Làng Thuốc Nam Đại Yên

Tác giả: Đi Đâu Chơi GìĐăng ngày: 02/11/2018Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Nằm giữa phố Hoàng Hoa Thám và Đội Cấn, Đại Yên là một trong “Thập
tam trại” của kinh thành Thăng Long, thuộc khu vực Đông Bắc tổng nội xưa. So với 13 trại Ngọc Hà,
Cống Vị, Giảng Võ… thì Đại Yên vẫn gìn giữ được một nghề xưa: trồng cây thuốc và đi hái thuốc
nam.

Đời Lý cách đây ngàn năm, Nhà nước đã lập trại trồng cây thuốc ở
phường Thụy Chương (Thụy Khuê ngày nay). Không hiểu nghề quý được truyền cho Đại Yên từ đời nào,
chỉ biết nó đã có từ rất lâu và cho đến nay vẫn tồn tại trong cái làng nhỏ với những đoạn đường
hẹp, vườn thuốc san sát kề nhau được ngăn bằng những bức dậu thấp, trong khi Thụy Khuê không còn
nhà nào trồng thuốc nữa. Cả làng có khoảng 30 nhà trồng cây thuốc, với hàng chục loại, có loại thu
cành, có loại lấy cả củ rễ, có loại lại chỉ cắt tỉa từng phiến lá.

Ngoài thu hái cây trồng ở vườn nhà, người dân còn tới các làng ngoại
thành, cắt tỉa các loại lá thuốc thích hợp ở bờ rào, bờ dậu, nhà chủ vừa bán vừa cho. Không ít
người đã lên cả non xa để kiếm cho đủ vị thuốc. Làm nghề kiếm lá thì phải trèo đèo, lội suối, mò
mẫm sục vào bờ bụi khắp hang cùng ngõ hẻm, đồng hoang. Mùa đông rét cắt da, cắt thịt vẫn phải chịu,
mùa hè nóng đỏ tóc cháy lưng vẫn phải cần mẫn.

Nhìn vào gánh thuốc của các bà các chị thấy vừa quen vừa lạ. Có
những vị thuốc ở ngay gần nhà hàng ngày ta không để ý và cũng chẳng hề biết đến công dụng của nó.
Những bó lá tươi mới hái, có loại đã héo nhưng không khô, lại còn những bó lá, bó rễ đã phơi kiệt
nắng, những gói hạt là vị thuốc để riêng từng loại, người bán không bao giờ nhầm. Thêm vào đó còn
có thuốc viên được bào chế theo công thức bí truyền của làng bán kèm với lá để chữa bệnh.

Cứ như vậy, đều đặn, buổi sáng chăm sóc vườn đi kiếm lá, buổi chiều
họp chợ. Điều đặc biệt là chợ thuốc nam Đại Yên chỉ họp từ ba giờ chiều. Chợ họp ngay ở cổng làng
kéo sâu vào trong ngõ, hàng lá thuốc ngồi thành dãy ven đường. Người tới chợ mua bán không ồn ào
như các chợ khác, người bán lẻ, người bán buôn, từng mớ thuốc lá được xếp ngay ngắn riêng từng
loại. Tuy gọi là chợ nhưng không hề có chuyện nói thách rồi cò kè bớt giá và giá thuốc ở đây cũng
rất rẻ. Chỉ cần vài nghìn đồng có khi chỉ vài trăm là cũng được mấy bó lá về chữa bệnh.

Người ở Canh Diễn, Cầu Bươu thỉnh thoảng cũng mang lá thuốc đến vùng
này trao đổi. Nhiều người ở làng Đại Yên chuyển đi nơi khác sinh sống, nhưng mỗi chiều vẫn quay trở
lại đây mua buôn lá thuốc để ngồi ở những chợ khác bán hàng. Người bán hàng nào cũng hồn hậu, vui
vẻ, tay thì thoăn thoắt đếm lá, vừa nghe kể bệnh vừa hướng dẫn tỉ mỉ cách sao tẩm, đun sắc, cách
uống, cách bôi thuốc… Dường như các bài thuốc chữa các thứ bệnh dễ mắc phổ biến ở Việt Nam họ đều
thuộc làu làu. Nhức đầu giải cảm thế nào, đau xương dùng lá gì trong uống ngoài xoa, bông mã đề trị
bệnh thận thế nào, cỏ nhọ nồi cầm máu ra sao… Cũng với chữa trị các bệnh thông thường, những
“dược sĩ” dân gian này còn chữa cả các bệnh hiểm nghèo khác như thấp khớp, thận, gan, cao huyết
áp…

Trong nghề lá thuốc có loại hái buổi sớm khi chưa có ánh mặt trời
thì tốt, có loại sau khi đã giãi nắng cho tinh dầu kết lại trong phiến lá thì tác dụng cao hơn.
Cũng thật tài tình, không phải cùng một bệnh mà họ bán thuốc như nhau, người bán hàng nhìn kỹ sắc
mặt, tình trạng sức khỏe, rồi bệnh nhân già hay trẻ… cùng hàng loạt các yếu tố khác nữa mà chỉ có
riêng họ mới biết gia giảm lượng cây lá cho phù hợp… Vào sâu trong làng có thể thấy trên những
mảnh vườn nhỏ bóng dáng các bà, chị đang lúi húi chăm bón, tỉa hái lá cây. Những luống ngải cứu,
bỏng dạ, hương nhu, mã đề, rau má… thẳng tắp tươi mơn mởn.

Cái náo nhiệt ồn ào của phố xá dù chỉ cách làng vài trăm mét dường
như cũng không hề làm khuấy động không khí và nhịp sống nơi đây. Làng vẫn giản dị, bình yên với
những mảnh vườn nhỏ, những thầy thuốc dân gian cần mẫn mang lại niềm vui cho bao người. Ngày nối
ngày, họ cứ lặng lẽ âm thầm mong gìn giữ hình ảnh tốt đẹp đã có từ bao đời về một làng nghề truyền
thống.

(Theo cuocsongviet)

tinh dầu
Bài viết liên quan