Làng nghề An Cốc

Tác giả: Đi Đâu Chơi GìĐăng ngày: 02/11/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Được ví như chốn tổ của nghề giấy dó của cả nước, thế nhưng những năm gần đây,
cùng với các loại giấy cao cấp nhập ngoại, sự xuất hiện của các sản phẩm giấy do
các nhà máy giấy hiện đại đã khiến nghề sản xuất giấy truyền thống ở làng An
Cốc, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, trở nên ảm đạm, mai một.

Làng có hai vị tổ nghề

Ở An Cốc, không ai biết chính xác nghề làm giấy dó có từ khi nào. Chỉ nghe lớp
thợ già truyền rằng, làng tôn thờ hai vị tổ nghề làm giấy. Một vị tổ nghề có tên
là Thái Luân, truyền nghề cho dân gian từ cuối thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên.
Vị tổ thứ hai, không rõ họ tên là người làng, sau khi đi sứ Trung Hoa học được
nghề làm giấy đã đem nghề về truyền dạy cho dân làng, rồi ông lên kinh thành
Thăng Long truyền dạy nghề làm giấy dó cho dân hai làng Nghĩa Đô, Yên Thái.

Và ngôi đình Thọ Vực, còn gọi là đình Bơi, thờ hai vị trên. Mỗi năm làng An Cốc
giỗ tổ hai lần, lần thứ nhất vào ngày 9, ngày 10 tháng Giêng, lần hai vào ngày 9
đến 12 tháng 8 Âm lịch. Vào những ngày này, thợ làm giấy từ Yên Hòa, Yên Thái –
vốn xuất thân từ An Cốc – đều nhớ ngày giỗ tổ mà về.

Quy trình làm giấy dó khá cầu kỳ và phức tạp. Loại giấy này được làm từ cây dó –
một thứ cây hoang dại mọc ở rừng, ven sông Lô, sông Thao, có nhiều xơ. Cây được
ngâm nước sông Nhuệ từ hai đến ba ngày rồi vớt lên, để ráo, sau ngâm với nước
vôi hòa muối, rồi đem đặt trong nồi đồng nấu chín để có thể bóc lần lượt từng
lớp vỏ.

Bóc đến lớp cuối cùng thì đem giã mịn như bột mới cho vào giá vò có ken nan thật
dày để đãi trôi hết vỏ. Sau đó lại đem phần bột đó giã đến khi quánh, mịn như
bánh dày. Khâu cuối cùng là xeo giấy, phơi giấy. Mà làm loại giấy nào sẽ phụ
thuộc vào cách xeo giấy dày, mỏng, phụ thuộc vào cả “ngữ chỉnh” ở khuôn xeo.

Trong số bảy loại giấy dó truyền thống được người An Cốc sản xuất thì Hành Di và
giấy sắc là nổi tiếng nhất, là niềm tự hào của người làng. Hành Di là loại giấy
dó viết đẹp nhất, tốt nhất, giấy có hoa văn cổ, chuyên để tiến vua, chúa. Còn
giấy sắc là loại giấy pha màu và hoa văn rồng, nhũ bạc, được cung cấp cho triều
đình để dùng vào việc viết sắc phong thành hoàng làng.

Nhưng đó là chuyện của vài trăm năm về trước, còn từ gần hai thập kỷ nay, người
An Cốc phiêu dạt tứ xứ. Hơn 500 hộ dân trong làng, với 2.500 khẩu, phải tìm đủ
kế mưu sinh, người buôn đồng nát, kẻ chuyên tâm cày cấy, người ly hương lo hướng
sinh nhai. Trong cả bốn thôn của An Cốc, chỉ còn một thôn làm được loại giấy dó.

làng nghề Nghĩa Đô Phú Xuyên
Bài viết liên quan