ngư long hý thủy), …
trên các mâm vàng, mâm bạc, và hình chim phượng trên mũ miện của hoàng hậu, công chúa, trên bộ khay
chén, hòm khảm bạc, tráp bạc,… cho đến các bộ xà tích bạc của các bà các cô, trên cối giã trầu,
… của các cụ già. Trong đồ dùng và những vật trang sức tương đối thông dụng, thợ Định Công hay
chạm những mẫu gần gũi với cuộc sống đời thường như quả bầu trên chiếc khánh đeo cổ trẻ con, hình
quả vả chạm trên hộp vàng, bạc, ống tiền, và đàn tỳ bà trên các bình bạc, bát quả (đào, lựu, mận,
lê, phật thủ, nho, bầu, bí) trên mâm bồng, trên khay hoặc chóe bạc chạm tùng, cúc, trúc, mai hay
cảnh bốn mùa…
Quả là những
người thợ kim hoàn Định Công đã sáng tạo ra rất nhiều đề tài đa dạng, phong phú. Mặc dù độ tinh xảo
và trình độ tay nghề cao thấp có khác nhau.
Trải qua
trường kỳ lịch sử của dân tộc, người thợ vàng bạc Định Công đã không ngừng đúc kết những kinh
nghiệm truyền đời, đồng thời không ngừng sáng tạo để nghề nghiệp ngày càng hoàn mỹ. Ngày nay, ngắm
nhìn những nét chạm trổ tinh tế, tuyệt mỹ, trên những chén vàng quả bạc, những bao kiếm, vương
miện, đặc biệt là những đôi hoa tai mềm mại, những sợi dây chuyền lộng lẫy, lung linh trên cổ các
cô gái,… ta thật xúc động và cảm phục bàn tay tài hoa và cần cù của người thợ. Họ đã tạo ra vẻ
đẹp thật sự, quý hơn vàng. Người thợ kim hoàn Định Công luôn đem lại vẻ đẹp cho đời, song càng tài
hoa bao nhiêu, cuộc đời họ lại càng cay cực bấy nhiêu. Dưới thời phong kiến, các vua chúa luôn truy
tìm những thợ giỏi, tài hoa đưa vào quan xưởng để làm ra những đồ vật cung phụng cho cuộc sống xa
hoa trong cung đình. Nhất là từ khi thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, chúng thấy đồ chạm vàng bạc của
thợ Việt Nam được các nước hâm mộ. Trong những cuộc đấu xảo, đồ nữ trang, rồi bình bạc, lư hương
bạc chạm vàng, hộp bạc, chén vàng, cúp vàng, cúp bạc… được khách hàng đặt mua rất nhiều. Thế là
tư bản Pháp đổ tiền ra thành lập những công ty xuất nhập khẩu đồ mỹ nghệ vàng bạc. Túi tiền của bọn
tư bản nặng bao nhiêu thì cuộc đời của người thợ tài hoa Định Công càng bị bòn rút, cơ cực bấy
nhiêu.
Cũng như các
nghề thủ công truyền thống trong cả nước, nghề vàng bạc Định Công đã trải qua không ít những thăng
trầm. Ngay những thập kỷ gần đây, chiến tranh kéo dài, rồi cơ chế bao cấp làm cho nghề suy sụp. Hầu
hết thợ giỏi bỏ nghề làm việc khác kiếm kế sinh nhai. Những nghệ nhân cao tuổi lần lượt ra đi mang
theo những kinh nghiệm, những bí quyết ngàn đời chẳng biết truyền lại cho ai. Còn một số ít gia
đình cố đeo đuổi nghề của tổ phụ bằng cách hành nghề lén lút, bất hợp pháp, vì thế tài năng mòn
mỏi, vốn liếng cạn dần. Phố Hàng Bạc xưa kia náo nhiệt kẻ mua người bán là thế, đến giai đoạn này
đóng cửa im ỉm hoặc cửa hàng, cửa hiệu, cho thuê làm việc khác. Một số cơ sở hành nghề của hợp tác
xã hay quốc doanh hoạt động cầm chừng. Sản phẩm làm ra mẫi mã vừa đơn điệu vừa lỡ cỡ không thích
ứng được thị hiếu của xã hội. Sức tiêu thụ trong nước quá nhỏ, hầu như không đáng kể, trong khi
không với được ra thị trường quốc tế. Công ăn việc làm của thợ vì thế bấp bênh, cuộc sống người thợ
gieo neo, vất vả.
Chính sách
đổi mới của Đảng và Nhà nước như làn gió làm hồi sinh làng nghề Định Công. Các tổ chức kinh tế (kể
cả tư nhân) được tự do hành nghề và kinh doanh vàng bạc. Thợ Định Công rộn rã sắp đặt lại nhà cửa,
sửa sang đồ nghề đã bị bỏ xó từ lâu, suy nghĩ tìm tòi mẫu mã mới, rồi mở rộng quan hệ với các
làng nghề Đồng Sâm, Châu Khê, khiến phố Hàng Bạc tấp nập rộn rã hơn xưa.
Trong xu thế
chung của đất nước, làng nghề vàng bạc truyền thống Định Công đang từng bước thay da đổi thịt. Định
Công hôm nay là những khu chung cư cao tầng sừng sững với cơ sở hạ tầng hiện đại, văn minh.
Định Công hôm nay là những đường làng ngõ xóm trải bê – tông, sạch bóng. Nhà mái bằng, nhà ngói san
sát với khuôn viên rộng mát, đẹp bởi vườn hoa cây cảnh. Nhà ở của mỗi người thợ vừa là nơi sản xuất
lại cũng là nơi mua bán hàng mỹ nghệ kim hoàn. Khách đến đây không chỉ để mua hàng làm sẵn mà có
thể đặt làm theo sở thích riêng của mình. Đến đây, họ được đắm mình trong không khí rộn rã của hàng
ngàn hộ làm nghề. Và đến đây, họ cũng sẽ được chiêm ngưỡng ngôi đền thờ ba vị tổ nghề, nhờ đó người
thợ Định Công phát huy nghề tổ xây dựng quê hương ngày càng văn minh, thịnh vượng.
Ngày
11/7/1990, Hội Mỹ nghệ kim hoàn Việt Nam đã chính thức được thành lập. Với những chương trình hoạt
động thông qua tổ chức của mình, người thợ kim hoàn trong cả nước, đặc biệt là người thợ Định Công,
nơi có nghề kim hoàn cổ truyền, sẽ tiếp tục phát huy tài khéo, trí tuệ của mình, để mãi mãi làm đẹp
cho đời.
Theo Báo
cáo chuyên đề Tổng quan về các làng nghề, phố nghề ở Hà Nội, Đỗ Thị Hảo, Hà Nội,
2007

.
Hàng Bạc làng nghề
Bài viết liên quan