Bên kia sông, một nửa của Hội An là An Hội. – Ảnh: Sacha Fernandez
Tôi tới Hội An đã vài lần và chưa bao giờ biết chán nơi ấy. Càng đến Hội An, tôi lại càng tìm cho mình thêm những điều rất hay, rất lạ, rất duyên ở mảnh đất mộng mị này.
Ở Hội An luôn có những điều duyên duyên rất dễ mến. – Ảnh: Break_away
Hội An của tôi mở ra với những buổi lang thang vô thức trong khu phố cổ. Tạt qua chỗ này một tí, tạt qua chỗ kia một tẹo. Thăm thú ngôi chùa này, ngôi đền kia. Rồi những lần sau đó là quán hàng Hội An, là những buổi café Hội An, những ngày dạo Hội An may đồ, duyên dáng trong bộ áo dài xinh xắn.
Hội An của buổi café dưới mưa rất đỗi dịu dàng. – Ảnh: Hihiki
Lần gần đây nhất, tôi đi cùng với một người bạn Hội An, nghe kể chuyện về Hội An, biết thêm về một Hội An rất hay, rất lạ. Tôi nghe kể chuyện về Hội An, về An Hội. Ồ, hóa ra, khu phố nhỏ bên kia sông mộng mị trong những tấm hình là một An Hội trong lòng của Hội An, sống một cuộc sống riêng giữa lòng những cổ kính nơi này.
Hội An có một phố nhỏ bên sông. – Ảng: Nguyen Pho
An Hội ngày xưa vốn là ruộng đồng hoang vu. Khi cầu chưa xây, muốn qua bên kia sông người ra phải đi đò. Giờ đò vẫn tấp nập trên sông Hoài nhưng dành để chở hàng hóa, xe cô và chở khách du lịch tham thú phố Hội trên sông.
Luôn có thuyền để chở người ta đi qua An Hội. – Ảnh: Khánh Hmoong
Người ta gọi nơi ấy là An Hội bởi khi xưa, khi mà Hội An đã nhộn nhịp và tấp nập, trở thành cảng thị Hội An tập trung nhiều hàng hóa ngoại quốc, bên kia sông vẫn lặng lẽ. Hai mặt trái ngược nhau của thành phố dù chỉ cách một con sông. Hội An rất “hội”, còn An Hội lại rất “an”. Bởi vậy mà người dân nơi đây dùng tên Hội An gọi ngược lại để tạo nên An Hội.
Bên này “hội” còn bên kia rất “an”. – Ảnh: Ewan Cross
Hội An – An Hội, những cái tên không chỉ do nhân duyên mà thành. Nghe tôi thôi, ngẫm nghĩ chút thôi người ta đã mơ mảng tưởng tượng ra một vùng đất vừa có những khoảng an tĩnh, nhẹ nhàng, vừa có những phút giây hội họp náo nhiệt.
Những phút tĩnh lại trước đêm ồn ào. – Ảnh: Khánh Hmoong
An Hội là một nơi rất dịu dàng. Tuy rằng bây giờ không giống như ngày xưa, du du tiếng dế kêu đêm và hoang sơ những buổi ban này. An Hội đêm đến đã trở nên náo nhiệt và lấp lánh chẳng kém phần Hội An.
Nơi đây náo nhiệt và lấp lánh. – Ảnh: BuiHongThang
Nhưng có lẽ, ẩn sâu trong lòng nơi đấy, “an” vẫn là thứ tồn tại bền vững nhất. Nhiều người vẫn có thói quen chọn cho mình một góc nhỏ trong một quán cafe bên phía An Hội, nhâm nhi vị thanh nhẹ của những ngày nghỉ ngơi, ngắm nhìn những vị khách du lịch khác tới Hội An tham thú, mua sắm.
Nơi để chúng ta nhâm nhi những Hội An rất khác. – Ảnh: Khánh Hmoong
An Hội không có nhà cổ. Không có những ngôi nhà mang đậm dấu ấn Trung Hoa và Nhật Bản. An Hội phát triển sau đó, với những ngôi nhà đời thường hơn. Dẫu vẫn có chút gì của Hội An ngấm vào trong đó, ấy là màu sơn đặc trưng, ấy là những chiếc đèn lồng lung linh của dãy phố.
Bóng dángHội Anngấm vào An Hội. – Ảnh: Minh Sơn
Những ngôi nhà hai tầng của An Hội không gọi là cổ, nhưng chúng vẫn duyên lạ kì. Nếu để ý một chút sẽ thấy ngay, người ta chụp An Hội chẳng kém gì chụp Hội An, đặc biệt là những tấm ảnh được chụp từ bên kia sông, thấy cả bầu trời, thấy cả những con thuyền xuôi sông đang nằm nghỉ.
Cả đất trời bên sông. – Ảnh: Ashit Desai
Nếu người Hội An không kể, nếu chỉ là du khách ghé thăm, có lẽ rất nhiều người vẫn nghĩ rằng bên kia sông vẫn được gọi là Hội An giống như những gì bao lâu nay ta nghĩ. Hóa ra, Hội An có nhiều điều hay ho mà càng ở lâu, càng thân quen với nơi này ta mới càng hiểu được.
Càng ở lâu càng thấy Hội An càng đẹp. – Ảnh: Nam-ho Park
Tôi thích Hội An và thích cả An Hội. Thích buổi chiều uống café ở đấy là được mượn xe miễn phí, chạy xe vòng vòng ngắm thành phố màu nhiệm này. Buổi tối ở An Hội bán bánh, bán hoa quả và đồ chơi. Cảm giác mình từ một cô gái trưởng thành, đạp xe thơ thẩn buổi chiều bỗng biến thành con nít, cái gì cũng muốn ăn thử, cái gì cũng muốn mua thử.
Cô gái trưởng thành trở thành con nít, cái gì cũng muốn thử. – Ảnh: Hằng Hằng
Đến một nơi, không chỉ để ngắm nhìn nơi ấy. Thử chạm tay vào ấy, khám phá những điều kì diệu của nơi ấy. Như An Hội, nếu chỉ ngắm nhìn, nơi ấy đơn giản là một thành phố bên sông. Nhưng khi đi qua cây cầu ta mới thấy, đấy là một nửa kia của một thành phố, một góc thành phố rất khác, nơi có những câu chuyện rất lạ so với những câu chuyện mà ta đã từng nghe.
Qua một dòng sông, một cây cầu ta thấy một Hội An khác, thấy muốn đi đâu đó thật lâu, và sống thật sâu. – Ảnh: Daniel Hoherd
Phố cổ Hội An
Hội An hay An Hội, đến mùa nào cũng thấy đẹp, thấy yêu. Nếu một ngày đẹp trời bỗng muốn đi đâu đó mà chẳng biết phải tới đâu, hãy chọn Hội An là điểm đến. Nơi ấy có “hội” và cũng có “an”, có những điều để người ta say mê khám phá và cũng có những không gian riêng để ngẩn ngơ, không phải suy tính điều gì.