Làng nghề tranh Hàng Trống

Tác giả: Đi Đâu Chơi GìĐăng ngày: 02/11/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020
Gần gũi với
kỹ thuật in tranh, khu vực này trước kia còn nhiều nhà chuyên in những sách truyện thơ Nôm và một
số vở chèo, vở tuồng. Đồng thời, khu vực này còn làm và bán nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các
loại trống, các hòm thư, tráp sơn, các kiểu quạt, nhiều kiểu nón, các loại đàn, có cả lọng, tàn,
tán, cờ quạt, áo xiêm, mũ mãng… cho quan lại, cho việc thờ cúng tế lễ, và cho các gánh hát tuồng,
chèo… Vào dịp Tết, tranh dân gian không chỉ bán ở cửa hiệu mà còn được bán ở các quầy, treo bày
ngay trên vỉa hè đông người qua lại. Nổi lên cạnh các quầy bán tranh là cánh các ông đồ già ngồi
(hoặc nằm bò) trên chiếu, viết thuê câu đối và viết đại tự có nội dung chúc mừng. Mỗi chữ choán kín
một tờ giấy hồng khổ lớn, thường là các chữ Xuân, Thọ, Khang, Ninh, Phúc, Đức, Phú, Quý, Lộc… Các
ông đồ có “hoa tay” cách điệu và cài hoa vào các nét. Mỗi nét chữ là cả một nghệ thuật viết, khi
đầm bút, lúc nương nhẹ, khi lướt nhanh, lúc tỉ mỉ, tất cả đều chứa đựng các yếu tố của nghệ thuật
hội họa.
Tố nữ. Ảnh: tư
liệu
Nghệ nhân
làm loại tranh này, ngoài một số người làng Tự Tháp (hàng Trống) nhiều đời sống ở Thăng Long, còn
có nhiều người làm nghề vẽ từ nhiều vùng khác tìm đến đây làm ăn sinh sống. Trong số nghệ nhân này,
một số người vốn từ Bình Vọng (Thanh Trì) ra, mang theo phong cách vẽ tranh quê mình đến đô thành,
và cùng với phong cách tranh vốn có ở nơi đây, dần dần tạo thành một phong cách mới: phong cách
Hàng Trống.
Phố Hàng
Trống mới có, nhưng tranh Hàng Trống thì có sớm hơn nhiều. Ngay từ thế kỷ XVI, Hoàng Sĩ Khải ở bài
thơ dài Tứ thời khúc vịnh, đoạn tả cảnh Tết ở kinh thành Thăng Long đã có nói đến các tờ
tranh dân gian và tục chơi tranh Tết:
“Chung Quỳ khéo vẽ nên hinh,
Bùa đào cấm quỷ, phong linh ngăn tà…
Tranh vẽ gà, cửa treo thiếp yểm,
Dưới thềm lầu hoa điểm Thọ Dương…”
Rõ ràng là
ngày Tết, các gia đình ở kinh thành có treo tranh Chung Quỳ cùng với các thần trừ ma khác, vẽ trên
gỗ đào, có treo tranh gà cả tranh người đẹp.
Viện bảo
tàng lịch sử hiện còn giữ được một số ván in tranh Hàng Trống được cả hai mặt với niên hiệu: “Quý
mùi lục nguyệt khởi, Minh Mệnh tứ niên”, tức những ván này được khắc vào năm 1823. Lúc này là lúc
các tranh dân gian truyền thống đã ổn định. Từ đó, tranh Hàng Trống càng thêm phong phú bởi các
nghệ nhân tài hoa tiếp tục từ nhiều vùng quê về đây hội tụ.
Tranh dân
gian vốn có quan hệ với tín ngưỡng bắt nguồn từ thời nguyên thủy, và sau đó là một số yếu tố của
Phật giáo và Đạo giáo. Vì vậy, từ những hình thức vẽ bùa, khoán, dần dần có tranh của các vị tiên,
thánh, tổ… vẽ theo huyền thoại, xuất hiện trong khoảng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Thế rồi một
bộ phận không nhỏ của tranh Hàng Trống là tranh thờ, như các tranh Tứ phủ, Tam phủ, vẽ các bà Mẫu
Thoải, Thượng Thiên, Thượng Ngàn, các thần tướng Bạch Hổ, Hắc Hổ hay Ngũ Hổ, và các đức Thánh Trần,
ông Hoàng, cậu Quân… từng được phổ biến một thời ở kinh thành Thăng Long xưa, đều là những bức
tranh đẹp, có tính thẩm mỹ hấp dẫn. Chẳng hạn như, nếu tước bỏ đi những chi tiết tôn giáo như ấn
kiếm, cờ lệnh, v.v… thì loại tranh hổ chính là những tác phẩm dân gian có giá trị nghệ thuật cao.
Từ những dáng hổ ngồi, hổ đứng, hổ “đằng vân”, đến những ánh mắt, chòm râu, vẻ mặt, cùng khí thế
toàn dân, đều toát lên sức sống mãnh liệt của những “chúa sơn lâm”.
Bởi vậy, tuy
tranh thờ, nhưng hiệu quả nghệ thuật mà tác phẩm đưa tới cho người xem không phải là cảm xúc tôn
giáo nặng nề, mà là những cảm xúc thẩm mỹ trần tục, tràn đầy nhựa sống.
Tứ bình: Bốn mùa. Ảnh: tư
liệu

Bên cạnh
loại tranh thờ, tranh Hàng Trống còn nổi bật ở các bộ tứ bình, gồm những tranh Tứ quý, tranh Tố nữ
và tranh truyện, hoặc có khi là nhị bình chỉ gồm hai bức treo thong dong như câu đối. Những tranh
tứ bình hay nhị bình đều là tranh dài, treo dọc và thường có tra trục để khi treo kéo căng tờ
tranh, mà khi cất có thể cuộn tròn lại gọn nhỏ. Bộ Tứ quý vẽ cảnh những cây cối, hoa lá, chim hoặc
thú, tượng trưng cho bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Mùa xuân thường vẽ cảnh Mai – Điểu, tức hoa
mai và chim, hay Trúc – Mai là tín hiệu của mùa xuân tươi tốt. Mùa Hạ thường gợi bằng cảnh Liên Áp
tức hồ sen có vịt bơi tung tăng. Mùa thu được trưng bởi cảnh Cúc – Điệp, tức hoa cúc và bướm, còn
mùa Đông thường được tả bằng Tùng – Lộc tức hươu và thông, loại cây xanh tốt ngay cả trong mùa đông
giá lạnh, tượng trưng cho sức sống hiên ngang, mãnh liệt…
Bộ Tứ quý
còn vẽ các cảnh Mai – hạc, Phù Dung, chim Trĩ. Hoa cúc (hay cây ngô đồng) – chim Phượng – chim
Công. Có người lại vẽ Trúc – Hổ (hoặc Yến), Tiêu – Tượng (cây chuối và con voi), hay Liên – Giải
(hoa sen và con cua), Lan – Điệp (hoa lan và bướm) hay Liễu – Mã (cây liễu và con
ngựa)…
Bộ Tứ bình
còn vẽ cảnh bốn lớp người lao động trong xã hội cũ, gồm Ngư – Tiều – Canh – Mục là những người đánh
cá, kiếm củi, làm ruộng, và chăn trâu.
Đẹp và phổ
biến hơn cả trong loại tranh tứ bình là bốn bức Tố nữ, vẽ mỗi bức một người đẹp: các cô cổ cao ba
ngấn, vấn tóc đuôi gà, mặc áo dài, quần lĩnh hoa chanh, dáng đứng chững chạc, cô múa quạt, cô gẩy
đàn, cô thổi sáo, cô đánh xênh, mỗi người một vẻ, cao thấp khác nhau, tạo nên vẻ đẹp hài hòa, theo
những tiêu chuẩn cổ điển, truyền thống, đậm đà tính chất dân gian.
Tranh bộ tứ
bình còn vẽ liên hoàn phỏng theo một số truyện Nôm nổi tiếng, được nhân dân yêu thích, như các
truyện Thạch Sanh, Kiều…
Bên cạnh
tranh bộ tứ (tứ bình), còn có bộ tranh đôi (nhị bình). Bộ tranh nhị bình rất phổ biến là Lý ngư
vọng nguyệt, thường gọi nôm là Cá chép trông trăng, và Thiên hạ thái bình tức
Chim công múa. Cá tức ngư, theo một cách lý giải dân gian là gần âm với dư là thừa thãi đủ
đầy; cá chép còn là biểu tượng của nghị lực và chí lớn bắt nguồn từ tích truyện dân gian Cá vượt Vũ
môn để hóa thành Rồng:
“Mồng
bốn cá đi ăn thề,
Mồng tám
cá về cá vượt Vũ môn”.
Con chim
công có bộ lông tuyệt đẹp, đỏm dáng, hay xòe ra múa là tượng trưng cho sự thịnh trị, thái bình, no
đủ.
Tranh
Hàng Trống cũng có một số bức lấy đề tài trong sinh hoạt ở nông thôn, thường bao quát cả một không
gian rộng và thời gian dài. Tiêu biểu là các bức Chợ quê và Canh nông chi đồ (Bức tranh canh nông).
Từ trên một điểm quan sát, cảnh họp chợ ở một vùng quê nhỏ hiện ra đông đúc, nhộn nhịp và cả ồn ào
nữa. Người bán hàng dưới gốc đa cổ thụ, trong những túp lều, đủ các mặt hàng thuộc nhiều nghề khác
nhau: nào thịt, cá, gà, vịt, rau, quả, đồ gốm, lò rèn… Bên cạnh người đi mua bán tấp nập lui tới,
có cả kẻ gian tham mắt trước mắt sau rình mò, cả kẻ mồi chài, Các lớp người được lột tả rất đúng,
các ông lái trâu, lái lợn thì “cò kè bớt một thêm hai”, các ông thợ rèn thì mình trần quai búa, các
bà cô thì đỏm dáng người nón thúng quai thao, người áo dài tứ thân, người yếm hồng áo cánh… Lại có
cả anh nhà nghèo rít xong điếu thuốc lào ngồi tựa gốc cây tự an ủi: “bần nhi lạc”: (nghèo mà vui)…
thật đúng là một xã hội tiểu nông thu nhỏ, được nghệ nhân, dân gian giữ lại thật chính xác và dí
dỏm.
Còn ở bức
Canh nông chi đồ, nghệ nhân chia ra từng mảng, vẽ liên hoàn các cảnh theo thời gian đóng kín một
nông vụ sản xuất: từ cảnh vỡ đất cày bừa, tát nước, gieo mạ, nhổ mạ, cấy lúa, gặt lúa, gánh lúa,
đập lúa… đến cảnh chế biến nông sản, xay lúa, giã gạo. Mỗi công đoạn được diễn ra trong một thời
gian tổng hòa với những hoạt động phụ: Cảnh thu hoạch diễn ra trên sân nhà, bên cảnh những người
vui đập lúa, xay thóc, giã gạo, dần sàng, còn có các bà mẹ vui với con trẻ, có lợn gà, chim câu
quấn quít trên sân rộng được bao bởi hàng rào tre, ngoài xa là đồng ruộng.
Tranh Hàng
Trống sinh ra giữa kinh thành, nên có một mảng phản ánh ước vọng và đời sống của tầng lớp thị dân.
Đó là loại tranh Tam đa, Thất đồng, Tử tôn vạn đại… Tam đa là ba cái nhiều: Phú – Lộc – Thọ, tượng
trưng bằng ba ông già. Còn Thất đồng là bảy em bé bụ bẫm giống nhau như bột nặn, đang vây quanh gốc
đào tìm cách hái quả đào tiên trường thọ. Tử tôn vạn đại là cả một đàn con cháu đang chơi đùa để
làm vui lòng ông bà già, mong muốn một sự nối đời dài lâu…
Về nhiều đề
tài khác, tranh Hàng Trống có sự trùng hợp với tranh Đông Hồ, nhưng về phong cách nghệ thuật thì có
sự khác biệt rõ ràng: Đó là: Cóc dạy học, là Đám cưới chuột, là Gà và Lợn…
Chỉ sơ qua
một vài đề tài đã thấy sự phong phú của tranh Hàng Trống và sức sống của nó trong nhân dân Thăng
Long cũng như trong đông đảo nhân dân cả nước.
Tranh Hàng
Trống sinh ra và tồn tại suốt nhiều thế kỷ, để phục vụ nhân dân kinh thành, là nghệ thuật dân gian,
song nó đã vượt lên trên chất mộc mạc, đạt được sư tinh tế và bề thế, thỏa mãn được thị hiếu của
người Hà thành thanh lịch. Đặc sắc nhất của tranh Hàng Trống chính là những tranh thuộc loại tứ
bình và nhị bình, từng bộ bốn hoặc hai bức buông dài thong dong, treo trên các mảng tường vôi mới
tương đối thoáng đãng. Trong khuôn khổ bề thế, các cảnh sắc thiên nhiên và con người trong tranh cứ
ngời ngợi, rực rỡ và tươi mát, ăn nhập với chậu quất, cành đào, và những bình hoa nhiều hương sắc
khác nhau, với cả nhiều đồ quý khác và cả vẻ lịch thiệp, nhã nhặn, hiếu khách của người chơi
tranh.
Trong tranh
Hàng Trống, phối hợp với nét in tinh nhỏ, màu trên tranh phần lớn được vờn tay rất bay bướm, các
sắc độ đậm nhạt chuyển đổi ý nhị, gây hiệu quả tạo khối cho hình. Màu ở tranh Hàng Trống mịn, mỏng,
và tươi, làm cho không khí trong nhà rực rỡ hẳn lên.
Trong tranh
Hàng Trống có gợi khối, nhưng không tả thực theo hình mẫu tự nhiên, mà nó lấy hình để gợi ý theo
chủ đề, bố cục theo phối cảnh ước lệ, đảm bảo tính cân đối trong không gian, thỏa mãn yêu cầu
“thuận mắt” của người xem. Các nhân vật cứ dàn trải ra khắp mọi tranh, không che khuất nhau, có khi
dàn ra cắt đôi thành hai hàng trên và dưới (tranh Đám cưới chuột). Các thời gian khác nhau có khi
được diễn ra theo từng mảng trên cùng một mặt tranh, loại này phổ biến là ở tranh truyện (tranh
Kiều, Thạch Sanh, Bích Câu kỳ ngộ…) và cả ở tranh kể chuyện một công việc dài ngày (tranh Canh nông
chi đồ).
Các nhân vật
ở tranh Hàng Trống được thể hiện to nhỏ không phải theo luật xa gần, mà là theo địa vị xã hội, rõ
nhất là ở tranh thờ: Các ông hoàng, bà chúa phải lớn hơn người hầu, thần phải lớn hơn dân và luôn ở
vị trí trung tâm (trên cao, giữa tranh). Còn các nhân vật mà thân phận xã hội giống nhau hoặc không
khác nhau bao nhiêu thì thường được vẽ theo cùng một cỡ.
Những tranh
thờ ngày nay không thích hợp nữa, nhưng tranh Hàng Trống còn nhiều loại khác, nhất là các bộ tứ
bình về bốn mùa, về Tố nữ, về truyện cổ và các bộ nhị bình như công và cá… ca ngợi cảnh sắc đất
nước, giáo dục tình yêu quê hương… và nhiều chủ đề khác về sinh hoạt xã hội đang còn có giá trị
không chỉ về lịch sử mà cả về thực tiễn nữa. Ngoài ra, những bài học về xử lý ánh sáng, màu sắc,
đường nét và bố cục của tranh Hàng Trống, vẫn mãi mãi xứng đáng cho các họa sĩ học tập và vận dụng
vào sáng tác ngày nay.
Theo Địa
chí văn hóa dân gian Thăng Long Đông Đô Hà Nội, Đinh Gia Khánh,

Nxb Hà Nội, 2008, tr531-534
Hàng Trống tranh dân gian
Bài viết liên quan