Làng nón Chuông Thanh Oai
Địa chỉ:Làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội
Lịch sử
Làng Chuông hay là làng Phương Trung, là một ngôi làng cổ còn rất nhiều những ngôi nhà xưa cũ, nghề làm nón có lẽ cũng từ khi ấy. Đất ở làng Chuông vốn khô cằn nên người làng đã làm thêm nghề phụ là nghề làm nón. Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Nhưng từ năm 1940 đến nay, những người thợ làng Chuông chỉ còn làm duy nhất một loại nón.
Làng Chuông với làng nghề làm nón nổi tiếng
Người làng Chuông không biết rõ ai là ông tổ của nghề nón, chỉ nghe tổ tiên kể lại chiếc nón ra đời và gắn bó với mảnh đất Chuông giàu văn hóa tự thủa nào. Những chiếc nón trắng đặc trưng của làng từ thời phong kiến đã từng được tiến cung dâng hoàng hậu, công chúa trong cung cấm.Theo lịch sử ghi lại thì ông Hai Cát – một nghệ nhân giờ đã hơn 80 tuổi là người có công mang nón Xuân Kiều còn gọi là nón Ba Đồn về làng sản xuất thay thế cho các loại nón cổ. Trong hoàn cảnh nền kinh tế khủng hoảng, cả làng rơi vào tình trạng sa sút về kinh tế, người làng bỏ đi hết, cái làng gần một trăm nóc nhà vậy mà chỉ còn lưa thưa mấy ông bà già. Cái đói khiến cho họ không còn tha thiết với làng Chuông và muốn quên hẳn cái nghề làm nón quai thao mặc dù chính nó đã nuôi cái làng này hơn 500 năm có lẻ.
Hai Cát cũng bỏ làng đi ra chốn kinh kì theo nghiệp làm nón quê nhà. Khốn nỗi, nơi Hà thành nón nhiều khủng khiếp, nhất là phố Hàng Nón, mốt cách tân áo dài lại càng làm cho nón Huế lên ngôi. Trong đầu chàng trai trẻ Hai Cát đã lóe lên ý nghĩ “ sao ta không làm nón kiểu Huế ngay tại Hà thành này?” Và rồi anh quyết định thực hiện bằng được. Với đôi bàn tay của người thạo nghề cùng với chút sáng tạo của tuổi trẻ lại thêm cái đói thúc đẩy, Hai Cát dốc toàn bộ vốn liếng mua nguyên liệu về làm nón Huế. Lúc bấy giờ Bắc kì không có lá gồi, ông dùng lá cọ, vốn làng Chuông vẫn dùng để làm nón quai thao. Sau bao lần thí nghiệm thất bại, chiếc nón ông làm tuy đã đẹp nhưng vẫn vàng khè so với nón Huế. Không ngần ngại, ông đã vào tận Quảng Trị để mua lá gồi rồi mang ra làm lại từ đầu. Và lòng kiên trì đã dẫn tới thành công. Năm 1930, ở hội chợ Trường Đấu Xảo- Hà Đông, nón của ông Hai Cát đã được đánh giá rất cao và chính quyền sở tại đã cấp giấy hành nghề, hiệp hội Hàng nón chứng nhận chất lượng cao hơn nón Huế và ông đã trở về bản quán với nghề làm nón mới cùng với 6 cái giấy phéo dạy nghề làm nón xuyên suốt từ Hà Đông, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.
Làng Chuông đã tiêu tàn lắm, người dân li tán gần hết nhưng rồi nhờ tài năng và danh tiếng của Hai Cát sau một năm, số người làng quay về ngày một đông, hồi sinh lại làng Chuông sau 30 năm tưởng sẽ không bao giờ làm nón nữa.
Nón làng Chuông
Làng nón Chuông Thanh Oai
Chợ nón làng Chuông họp theo phiên, vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch hàng tháng. Có sáu phiên một tháng và 72 phiên chợ trong một năm.
Phiên chợ nón Làng Chuông xưa
Vật dụng làm nón gồm lá, chỉ và khung nón. Lá là chất liệu quan trọng làm nên chiếc nón được lấy từ hai loại cây giống như cây cọ, mọc ở những vùng đồi núi. Với loại lá non còn búp, chưa xòe ra hẳn, người ta cắt về phơi khô hai đến ba nắng, rồi đem ủi phẳng. Khi ủi phải dùng khăn nhúng nước, hơ trên lửa cho nóng trước khi chà nhẹ lên lá cho thẳng. Các vòng tròn nhỏ dần đến chóp nón tạo ra khung nón. Thường mỗi mối buộc được dùng guột hoặc mây bện lại rất chắc chắn và đẹp mắt. Công đoạn làm khung nón được cho là khó nhất bởi nó quyết định đến độ tròn và sự bền chắc của một chiếc nón. Nón làng Chuông trông đơn giản, nhưng đòi hỏi rất công phu, tỉ mỉ khi làm ra nó. Khung nón làm bằng tre ngâm kỹ vừa dẻo dai lại rắn chắc, gồm 16 vành. Ðây được coi là công thức bắt buộc đã chọn lọc phù hợp với thực tế thông qua bao đời người thợ làm nón Chuông.
Người dân nón làng Chuông
Làng Chuông với nghề làm nón giờ đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Ngôi làng nhỏ bé luôn tấp nập khách ra vào. Khách đến làng không chỉ để đặt hàng mà còn muốn tham quan, tận mắt chứng kiến công việc làm nón. Ngày nay, cùng với xu thế cách tân nữ phục truyền thống, chiếc nón cũng được đa dạng hóa thêm, thị trường nón cũng được mở ra một hướng khác. Bất cứ du khách nào tới Việt Nam đều yêu thích chiếc nón. Chính vì vậy, người làng Chuông làm những chiếc nón đủ kích cỡ, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của khắp mọi miền.
Sản phẩm nón Làng Chuông