Địa chỉ: Phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội
Lịch sử hình thành
Lịch sử của làng lụa Vạn Phúc, có khá nhiều tương truyền, thuyết được nhiều người tương truyền nhất, nói rằng bà tổ làng Lụa Vạn Phúc vốn người Hàng Châu (Trung Quốc) theo chồng chinh chiến Bắc Nam, rồi neo lại làng này. Nỗi nhớ quê hương da diết của bà trút hết vào nghề tầm tang, canh cửi nơi dòng Nhuệ giang êm đềm tha thiết. Ngày nối ngày, đời trải đời và nghề dệt trở thành “truyền thống” của làng Vạn Phúc.
Một thuyết khác cho rằng nghề dệt lụa ở Vạn Phúc có từ hơn ngàn năm trước, do một vị tổ sư tên Lã Thị Nga, dòng dõi Hùng Vương, truyền dạy. Để ghi nhớ công ơn, dân làng tôn bà làm Thành hoàng, tổ sư nghề dệt, thờ tại đình làng Vạn Phúc, lấy ngày 10 tháng Tám âm lịch, ngày sinh của bà và 25 tháng Chạp âm lịch, ngày mất của bà, làm ngày tế lễ và giỗ tổ hàng năm.
Thêm một thuyết nói rằng, cách đây khoảng 1200 năm, bà A Lã Thị Nương, một người con gái ở Cao Bằng nổi tiếng đảm đang và có tay nghề dệt lụa khéo léo về làm dâu làng Vạn Phúc.
Cổng làng lụa Vạn Phúc
Giá trị của lụa Vạn Phúc
Làng Vạn Phúc là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Lụa ở đây có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam, từng được chọn để may trang phục cho triều đình.
Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1932), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp.
Từ 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu; từ 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, thu ngoại tệ về cho Việt Nam.
Lụa Vạn Phúc được ghi nhận bởi Tổ chức kỷ lục Việt Nam
Năm 2009, làng Vạn Phúc có khoảng 1000 khung dệt, sản xuất nhiều loại lụa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, trong đó có các loại lụa cao cấp như lụa vân quế hồng diệp và lụa vân lưỡng long song phượng.
Những tấm lụa Vạn Phúc
Trong nhiều cửa hàng lụa ở Hà Nội và cả ở làng Vạn Phúc, lụa Trung Quốc chất lượng kém hơn được trà trộn vào bán với danh nghĩa lụa Vạn Phúc, làm giảm uy tín của lụa Vạn Phúc.
Nét đặc biệt của lụa Vân (loại lụa cổ truyền trong làng nghề lụa Vạn Phúc) nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung là ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như mẫu Song hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý … khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động.
Lụa Vạn Phúc bền đẹp, khoác tấm áo lên người sẽ thấy mềm mại và nhẹ nhàng. Trải qua bao thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Hoa văn bao giờ cũng trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát. Bởi vậy, lụa Vạn Phúc không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam tới tay những người sành điệu bốn phương.
Một số sản phẩm lụa Vạn Phúc